Đó là thông tin được các chuyên gia đầu ngành về Du lịch đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trường ĐH Văn Hiến phối hợp với Vụ đào tạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch vừa tổ chức tại TPHCM.
Phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế là nhiệm vụ đặt ra khi ngành du lịch được trao vị trí quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu hệ thống kinh tế quốc dân. Đây là thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành cũng như các hệ thống trường đào tạo những ngành học này.
Theo Tổng cục Du lịch mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)cũng chỉ ra, với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, ước tính nhu cầu nhân lực của ngành du lịch sẽ tăng lên khoảng 870.000 lao động.
Trong khi đó, hiện nay cả nước mới chỉ có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp… với nhân lực đào tạo hằng năm đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu.
Quang cảnh hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” |
Đây là thách thức rất lớn cho ngành Du lịch trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hội nhập, cũng như năng suất cạnh tranh với nguồn nhân lực các quốc gia trong khối ASEAN.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Thông- Trưởng khoa Khoa quản trị du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM thẳng thắn chia sẻ: Việc đào tạo du lịch hiện đã được trao cho cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, khi đi sâu vào việc xây dựng chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù đối với ngành này, các trường rất lúng túng. Khúc mắc lớn nhất vẫn là sự bắt tay giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp khai thác dịch vụ lữ hành.
"Để có nguồn nhân lực du lịch chất lượng, tương lai trong cơ chế đào tạo, sự tách rời giữa hai bên cần được tháo gỡ. Đừng tách ra hai bên và đối lập với nhau, trường thì cứ nai lưng đào tạo, còn thực tế doanh nghiệp đón nhận một cách mờ nhạt sản phẩm mình đào tạo ra. Việc hai bên bắt tay cùng với cơ chế của từng địa phương tương lai chúng ta mới nâng chất được chất lượng nguồn du lịch"- TS Thông nói.
Khẳng định thực trạng nhân lực du lịch của Việt Nam còn rất yếu cả về chất lượng lẫn đội ngũ, tại hội thảo các đại biểu tập trung phân tích nhiều vào việc thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác hỗ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế về phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao cùng bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Bàn về các giải pháp hợp tác trong đào tạo, Thạc sĩ Trịnh Cao Khải- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: Muốn thay đổi chất lượng đào tạo, không cách nào khác các cở sở đào tạo về du lịch phải xây dựng mô hình gần với thực tế. Thực tế, các trường thuộc Bộ VH-TT&DL chuyên đào tạo về du lịch phần lớn là có các khách sạn, nhà hàng để thực hành. Theo ông Khải, đây là môi trường rất quan trọng để sinh viên thực tập, thực hành trước khi ra môi trường thực tế bên ngoài.
“Khúc mắc lớn nhất trong việc bắt tay hợp tác, xây dựng môi trường thực hành thực tập cho sinh viên của các cơ sở đào tạo chính là kinh phí-hay nói cách khác là lợi nhuận.
Hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, vì vậy sự đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa tốt.
Chúng tôi cũng kết hợp với một số khách sạn, một số công ty du lịch để tham gia vào một số phần việc để cho sinh viên trải nghiệm với môi trường doanh nghiệp tất nhiên nhà trường phải chịu khoản này” - Th.s Khải nói.
Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, được hiểu là những người lao động có trí tuệ cao, có trình độ tay nghề giỏi, có phẩm chất, được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu mới của ngành du lịch để hội nhập với ngành du lịch của các nước trên thế giới.
Tuy vậy, phần lớn các cơ sở đào tạo hiện nay của chúng ta theo nhiều đại biểu là vẫn chưa tiệm cận được với các chuẩn đào tạo nhân lực du lịch của thế giới và khu vực. Do đó, để thực hiện được mục tiêu có một đội ngũ nhân lực ngành du lịch "tinh" về chất lượng, có năng lực cạnh tranh với nhân lực du lịch của khu vực và thế giới nhiều đại biểu khẳng định: yếu tố chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt.
Muốn vậy, ngành du lịch cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng đội ngũ giáo viên đủ chuẩn, đây là khâu đột phá. Đồng thời đó là đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo du lịch có uy tín ở nước ngoài; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học.