Theo đó, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Các cơ sở GD&ĐH ngày càng được giao quyền tự chủ nhiều hơn nên đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Thí điểm mô hình trường đại học tự chủ không có bộ chủ quản để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản cho toàn bộ hệ thống theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Về tự chủ chuyên môn của cơ sở giáo dục ĐH, các trường về cơ bản đã được tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh, xác định nội dung chương trình giảng dạy, lựa chọn giáo trình (ngoài những môn bắt buộc như Giáo dục quốc phòng - an ninh, các môn lý luận chính trị), xác định đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, kết quả tổng kết 3 năm thực hiện cho thấy thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành và mở liên kết đào tạo trong nước và quốc tế nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.
Về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục ĐH: sau khi được thí điểm tự chủ, hoạt động tài chính của trường đã thay đổi theo hướng sử dụng hiệu quả và minh bạch hơn. Các cơ sở đào tạo được chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường phục vụ cho công tác giảng dạy học tập, nghiên cứu khó học trên cơ sở chấp hành quy chế thu chi nội bộ của trường và các các quy định của nhà nước về quản lý tài chính.
Về tự chủ tổ chức và nhân sự của cơ sở giáo dục ĐH: sau khi được thí điểm tự chủ, hầu hết các trường đều cố gắng hoàn hiện về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là hoạt động của hội đồng trường. Các trường thí điểm tự chủ cũng đã rà soát lại cơ cấu nguồn lực về giảng viên, cán bộ quản lý để đảm bảo hoạt động có hiệu quả.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã bước đầu tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, cụ thể:
Giao quyền chủ động và hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông xây dựng kế hoạch dạy học/giáo dục theo khung kế hoạch thời gian năm học; tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục gắn với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý. Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực soạn thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ giám sát việc thực hiện Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT.