Kinh nghiệm ôn và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Sử

GD&TĐ - Quá trình làm bài học sinh cần đọc kỹ đề, nhận biết qua từ khóa, giữ tâm lý ổn định,... là những lưu ý khi ôn và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Sử.

Cô Ninh Thị Cúc, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Lường Toán.
Cô Ninh Thị Cúc, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Lường Toán.

Nắm kiến thức theo sơ đồ tư duy

Những ngày này, cô và trò Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đang tích cực ôn tập củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trực tiếp chữa đề thi tham khảo môn Sử của Bộ GD&ĐT cho học sinh (HS), cô Ninh Thị Cúc đánh giá, đề thi tham khảo năm nay phù hợp cho HS xét tốt nghiệp THPT.

Theo nữ giáo viên, hiện HS nhà trường đã học xong chương trình, bước vào giai đoạn ôn thi và luyện đề chuẩn bị cho kỳ “vượt vũ môn” diễn ra sắp tới.

“Nếu tính thời gian thì chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng nữa, các em sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, trong quá trình cho HS làm đề, chúng tôi củng cố kiến thức thêm một lần nữa cho các em theo từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ áp dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy để giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn”, cô Cúc chia sẻ.

Nữ giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 4 thường tập trung mở rộng phạm vi kiến thức, thay vì chỉ cho HS làm đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. “Gần như năm nào, tôi cũng cho các em ôn tập theo phương pháp này. Vì vậy, khi bước vào kỳ thi thật các em sẽ tự tin phân tích, sử dụng phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng”, cô Cúc nói.

Theo cô Cúc, quá trình cho HS làm đề và chữa đề sẽ thêm một lần nữa củng cố kiến thức. Khi đụng chạm đề vấn đề hoặc nội dung nào đó, trường hợp HS chưa nắm rõ, nữ giáo viên sẽ dừng lại để bù lấp khoảng trống kiến thức cho các em.

“Ôn thi theo phương pháp này khá vất vả, giáo viên phải soạn đề và trực tiếp chữa đề cho các em. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc áp dụng phương pháp này rất tốt. Trong khoảng 7 năm trở lại đây, điểm trung bình môn Sử của nhà trường luôn nằm trong tốp 10 của tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, trong 5 năm gần nhất, điểm trung bình môn thi này của nhà trường luôn nằm trong tốp 5. Trong kỳ thi thử tốt nghiệp lần 1, điểm trung bình môn Sử của nhà trường đứng thứ 3, chỉ sau Trường THPT chuyên Lam Sơn và THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc”, cô Cúc cho hay.

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, hiện cô và trò nhà trường cũng đã bước vào giai đoạn tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Giảng dạy khối 12, cô Lê Thị Huế đang cho HS ôn và làm đề.

“Để việc ôn tập đạt hiệu quả, tôi phân nhóm HS theo năng lực. Với những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, giáo viên sẽ tập trung củng cố kiến thức trong phạm vi sách giáo khoa. Từ đó, các em có thể làm tốt được 30 câu đầu của đề thi, tập trung ở phần Nhận biết và Thông hiểu.

Trong khi đó, với nhóm HS có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ cho các em luyện thật nhiều đề. Quá trình làm đề, trường hợp HS khuyết kiến thức ở phần nào sẽ bù lấp luôn cho các em ở phần đó”, cô Huế chia sẻ.

Lưu ý trong quá trình làm bài thi

Cô Lê Thị Huế cùng học sinh thi đội tuyển cấp tỉnh môn Lịch sử, năm học 2022-2023.

Cô Lê Thị Huế cùng học sinh thi đội tuyển cấp tỉnh môn Lịch sử, năm học 2022-2023.

Cô Lê Thị Huế lưu ý, một trong những yếu tố giúp HS tránh điểm liệt môn Sử đó là cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Theo nữ giáo viên, đôi khi với những câu Nhận biết, Thông hiểu nhưng HS không nắm được kiến thức cơ bản thì cũng dễ dàng đánh mất điểm.

“Ngoài nắm kiến thức cơ bản, các em có thể nhận biết qua từ khóa của câu hỏi trong đề thi để chọn đáp án đúng. Với những câu Vận dụng, đòi hỏi HS phải có kiến thức tổng hợp, dùng phương pháp phân tích để loại trừ đáp án sai.

Bên cạnh các lưu ý trên, các em cũng cần có kỹ năng trong quá trình làm bài, tránh bị sót hoặc chủ quan dẫn đến luống cuống ở cuối giờ”, cô Huế cho hay.

Theo cô Ninh Thị Cúc, một trong những lưu ý đầu tiên HS cần phải lưu tâm đó là phải ổn định tâm lý trong quá trình làm bài. Với môn Lịch sử, HS không ổn định tâm lý rất dễ dẫn tới việc nhầm lẫn ngày tháng, giai đoạn này với giai đoạn khác.

“Trong quá trình làm bài thi, HS cần lưu ý đọc kỹ câu hỏi để chọn đáp án chính xác. Sự chủ quan, thiếu tập trung rất dễ khiến HS đánh mất điểm số một cách không đáng có”, nữ giáo viên lưu ý.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Triệu Sơn 4 là một trong 4 ngôi trường dẫn đầu tỉnh Thanh Hóa về tổng số điểm 10. Trong 17 điểm 10 mà HS ngôi trường này giành được tại kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có tới 13 điểm 10 ở môn Lịch sử. Mức điểm trung bình đạt được từ môn này lên tới 8,4 điểm, cao thứ nhì trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ