Thầy cô chia sẻ 'chiến thuật' làm bài thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Mỗi môn học thí sinh lại cần có những lưu ý riêng trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Dễ làm trước, khó làm sau

Thầy Nguyễn Văn Phu, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) chia sẻ “chiến thuật” làm bài thi môn Toán, đó là: làm dễ trước - khó sau. Mặc dù đề thi thường được sắp xếp từ dễ đến khó, nhưng điều này chỉ mang tính chất tương đối vì tùy vào thế mạnh, sở trường từng học sinh.

Học sinh cần làm chắc chắn, chính xác; dựa vào mục tiêu về điểm số, hãy cố gắng làm đúng số câu để đạt được điểm. Nháp cẩn thận, gạch chân từ khóa cũng cần thiết giúp học sinh nắm rõ yêu cầu bài toán, cũng như tóm tắt được dữ kiện đề bài. Từ đó, học sinh dễ dàng khoanh vùng được nội dung kiến thức cần vận dụng để giải quyết vấn đề.

Thầy Nguyễn Văn Phu đồng thời khuyên học sinh cần đọc từng câu chữ và suy ngẫm về đề (câu hỏi, câu trả lời), đọc đề bài nhiều lần. Chú ý các câu có cụm từ phủ định trong câu hỏi, câu trả lời, các câu đúng, sai. Các câu hỏi lý thuyết phải đọc kỹ từng từ, cụm từ để tránh chọn phải phương án “nhiễu”.

Thí sinh cần chú ý làm xong câu nào là tô luôn câu đó. Tránh tính trạng cuối giờ bị rối, 1 câu tô 2 đáp án, hoặc khi làm ra A nhưng lại tô B do nhìn nhầm; cố gắng không bỏ trống đáp án...

Lưu ý khi làm bài trắc nghiệm môn Giáo dục công dân, cô Trịnh Thị Hiên, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) nhắc nhở học sinh đọc kỹ đề, hiểu được vấn đề được hỏi, liên hệ với tình huống thực tế để hiểu dễ dàng hơn.

Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu (chiếm 75%) không cần suy luận cao siêu, học sinh chỉ cần nhớ lại những kiến thức đã được học. Với câu hỏi xử lý tình huống, phân hóa, vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, các em phải biết so sánh, tổng hợp, phân tích; có thể sử dụng phương pháp loại trừ.

Câu hỏi về luật mà không biết xử lý, học sinh hãy đặt mình vào tình huống đó, vào vị trí của người bị xâm phạm quyền, lợi ích và xử lý theo chuẩn mực đạo đức thì thường đáp án đó sẽ đúng.

Đối với các câu hỏi tình huống dài, hãy đọc câu hỏi trước. Những câu nào chắc chắn đúng, học sinh hãy mạnh dạn khoanh. Câu nào không chắc chắn, đánh dấu để quay lại làm khi đã hoàn thành xong các câu chắc đúng.

Ngoài ra, cô Trịnh Thị Hiên cũng khuyên học sinh khi ôn bài nên tổng hợp các kiến thức, so sánh các nội dung với nhau; học bằng cách truyền đạt cho bạn; ôn lại ôn lại và tổng hợp kiến thức mỗi hai tuần.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Rèn kỹ năng làm bài và quản lý thời gian

Với môn Vật lí, cô Phạm Thị Minh Nguyệt, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) khuyên thí sinh khi luyện đề hãy tự tự bấm giờ. Nên làm đề trong 50 phút để rèn áp lực, không mở tài liệu khi đang làm, cần tuyệt đối có kỷ luật với bản thân.

Khi làm xong đề, học sinh mới mở đáp án, đánh dấu các câu đã đúng, đã làm được nhưng sai và chép lại các câu lạ ra cuốn vở. Sưu tầm câu khó để tự nghiên cứu hoặc hỏi thầy cô, bạn bè…

Làm được khoảng 5 đề, học sinh tự hệ thống lại bảng điểm mỗi lần để phấn đấu thêm (cứ thêm 1 câu mỗi phần thì khi tập hợp lại sẽ được 1,5 điểm tổng bài thi). Điều này sẽ giúp các học sinh cải thiện điểm số rất nhiều.

Đưa ra một số lưu ý quan trọng với môn Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) nhấn mạnh trước tiên đến việc nắm vững nội dung kiến thức, đặc biệt là kiến thức có trong đề tham khảo năm 2023.

Một số kiến thức cơ bản: Phần Phonetics - nắm vững phát âm của phụ âm, nguyên âm, trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết. Phần ngữ pháp - nắm vững các chuyên đề về câu hỏi đôi, so sánh, câu bị động, rút gọn mệnh đề quan hệ, giới từ, mạo từ, câu điều kiện và câu trực tiếp gián tiếp.

Tiếp theo, học sinh cần nâng cao vốn từ vựng, đọc và hiểu kỹ các nội dung ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc, các thành ngữ, cụm cố định trong sách giáo khoa, tài liệu ôn tập, đề thi mẫu và tài liệu tham khảo.

Học sinh cần xây dựng một phương pháp ôn tập hiệu quả dựa trên khả năng cá nhân của mình. Có thể áp dụng các phương pháp sau:

Có thời gian biểu hợp lý, ghi rõ lộ trình học tập và nội dung cần ôn tập củng cố kiến thức hay nội dung kiến thức cần đạt được trong thời gian tới.

Dựa vào kết quả thi thử đã có để đặt mục tiêu rõ ràng và có lộ trình ôn tập hợp lý. Có thể hỏi thêm thầy cô để có lộ trình đúng và phù hợp hơn.

Xem lại bài giảng, ghi chú và làm các bài tập trong sách giáo khoa. Học và luyện tập từ vựng, ngữ pháp bằng cách làm các bài tập, đọc hiểu, viết lại câu.

Đọc và luyện tập kỹ năng đọc hiểu bằng cách đọc các đoạn văn, bài báo, trả lời câu hỏi liên quan.

Làm thật nhiều đề phát triển của đề tham khảo để có thêm kỹ năng làm bài vào quản lý thời gian. Khi làm đề, học sinh ghi chú lại những phần kiến thức, từ vựng, hay các thành ngữ, cụm cố định còn hổng vào sổ tay và ôn tập lại mỗi ngày.

Làm bài trước kỳ thi: Học sinh cần luyện tập làm các đề thi mẫu hoặc các đề thi thực tế trong thời gian giới hạn để làm quen với định dạng đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài và quản lý thời gian. Học sinh nên chú ý đọc kỹ đề bài, làm đúng yêu cầu của đề thi, kiểm tra lại các câu trả lời trước khi nộp bài.

Trước kỳ thi, học sinh cần giữ tinh thần tự tin và thư giãn. Hãy ngủ đủ giấc, ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe trước kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ