Tăng cơ hội ghi điểm thi tốt nghiệp THPT nhờ kỹ năng làm bài

GD&TĐ - Trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh trau dồi kiến thức, thí sinh cần nắm vững các kỹ năng để tránh mất điểm oan.

Cô Trương Thị Thu Hường, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: NVCC
Cô Trương Thị Thu Hường, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: NVCC

Các giáo viên đã lưu ý một số vấn đề khi làm bài thi trắc nghiệm, tự luận, giúp học sinh nâng cao kỹ năng làm bài.

Phân bổ thời gian khoa học

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Ngữ văn là môn thi duy nhất theo hình thức tự luận. Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, bên cạnh nắm vững kiến thức, thí sinh cần trau dồi các chiến thuật làm bài tự luận để tăng cơ hội ghi điểm.

Cô giáo Nguyễn Thuỳ Dung, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên), trao đổi: Nhiều lần đi coi thi, tôi nhận thấy sau khi phát đề, một bộ phận học sinh ‘cắm đầu cắm cổ’ vào làm bài vì các em lầm tưởng mình đang tranh thủ thời gian trong phòng thi. Trên thực tế, việc làm bài vội vàng khi chưa đọc kỹ đề sẽ xảy ra sai sót cao hơn.

Ở mỗi môn thi, thí sinh có 5 - 10 phút phát đề. Đây là khoảng thời gian để thí sinh kiểm tra một lượt đề thi, xem xét bao quát cấu trúc đề thi phần nào dễ, khó. Trong thời gian này, đầu tiên, thí sinh cần kiểm tra đề thi có đầy đủ, in rõ ràng hay không. Sau đó, dựa trên cấu trúc, mức độ và số điểm các câu hỏi trong đề thi, thí sinh hãy phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Cô Dung nhấn mạnh, cách phân bổ thời gian hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất tuỳ thuộc vào từng đối tượng học sinh. Đơn cử, với học sinh có học lực trung bình, yếu, chỉ số lượng ít làm được phần Làm văn nên các em cần tập trung nhiều thời gian cho phần Đọc – hiểu để lấy điểm. Do đó, học sinh trung bình, yếu có thể phân bổ thời gian làm bài như sau: 30 – 35 phút cho phần Đọc – hiểu; 30 – 35 phút cho phần Nghị luận Xã hội và 50 – 60 phút cho phần Nghị luận Văn học.

Ngược lại, với học sinh khá, giỏi, để đạt mục tiêu cao nhất ở môn Ngữ văn, các em cần đầu tư nhiều thời gian cho phần Làm văn. Thời gian làm bài có thể chia thành 15 – 20 phút cho phần Đọc – hiểu; 20 – 25 phút phần Nghị luận Xã hội và phần Nghị luận Văn học chiếm 70 – 80 phút. Cả hai nhóm thí sinh cần dành 5 phút soát lại bài trước khi nộp.

Sau khi đọc đề, thí sinh hãy vận dụng những kiến thức đã học một cách tổng hợp và lập dàn ý đại cương. Dàn ý sử dụng những cụm từ ngắn, thể hiện luận điểm, luận cứ sẽ triển khai trong bài thi. Ngoài ra, trong quá trình làm bài, thí sinh hãy luôn ghi nhớ việc trình bày rõ ràng, khoa học, súc tích.

Theo cô Dung, ở môn Ngữ văn, một trong những lỗi sai nặng nhất là lạc đề. Nguyên nhân của tình trạng này do thí sinh lo lắng hoặc quá vội vàng không đọc kỹ câu hỏi, không lập dàn ý trước khi làm bài. Nguyên nhân sâu xa là bởi thí sinh còn yếu kiến thức hoặc học bài một cách máy móc, học tủ.

Cô Dung lấy ví dụ, khi đề thi yêu cầu “phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mỵ trong tác phẩm ‘Vợ chồng A Phủ’ của nhà văn Tô Hoài”, thí sinh lạc đề sẽ phân tích từ đầu đến cuối tác phẩm. Thay vào đó, thí sinh phải lựa chọn phân tích những đoạn văn thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị như: Trong đêm tình mùa Xuân, khi cởi trói cho A Phủ...

Muốn khắc phục lỗi này, trước khi “bắt tay” làm bài, thí sinh không thể bỏ qua bước tìm hiểu kĩ đề thông qua thao tác đọc và phân tích. Trong quá trình tìm hiểu đề, thí sinh hãy dùng bút gạch chân những từ khóa chứa yêu cầu của đề bài và phân dạng yêu cầu của đề như “Hãy phân tích” “Hãy chứng minh”, “Cảm nhận” , “Bằng việc so sánh… hãy chứng minh nhận định”... Sau đó, lập dàn ý đại cương trước khi viết.

Cô Nguyễn Thuỳ Dung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) chụp ảnh kỷ yếu cùng học sinh. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thuỳ Dung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) chụp ảnh kỷ yếu cùng học sinh. Ảnh: NVCC

Không bỏ trống đáp án

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Trương Thị Thu Hường, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh hãy giữ phiếu tô đáp án rõ ràng, sạch, đẹp. Lưu ý quan trọng thí sinh phải khoanh đáp án bằng bút chì mềm. Các em nên chuẩn bị sẵn một vài bút chì đã gọt để phòng trường hợp thiếu hoặc gãy bút.

Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, việc đầu tiên thí sinh cần làm là điền các mục từ 1 đến 9 là thông tin cá nhân, thông tin bài thi... Sau khi nhận đề thi, các em hãy kiểm tra qua đề thi một lượt. Đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh có nhiều tờ nên hãy kiểm tra từng tờ xem chất lượng in thế nào, có thiếu tờ nào hay không... Sau đó, các em điền thông tin mã đề thi.

Với các thông tin trên, thí sinh điền bằng bút bi hoặc bút mực, không sử dụng màu đỏ và nên điền ngay sau khi phát đề bởi nếu quên bất kỳ thông tin nào, bài thi sẽ bị tính phạm quy. Cô Hường lưu ý, khi đọc đề, thí sinh sử dụng bút chì để gạch chân vào các từ hoặc cụm từ quan trọng, vận dụng kỹ năng làm bài đã luyện trong quá trình học. Riêng môn Tiếng Anh, khi gặp câu khó, thí sinh hãy cố gắng vận dụng kĩ năng đoán từ trong ngữ cảnh.

Cuối cùng, thí sinh nên dành ra 5 - 10 phút kiểm tra lại việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm đã khớp với các câu trả lời trong đề thi hay chưa. Đặc biệt, các em không nên bỏ trống câu nào. Sau khi đã áp dụng phương pháp “câu dễ làm trước, câu khó làm sau” nhưng vẫn không thể tìm ra đáp án, các em có thể khoanh đáp án có linh cảm tốt nhất vì đó vẫn có thể là một đáp án đúng.

Theo cô Hường, bên cạnh kỹ thuật làm bài, kỹ năng ổn định tâm lý trước và trong thời gian làm bài thi cũng quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh. Vì vậy, khi bước vào phòng thi, thí sinh hãy giữ trạng thái tỉnh táo, tập trung vào bài thi của mình, đọc kỹ yêu cầu và nội dung câu hỏi để tránh những nhầm lẫn không đáng có.

Thí sinh không nhất thiết phải làm bài thi theo thứ tự câu hỏi. Phần nào dễ làm trước, khó làm sau nhưng tuyệt đối không bỏ cách giấy để tránh trường hợp tạo nên khoảng giấy trống trong bài, ảnh hưởng đến quá trình chấm thi. - Cô Nguyễn Thùy Dung (Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ