Đề thi tham khảo môn Toán phân loại mạnh hơn hẳn năm 2017

GD&TĐ - Đó là nhận định của thầy Bùi Anh Dũng (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) về đề thi tham khảo môn Toán, kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Đề thi tham khảo môn Toán phân loại mạnh hơn hẳn năm 2017

Đề thi bám sát tinh thần đổi mới

Theo thầy Bùi Anh Dũng, cấu trúc đề thi tham khảo môn Toán sắp xếp từ dễ đến khó theo ma trận kiến thức. Đề thi bám sát định hướng đánh giá năng lực người học và phù hợp với tinh thần đổi mới hoạt động dạy và học hiện nay

So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề tham khảo năm 2018 có độ khó hơn hẳn. Điều này thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng, đồng thời cũng thể hiện ở mức độ khó của từng câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh và làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh.

Về độ phân hóa, đề thi có tính phân hóa cao, rơi vào khoảng 8 -10 câu hỏi cuối (câu 42-50). Các câu hỏi này thường rơi vào chuyên đề hình học không gian, hình Oxyz và đặc biệt là câu tích phân (câu 50).

Với phần kiến thức lớp 11, câu 49 thuộc chuyên đề xác suất cũng là một câu hỏi khó đối với thí sinh. So với đề thi THPT quốc gia 2017, rõ ràng đề thi THPT quốc gia năm 2018 thể hiện tính phân loại mạnh hơn hẳn.

Học sinh nên sớm có lộ trình ôn tập hợp lý

Với nội dung và cấu trúc đề tham khảo vừa công bố, thầy Bùi Anh Dũng cho biết, học sinh nên sớm có lộ trình ôn tập hợp lý.

Trước tiên, cần phải hoàn thành sớm nội dung của chương trình lớp 12; tiếp đến ôn tập phần kiến thức của lớp 11 (chiếm khoảng 20% tổng số câu) và kiến thức tập trung chủ yếu phần tổ hợp – nhị thức - xác suất (chiếm 4 câu); phần lượng giác (chiếm 1 câu thuộc cấp độ vận dụng); hình học không gian gồm 3 câu hỏi là các bài toán đều liên quan đến góc; phần kiến thức về dãy số cũng xuất hiện 1 câu thuộc cấp độ vận dụng.

Đưa ra lời khuyên với học sinh để làm tốt đề thi, thầy Bùi Anh Dũng lưu ý, học sinh cần đọc đề nhanh, bắt được ý chính, và tìm mối liên hệ giữa các dữ liệu với nhau. Ngoài việc tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần đánh dấu vào đề thi để so đáp án, tự chấm. Nên cầm bút chì ở tay phải và tay trái cầm tẩy, rèn việc tô và tẩy cho thành thạo, trơn tru.

Phần hình học, thí sinh đọc đề, tưởng tượng ra mô hình trong đầu và vẽ hình nếu cần. Chỉ nên dùng bút chì và vẽ bằng tay. Tính toán ngay ở trên hình. Hạn chế viết nhiều, dùng ký hiệu hay trình bày như tự luận.

Với những câu dễ: Cố gắng làm nhanh (khoảng 1 - 1,5 phút) nhưng không làm ẩu, chỉ nháp nếu cần thiết, dành thời gian cho các câu khó. Sử dụng máy tính hợp lý.

Với những câu khó: Có thể dành nhiều thời gian hơn. Phối hợp các phương pháo khác nhau. Đưa về trường hợp đặc biệt. Thử các trường hợp của đáp số; sử dụng máy tính hỗ trợ.

Thầy Bùi Anh Dũng lưu ý thêm: Do đáp án không chia đều về số lượng các phương án A, B, C, D nên việc chỉ tô 1 phương án hay tô ngẫu nhiên là không hiệu quả. Thí sinh cần “lao động” để việc chọn đáp án có xác suất đúng cao nhất có thể. Thí sinh không nên đầu hàng trước khi hết giờ làm bài. Cần chiến đấu nhiệt tình đến phút thứ 90, chỉ nộp bài khi giám thị yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ