Điều này cho thấy, vai trò của cơ chế tài chính cho hoạt động này càng trở thành vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.
Tạo hành lang pháp lý
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) là sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính thông qua quá trình đào tạo và nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám và nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho xã hội.
Tại các cơ sở giáo dục ĐH, nghiên cứu khoa học (NCKH) thường bao gồm các hoạt động như thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; sinh viên, học viên, người học NCKH; dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học thúc đẩy trao đổi NCKH; khen thưởng đối với kết quả NCKH; các hoạt động hỗ trợ giảng viên tham dự hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin khoa học…
Bàn về những thuận lợi trong thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động NCKH, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đang được hoàn thiện và được sửa đổi, điều chỉnh khá kịp thời. Cụ thể là sự ra đời của Luật KH&CN năm 2013 thay thế và điều chỉnh cho Luật KH&CN năm 2000. Luật KH&CN 2013 với những nội dung mới đã tạo tiền đề quan trọng, từng bước đưa KH&CN trở thành động lực then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ cũng đã ban hành 7 Nghị định về hoạt động KH&CN.
Theo đó, các nội dung về cơ chế tài chính đã được đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai hoạt động NCKH và phát triển công nghệ một cách chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đổi mới về cơ chế tài chính đồng thời được thể hiện thông qua các văn bản liên tịch giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính. Các bộ, ngành cũng đã xây dựng cơ chế sử dụng các nguồn lực tài chính dành cho KH&CN nhằm đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Ngoài ra, việc hướng dẫn lập kế hoạch KH&CN thường niên, kế hoạch trung hạn, dài hạn của các đơn vị quản lý cấp Trung ương đã phát huy hiệu quả đáng kể. Hằng năm, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu báo cáo về việc lập kế hoạch hoạt động KH&CN, báo cáo kết quả hoạt động và tình hình phân bổ, dự toán kinh phí. Hoạt động này đã phát huy tích cực vai trò quản lý và định hướng của các cơ quan cấp trên. Các cơ sở giáo dục ĐH căn cứ công văn hướng dẫn, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình tiến hành xây dựng và báo cáo.
Cơ chế tự chủ tài chính là hướng đi mới trong phát triển NCKH tại ĐH |
Còn nhiều khó khăn
Không phủ nhận hiện nay các trường có điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức triển khai hoạt động NCKH và phát triển công nghệ một cách chất lượng, hiệu quả, tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đã chỉ ra nhiều khó khăn đang làm cản trở hoạt động NCKH. Vấn đề tài chính cho KH&CN được dự toán và chi theo từng nhiệm vụ, đề tài riêng lẻ dẫn đến thiếu tự chủ của các đơn vị trong xây dựng chiến lược.
Việc huy động các nguồn lực cho KH&CN, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp, phân chia lợi ích giữa các bên chưa rõ ràng; chưa có cơ chế chính sách sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm) trong hoạt động dịch vụ KH&CN.
Việc huy động, sử dụng kinh phí từ nguồn thu hợp pháp cho hoạt động tăng cường tiềm lực KH&CN của ĐH theo Nghị định 99/2014-NĐCP cũng còn nhiều thách thức. Đặc biệt, thủ tục tài chính vẫn rườm rà, chậm muộn và nặng về mặt hành chính; việc cập nhật các định mức về kinh tế kỹ thuật theo thực tế còn chậm, gây khó khăn trong việc phát triển, nâng cao chất lượng KH&CN ở các cơ sở giáo dục.
Nói về những khó khăn trong xây dựng dự toán kinh phí, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, trong quá trình hoạt động NCKH, kinh phí được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN đã khá cũ, quá cụ thể, đôi chỗ còn cứng nhắc, chưa thực sự linh hoạt và định mức đang thấp hơn so với thực tế chi hiện nay.
Hiện nay, kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65 – 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Do đó, việc xây dựng các cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp để bổ sung các nguồn tài chính đầu tư cho KH&CN là rất cần thiết. Chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng về huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động NCKH, việc ràng buộc và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN còn thiếu đồng bộ.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước, các bộ, ngành cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết chấm dứt tình trạng dàn trải, manh mún và cần có sự khảo sát, đánh giá chính xác tiềm lực KH&CN của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị để làm căn cứ đầu tư.
Một vấn đề cần đặt ra, theo PGS Nguyễn Quang Huy là cần xây dựng được bộ tiêu chí để làm căn cứ phân bổ kinh phí. Cùng với đó, mối liên kết chưa đồng bộ giữa các đơn vị quản lý trong việc triển khai các văn bản về tài chính từ các bộ, ngành với cơ quan trung gian gồm Kho bạc Nhà nước, các quỹ nghiên cứu phát triển với các cơ sở giáo dục ĐH cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nhóm nghiên cứu mạnh tại Viện Công nghệ sinh học - ĐH Huế làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm phân tích. Ảnh: NT |
Giao quyền chủ động cho các trường đại học
Về việc đưa ra các giải pháp, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, phương thức tài trợ, hỗ trợ cho phát triển NCKH ở các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH cần có kế hoạch dài hạn, cơ chế và tiêu chí đầu tư rõ ràng. Trên thực tế, nhiều cơ sở nghiên cứu không nắm được đơn vị mình sẽ được hỗ trợ bao nhiêu, theo tiêu chí nào nên không dự liệu được kế hoạch sử dụng và phát huy nguồn lực quan trọng này.
Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí dựa trên tiềm lực của các đơn vị để giao ngân sách NCKH hằng năm, hay giai đoạn và giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc phân bổ ngân sách nghiên cứu cho cá nhân, nhóm nghiên cứu trong đơn vị theo đề tài. Các cơ quan chức năng cần triển khai hiệu quả cơ chế giám sát quản lý kết quả đầu ra và có những đánh giá định kỳ về tình hình thực hiện, làm cơ sở cho quyết định giao ngân sách những năm tiếp theo.
Cùng với đó, PGS Nguyễn Quang Huy đề xuất nên có thêm những chính sách nhằm tôn vinh, khen thưởng các cá nhân đạt thành tích, kết quả đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển công nghệ. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có chính sách thưởng bài báo ISI. Tuy nhiên, nhiều công trình quan trọng, giá trị khoa học và thực tiễn cao như các sáng chế, giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả cao đối với xã hội và đời sống... cũng cần được quan tâm thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét khen thưởng các bài báo SCOPUS, các sản phẩm khoa học khác có giá trị khoa học và thực tiễn cao; có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho những bài báo, sản phẩm KH&CN đặc biệt xuất sắc...
Cũng theo PGS Nguyễn Quang Huy, phương thức huy động doanh nghiệp đầu tư cho NCKH và phát triển công nghệ của các trường ĐH hiện còn tồn tại nhiều rào cản. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế khuyến khích, làm cầu nối cho các doanh nghiệp đầu tư cho NCKH; tổ chức nhiều diễn đàn để hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu và tiềm lực của nhau; ưu tiên hỗ trợ cho những nghiên cứu có hợp tác với doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý, văn bản quy định cụ thể cho mô hình doanh nghiệp, công ty trong trường ĐH.
Cùng với đó, nên có văn bản, hành lang pháp lý đầy đủ về việc quản lý việc chuyển giao công nghệ có nguồn gốc từ những nghiên cứu do Nhà nước tài trợ trong các trường ĐH, như vấn đề quản lý, sở hữu, phân chia lợi nhuận, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong chuyển giao công nghệ.