Tiếp tục hoàn thiện quy định về tự chủ đại học
Những bước tiến này được TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đưa ra trong buổi tọa đàm chuyên gia góp ý cho Dự thảo Luật do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 25/7 với các nội dung: Làm rõ tự chủ đại học phải đi đôi với trách nhiệm giải trình; làm rõ được thực quyền của Hội đồng trường với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19, phân định mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu; làm rõ được phạm vi tự chủ và mức độ tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các quy định về tự chủ đại học cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất: Tiếp tục làm rõ khái niệm tự chủ, điều kiện tự chủ, nội dung tự chủ, mức độ tự chủ, lộ trình tự chủ để làm sao khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ban hành, từng cơ sở giáo dục đại học có thể biết để tổ chức thực hiện; cân nhắc bổ sung khái niệm tự chủ học thuật.
Thứ 2: Tiếp tục làm rõ khái niệm giải trình, nội dung giải trình, phương thức giải trình để từng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện đầy đủ khi thực hiện quyền tự chủ.
Thứ 3: Bổ sung chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội.
Thứ 4: Tiếp tục làm rõ Hội đồng trường trên các phương diện: Năng lực phù hợp với quyền lực được giao; cơ chế phối hợp giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu; cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường; lộ trình thành lập Hội đồng trường tương ứng với lộ trình thực hiện quyền tự chủ.
Thứ 5: Cân nhắc các quy định về tiêu chuẩn chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng.
Cần hiểu tự chủ là một phương thức quản lý nhà trường
Trước khi đi vào các đề xuất cụ thể trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến tự chủ đại học, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cần thống nhất một số điểm về khái niệm tự chủ, điều kiện đảm bảo tự chủ, nội dung tự chủ, mức độ tự chủ, lộ trình giao quyền tự chủ. Trong đó khẳng định, có nhiều định nghĩa về tự chủ, nhưng cần hiểu tự chủ là một phương thức quản lý của nhà trường chứ không phải là một mục tiêu mà nhà trường cần đạt được.
Vì là một phương thức quản lý nên tự chủ đại học không có mục đích tự thân. Mục đích của việc thực hiện tự chủ đại học là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn cho thấy, không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa tự chủ đại học với chuẩn đầu ra của nhà trường. Nói cách khác, tự chủ đại học chỉ là điều kiện cần, một thành tố trong một tập hợp các thành tố tạo nên thành công của nhà trường.
Yếu tố nhất thiết phải có là trách nhiệm giải trình
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, một thành tố quan trọng đầu tiên, nhất thiết phải có để đảm bảo tự chủ đại học thành công trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo là trách nhiệm giải trình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu thiếu một cơ chế giải trình hiệu quả thì tự chủ đại học thậm chí còn đem lại các kết quả đào tạo tồi hơn so với khi chưa có tự chủ.
Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm cố hữu của các nhà trường, dù đó là nhà trường tự chủ hay không. Tuy nhiên, sự khác biệt về trách nhiệm giải trình giữa nhà trường truyền thống và nhà trường tự chủ là ở chỗ giải trình cái gì và giải trình như thế nào. Yêu cầu đặt ra là "các hệ thống giải trình phải dựa trên phương pháp luận khoa học, rõ ràng, thực tế, chi phí - hiệu quả và đơn giản. Việc tiến hành giải trình phải tin cậy, đúng đắn và công bằng. Cả phương pháp luận và kết quả phải công khai.
Cả nhà trường và cơ quan quản lý đều phải cùng "sẵn sàng"
Cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, ngoài thành tố về trách nhiệm giải trình, các nghiên cứu còn chỉ ra sự cần thiết của một số thành tố khác, trong đó nhất thiết phải có 2 thành tố là: Nhà trường đã được kiểm định và công nhận về chất lượng; nhà trường có một hội đồng trường có năng lực và thực lực.
Các thành tố trên (trách nhiệm giải trình, kiểm định và công nhận chất lượng, Hội đồng trường) lại không hình thành cùng lúc trong các cơ sở giáo dục đại học khác nhau của cùng hệ thống giáo dục đại học. Nói cách khác, các cơ sở giáo dục đại học trong cùng một hệ thống không "sẵn sàng" như nhau cho việc thực hiện tự chủ đại học. Vì vậy, tự chủ đại học không thể thực hiện ngay và đồng loạt mà cần có lộ trình.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Không chỉ các cơ sở giáo dục đại học cần được chuẩn bị "sẵn sàng" cho tự chủ mà các cơ quan quản lý cũng cần có sự chuyển đổi về tư duy, tổ chức và năng lực để "sẵn sàng" cho tự chủ đại học.
Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học báo cáo với cơ quan quản lý có thẩm quyền, với xã hội và với cộng đồng nhà trường về việc tuân thủ các quy định của pháp luật giáo dục, việc thực hiện các cam kết về các chuẩn đầu ra của nhà trường cùng hiệu quả chi phí khi được giao quyền tự chủ.