Thất bại trên chiến trường sẽ buộc Nga phải đàm phán?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo người đứng đầu NATO, chỉ có thất bại trên chiến trường mới buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và đem lại hòa bình cho Ukraine.

Thất bại trên chiến trường sẽ buộc Nga phải đàm phán?

Kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 18/1 đã đưa tin về triển vọng xung đột Nga-Ukraine, khi trích dẫn lời kêu gọi của Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana về việc các thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo quốc phòng của các nước tại cuộc họp của Ủy ban Quân sự NATO ở Brussels (Bỉ), ông Geoana nói rằng, các đồng minh nên đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, tăng năng lực sản xuất vũ khí đạn dược và "chuẩn bị cho các cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai".

Ông cũng kêu gọi mọi người ngừng đánh giá thấp Moscow, cả về năng lực chiến đấu và quyết tâm đạt được các mục đích đã định trong cái gọi là “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” của Nga ở Ukraine.

Binh sĩ Ukraine tại một địa điểm trên tiền tuyến gần Soledar-Donetsk
Binh sĩ Ukraine tại một địa điểm trên tiền tuyến gần Soledar-Donetsk

Theo ông Mircea Geoana, NATO nhìn nhận rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy các mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay đổi. Ngược lại, Nga đang huy động nhiều quân nhân mới, mà nhiều người trong số họ đã hoàn thành quá trình đào tạo, huấn luyện, sau cuộc động viên cục bộ hồi tháng 9.

Theo ông, Nga sẵn sàng chịu đựng những tổn thất đau đớn và đang nỗ lực hướng tới một số đồng minh, ví dụ như Iran, để có thêm đạn dược và vũ khí mới. Do đó, cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc.

Vì vậy, các đồng minh của khối cần phải chuẩn bị cho “một hành trình dài” (ám chỉ cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ còn tiếp tục kéo dài). Năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với cả Brussels và Kiev. NATO cần hỗ trợ Ukraine đúng những gì cần thiết và đúng như những cam kết.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng gọi việc tăng cường cung cấp thêm vũ khí cho chính quyền Kiev là “cách duy nhất để đàm phán với Moscow”.

Ukraine sẽ được viện trợ nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây
Ukraine sẽ được viện trợ nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây

Người đứng đầu NATO chỉ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có dấu hiệu chuẩn bị cho hòa bình và vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho chiến tranh. Thời gian tới sẽ là giai đoạn bước ngoặt trong cuộc chiến, đòi hỏi khối này phải tăng cường hỗ trợ đáng kể cho Ukraine.

Theo người đứng đầu NATO, con đường ngắn nhất để đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine là buộc Moscow phải chấp nhận thất bại. “Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình” - ông Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn với DPA hôm 30/12.

Trong tuần qua, giới truyền thông phương Tây đã đưa tin về việc Ukraine sẽ được viện trợ hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây (MBT) như: Leopard-2 của Đức và Challenger-2 của Anh; còn chính phủ Pháp hiện cũng đang cân nhắc việc cung cấp xe tăng Leclerc.

Mặc dù không có bất cứ tuyên bố nào về việc Hoa Kỳ sẽ gửi dòng tăng mạnh nhất của mình là M1A2 Abram, điều mà các quan chức chính quyền Biden đã từng thừa nhận là “khó xảy ra”, nhưng trong tương lai, rất có thể các xe tăng phiên bản đầu M1A1 sẽ được cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ