Tháo gỡ bất cập, tạo lực đẩy cho hoạt động nghiên cứu trong cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Hoạt động khoa học công nghệ trong mỗi cơ sở giáo dục luôn được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Việc xây dựng môi trường học thuật, NCKH tốt trong từng nhà trường không chỉ mở ra cơ hội phát triển nghề nhiệp cho giảng viên mà còn tạo nền tảng tốt cho sinh viên.

Một hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Một hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

Tháo gỡ nhiều vấn đề từ các quy định cũ

Để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục được tốt hơn, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động này.

Thực tế, hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy NCKH trong các cơ sở giáo dục được triển khai và ban hành nhiều nhưng việc tháo gỡ “nút thắt” trong cơ chế tài chính, gia tăng hỗ trợ hoạt động trên cho giảng viên, sinh viên vẫn ít nhiều chưa đồng bộ dù các quy định về chính sách rất rõ ràng.

Sự thiếu hụt về kinh phí hỗ trợ NCKH cho giảng viên, sinh viên theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng một phần đến từ các vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10/04/2019 trong thực tế (giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) và Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở GDĐH.

Mặt khác, nguồn kinh phí chi cho hoạt động NCKH của các trường hiện nay phần lớn vẫn đến từ học phí, các cơ chế hợp tác công tư (theo Luật GDĐH năm 2018) vẫn còn nhiêu vướng mắc trong thực tiễn… khiến các cơ sở GDĐH rất kỳ vọng vào những điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở GDĐH, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và khắc phục những hạn chế bất cập hiện nay.

Việc phát triển và thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh trên nền tảng tài chính tốt sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao tốt hơn

Việc phát triển và thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh trên nền tảng tài chính tốt sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao tốt hơn

Trong bối cảnh mà hệ thống GDĐH Việt Nam đang phát triển và hội nhập nhanh chóng, các cơ sở GDĐH thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ngày một nhiều. Gần như là một xu thế bắt buộc, các quy định, hướng dẫn thực hiện đầu tư phát triển hoạt động KH&CN trong các cơ sở GDĐH theo Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP… sau một khoảng thời gian đã bắt đầu bộ lộ những nhược điểm, hạn chế trong tiến trình phát triển chung của các cơ sở GDĐH và cả hệ thống.

Theo TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, không nói ra nhưng ai làm NCKH (đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ hay cấp TP) đều nhìn thấy những vướng mắc khó khăn trong công tác đấu thầu, giải ngân và hoàn thành các thủ tục cho một đề tài nghiên cứu.

“Thực tế, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảng viên, sinh viên làm NCKH trong các cơ sở GDĐH hiện nay vẫn còn khá thấp (ngoài số ít các trường ĐH tư thục). Vì vậy, với những điểm mới có tính pháp lý đưa vào dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học lần này các trường rất kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn cho công tác NCKH.

Việc quy định giảng viên được tính giờ nghiên cứu khoa học; hưởng mức thù lao theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, hay việc được ưu tiên xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khi hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng… ít nhiều sẽ tạo động lực lớn hơn cho giảng viên bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho hoạt động NCKH”- TS Lý nói.

Đầu tư công nghệ, hạ tầng nghiên cứu và các phòng NCKH chuẩn cho các trường là việc cần làm mạnh trong thời gian tới

Đầu tư công nghệ, hạ tầng nghiên cứu và các phòng NCKH chuẩn cho các trường là việc cần làm mạnh trong thời gian tới

Sẽ tạo ra cú hích lớn cho hoạt động NCKH trong các cơ sở GD đại học

Nhìn nhận được những hạn chế của các Thông tư và Nghị định cũ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học nhằm việc bổ sung quy định về tổ chức KH&CN trực thuộc cơ sở GDĐH; khuyến khích sử dụng phương thức khoán chi khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, cũng như quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động NCKH trong giảng viên, sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhìn nhận: Việc dự thảo Nghị định khuyến khích ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDĐH đã được thế giới và khu vực xếp hạng, cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, đầu tư và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh mang đến nhiều hy vọng đột phá về không gian học thuật, môi trường học thuật cho các trường, đồng thời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động KHCN trong cơ sở GDĐH hiện nay.

“Trong Dự thảo của Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học tôi đặc biệt ấn tượng với 2 điểm mới. Đó là đã đề cập việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN và thương mại hóa các sản phẩm KHCN, hợp tác về KHCN giữa cơ sở GDĐH và doanh nghiệp. Trong đó, khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích khi chuyển giao kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ và thương hiệu của trường đại học.

Đây rõ ràng là những điểm rất mới, tạo cơ sở pháp lý để các trường thực hiện. Với một trường theo cơ chế tự chủ như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì việc dự thảo có đưa ra quy định cụ thể về việc hình thành Quỹ Phát triển KHCN tại cơ sở GDĐH nhằm tăng cường nguồn thu về KHCN hay việc khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp…thật sự mang lại nhiều kỳ vọng”- PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.

Khuyến khích sinh viên tham gia sâu vào hoạt động NCKH sẽ tạo nền tảng và những hạt nhân cho công tác nghiên cứu khoa học tốt sau này

Khuyến khích sinh viên tham gia sâu vào hoạt động NCKH sẽ tạo nền tảng và những hạt nhân cho công tác nghiên cứu khoa học tốt sau này

Ngoài những tháo gỡ về chính sách tài chính, nguồn lực đầu tư và hỗ trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên, cũng như tạo cơ chế thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực từ hoạt động chuyển giao, hợp tác đầu tư với Doanh nghiệp…, PGS.TS Bạch Long Giang- Trưởng phòng KHCN Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng điểm đáng chú ý nhất của Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở GDĐH chính là việc buộc các trường phải ban hành quy định nội bộ về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu.

“Đây rõ ràng là điểm rất mới, rất cụ thể nhằm đảm bảo sự phát triển KHCN trong cơ sở GDĐH đúng hướng và thực chất, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của từng cơ sở GDĐH trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình với xã hội, người học. Việc các trường có quy định nội bộ về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu, nhằm đảm bảo kết quả NCKH và công bố quốc tế của từng đơn vị là kết quả thực chất và được công khai trong dữ liệu KHCN của cơ sở sẽ tạo nền tảng tốt cho hoạt động nghiên cứu” - PGS.TS Bạch Long Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.