Học máy móc không thể làm tốt đề thi tham khảo môn Địa lý

GD&TĐ - Độ khó tăng và phân hóa rõ ràng hơn, câu hỏi không đòi hỏi ghi nhớ máy móc, phạm vi kiến thức rộng... Những đặc điểm của đề thi tham khảo môn Địa lý (kỳ thi THPT quốc gia 2018) đòi hỏi học sinh không chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản mà phải biết vận dụng, tổng hợp, tìm mối liên hệ giữa các phần kiến thức.

Học máy móc không thể làm tốt đề thi tham khảo môn Địa lý

Đề thi được đầu tư công phu

Đánh giá đề thi tham khảo môn Địa lý, các thầy cô trong tổ Địa lý Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng: đề có cấu trúc phù hợp, đảm bảo chuẩn kiến thức và độ phân hóa rõ. Nhiều học sinh có thể đạt 5 - 6 điểm, nhưng để đạt 7 - 8 điểm trở lên thì học lực phải khá, giỏi.

Là giáo viên nhiều kinh nghiệm tại Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), cô Trần Mỹ Hằng phân tích: Đề tham khảo môn Địa lý năm nay có 32/40 câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 12 (80%) và 8/40 câu thuộc nội dung kiến thức lớp 11 (20%). Đề có 62,5% câu hỏi lý thuyết (25/40 câu); 25% câu sử dụng Atlat (10/40 câu) và 12,5% câu hỏi thực hành (5/40 câu).

Câu hỏi không đòi hỏi sự ghi nhớ máy móc, học sinh sử dụng tốt Atlat Địa lí Việt Nam và có khả năng nhận xét bảng số liệu tốt sẽ dễ dàng hoàn thành các câu hỏi thực hành.

Về kiến thức, lớp 11 tập trung vào một số nội dung: Khái quát nền kinh tế - xã hội thế giới; Địa lí quốc gia và khu vực (Hoa Kì, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á). Kiến thức lớp 12 là toàn bộ chương trình với các chủ đề Địa lí tự nhiên, dân cư, ngành, vùng.

"So với đề năm trước, mức độ khó tăng nên đề đã phân hóa rõ ràng các đối tượng học sinh giỏi, khá và trung bình. Phạm vi kiến thức rộng. Số lượng câu hỏi vận dung cao tăng từ 4 câu năm 2016-2017 lên 12 câu. Mức độ khó của các câu hỏi vận dụng cao cũng tăng lên, đòi hỏi học sinh không chỉ hiểu mà còn phải suy luận, vận dụng kiến thức trong toàn cấp học" - cô Trần Mỹ Hằng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Anh Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) cũng chung nhận định kiến thức Địa lý trong đề tham khảo khoảng 20% ở lớp 11 và 80% lớp 12.

Cấu trúc đề hợp lí giữa các nội dung kiến thức và kĩ năng bộ môn. Nội dung đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, kiến thức nằm trong chương trình, phổ kiến thức rộng đảm bảo đánh giá toàn diện học sinh. Câu hỏi không đòi hỏi sự ghi nhớ máy móc, học sinh sử dụng tốt Atlat Địa lí Việt Nam và có khả năng nhận xét bảng số liệu tốt sẽ dễ dàng hoàn thành các câu hỏi thực hành.

Đề thi phân hóa theo 4 cấp độ tư duy. Đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh trung bình, khoảng 50% câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu. Có sự phân hóa cao hơn so với đề thi THPT quốc gia 2017, trong đó một số câu hỏi đòi hỏi mức độ tư duy tổng hợp cao. Mức độ câu hỏi khó (vận dụng cao) khoảng 20%.

Tổ Địa lí Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) cùng phân tích và đánh giá đề thi tham khảo của Bô GD&ĐT nhìn được đầu tư công phu, có sự phân hóa; có đầy đủ nội dung kiến thức trong chương trình đã học lớp 11, 12. Tuy nhiên, các thầy cô cũng góp ý, nên tăng lượng câu hỏi của chương trình lớp 11 (8 câu lên 10 câu) và tăng câu hỏi phần dân cư trong chương trình Địa lý lớp 12.

Không thể học máy móc

Việc ôn tập nên thực hiện theo các chủ đề, lập sơ đồ tư duy và các bảng biểu để đễ dàng hệ thống hóa kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Học sinh cần dành nhiều thời gian cho việc tự học, sau mỗi bài học trên lớp nên hệ thống hóa lại ngay theo dạng sơ đồ tư duy để khắc sâu kiến thức.

Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này, cô Trần Mỹ Hằng (Trường THPT Chuyên Hùng Vương) cho rằng, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản (SGK) để làm tốt các câu hỏi ở mức độ biết và hiểu.

Cần vận dụng, tổng hợp, tìm mối liên hệ giữa các phần kiến thức để giải quyết các câu hỏi khó ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Nắm chắc kiến thức trong toàn chương trình vì nhiều khái niệm khó có liên quan đến kiến thức lớp 10, đòi hỏi học sinh phải hiểu và vận dụng được.

Bên cạnh đó, học sinh cũng lưu ý rèn các kĩ năng như nhận dạng biểu đồ, tính toán, phân tích nhận xét bảng số liệu để làm tốt các câu hỏi kĩ năng thực hành. Đồng thời, rèn kĩ năng đọc, phân tích Atlat địa lí Việt Nam để làm các câu hỏi sử dụng Atlat.

Khi làm bài, cần đọc kĩ đề, làm nhanh những câu hỏi ở mức độ hiểu, biết; chú ý tới lời dẫn phủ định “không”, “chủ yếu nhất”, “quan trọng nhất”…

Đối với các câu hỏi vận dụng, cần phân tích câu hỏi thật kĩ, gạch chân vào các từ khóa; vận dụng, tổng hợp kiến thức để tránh tình trạng nhầm lẫn, sai sót; làm các phương pháp loại trừ để kiểm tra lại đáp án.

Khi làm bài thi, học sinh cần phân biệt rõ câu hỏi về biểu hiện và nguyên nhân của ván đề được hỏi. Giữa các nội dung lựa chọn cần phân biệt yếu tố bộ phận và tổng thể; giữa câu dẫn và đáp án thường có các từ chìa khóa, gợi ý có liên quan chặt chẽ với nhau. Học sinh cũng lưu ý nên làm câu hỏi thực hành trước vì đây là những câu hỏi vừa sức.

Đối với các câu thực hành, học sinh cần thực hành nhiều kĩ năng tính toán cẩn thận, tránh nhầm lẫn. Làm nhiều đề để thành thạo các dạng câu hỏi với bảng số liệu và biểu đồ vốn không quá khó, dễ ăn điểm nhưng lại dễ nhầm lẫn. Kiểm tra lại kết quả làm trên đề và giấy thi để đảm bảo câu trả lời đúng. Tham gia nhiều kì thi thử, khảo sát chất lượng để rèn luyện tâm lí và kĩ năng.

Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi, các thầy cô trong tổ Địa lý Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng, nhóm chuyên môn cần nghiên cứu thật kỹ, phân tích cấu trúc và nội dung đề thi. Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu, phân tích đề thi minh họa, giải thử đề thi khi đã hoàn thành các nội dung học tập. Hoặc giáo viên xác định cho học sinh làm thử các câu hỏi thuộc các phần học sinh đã học, sau đó chữa thật kỹ cho học sinh.

Giáo viên bộ môn tổ chức ôn tập cho học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, năng lực, rèn cho học sinh kỹ năng làm bài theo cấu trúc đề minh họa; biên soạn đề theo cấu trúc đề minh họa để cho học sinh ôn tập.

Các giáo viên tổ Địa lí Trường THPT Tam Nông lưu ý ôn tập bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng; thường xuyên sử dụng Át lát Địa lí Việt Nam. Đồng thời phân tích cho học sinh cách phát hiện từ khóa để tìm ra câu trả lời đúng; yêu cầu học sinh khá giỏi tự tìm các nội dung khó, thảo luận và đưa ra ý kiến sau đó đi đến thống nhất chung.

Với học sinh cần nắm vững và chắc kiến thức cơ bản; biết vận dụng, quan tâm nhiều hơn các vấn đề xã hội, những thay đổi thực tế đang diễn ra; biết cách tự học và cần luyện tập nhiều lần. Khi làm bài, học sinh phải bình tĩnh, đọc kĩ lời dẫn và các đáp án để không bị nhầm lẫn.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm, thầy Nguyễn Anh Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa - cho rằng, việc ôn tập cần gắn bó chặt chẽ giữa học lí thuyết với rèn luyện kĩ năng thực hành. Học sinh chú trọng đến những nội dung bản chất, những từ chìa khóa trong các câu dẫn, không nên học thuộc lòng máy móc.

Việc ôn tập nên thực hiện theo các chủ đề, lập sơ đồ tư duy và các bảng biểu để đễ dàng hệ thống hóa kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Học sinh cần dành nhiều thời gian cho việc tự học, sau mỗi bài học trên lớp nên hệ thống hóa lại ngay theo dạng sơ đồ tư duy để khắc sâu kiến thức.

"Khi làm bài thi, học sinh cần phân biệt rõ câu hỏi về biểu hiện và nguyên nhân của ván đề được hỏi. Giữa các nội dung lựa chọn cần phân biệt yếu tố bộ phận và tổng thể; giữa câu dẫn và đáp án thường có các từ chìa khóa, gợi ý có liên quan chặt chẽ với nhau. Học sinh cũng lưu ý nên làm câu hỏi thực hành trước vì đây là những câu hỏi vừa sức" - thầy Nguyễn Anh Tuân cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.