Hàng loạt tàu thuyền “đắp chiếu”
Dọc bờ biển xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), giữa thời tiết mây trắng, nắng vàng nhưng hàng trăm con tàu, thuyền lại không vươn mình ra khơi. Do xăng, dầu tăng giá “phi mã”, nhiều ngư dân nơi đây đành phải “gác thuyền”.
Bám biển mưu sinh từ lúc lên tuổi 12 đến nay đã hơn 40 năm, ông Triệu Văn Quân (52 tuổi, xã Ngư Lộc) quen với cuộc sống lấy biển làm nhà. Thế nhưng, hơn một tháng qua, gia đình ông cũng đành ngậm ngùi “gác thuyền” nằm bờ vì cơn khủng hoảng giá xăng, dầu.
Ngồi nhìn con tàu của gia đình mình nằm im trên bến, đôi mắt ông Quân chợt buồn. Theo ông Quân, trước đây khi giá xăng dầu ổn định, những chuyến đi biển của gia đình ông và các thuyền viên thường kéo dài từ 10 - 15 ngày. Thu nhập mỗi chuyến đi biển xa như thế dao động từ 70 - 100 triệu đồng.
“Mỗi chuyến ra khơi tầm 10 ngày tiêu tốn khoảng 30.000 lít dầu, nhưng với giá xăng, dầu như hiện nay thì không bù lại được. Giờ chúng tôi đành tạm nghỉ, đợi giá xăng, dầu giảm xuống và sản phẩm được giá mới tính đi tiếp”, ông Quân buồn rầu.
Sống nhờ biển hơn 20 năm qua, song ông Đặng Văn Thanh (xã Hưng Lộc, Hậu Lộc) cũng đành ngậm ngùi “gác thuyền” nằm bờ hơn một tháng nay vì xăng, dầu tăng giá mạnh. “Như trước đây khi giá xăng, dầu đang rẻ thì mỗi ngày, đêm cũng được 8 - 10 triệu đồng, nhưng với giá xăng, dầu hiện nay thì chỉ đủ tiền dầu, thậm chí có chuyến không đủ tiền mua nhiên liệu”, ông Thanh nói.
Không “gác thuyền” như những ngư dân khác, song những chuyến ra khơi của gia đình ông Đặng Văn Tình (47 tuổi, xã Ngư Lộc) cũng thưa dần, hiện chỉ còn cầm cự mỗi tháng một chuyến.
Theo tính toán của ông Tình, mỗi chuyến đi biển khoảng 10 ngày “ngốn” khoảng gần 30.000 lít dầu cùng 200 cây đá, trong khi chưa kể chi phí ăn, uống cho các thuyền viên.
“Mặc dù xăng, dầu tăng giá như vậy nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng duy trì mỗi tháng một chuyến để xem sản phẩm ra sao. Có những chuyến phải bù lỗ nhưng tôi vẫn phải trả công cho anh em đi cùng mỗi người 1 - 2 triệu đồng, để lo cho gia đình, con cái”, ông Tình ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng theo ông Tình, chuyến đi biển gần nhất của ông đã cách đây một tháng, khi đó giá dầu có tăng nhưng cũng chỉ quanh mức 20.000 - 25.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu xăng, dầu vẫn cứ tiếp tục “đội giá” thì không biết sẽ ra sao.
Nhiều ngư dân “gác thuyền” vì xăng, dầu tăng giá “phi mã”. |
Bỗng dưng trở nên... nhàn rỗi
Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết: Tính đến ngày 20/6, tổng số tàu, thuyền không thường xuyên đi khai thác do tác động của gia xăng, dầu là: 701/6.513 tàu (chiếm 10,8%). Số tàu có chiều dài trên 15m, là 370/1.167 tàu (chiếm 23%); số loại tàu từ 12 - 15m, là 153/978 tàu (chiếm 15,6%) và loại tàu dưới 12m, là 287/4.367 (chiếm 6,6%).
Đó là tình trạng của những người phụ nữ quanh năm bám biển, sống nhờ những chuyến tàu, thuyền vươn mình ra khơi tại các xã ven biển Hậu Lộc. Ngồi thẫn thờ bên bờ biển, chị Nguyễn Thị Thúy (xã Hưng Lộc) không khỏi lo lắng, vì hiện tại gia đình đang phải “gác thuyền” nằm bờ hàng tháng nay.
“Hiện giờ, gia đình tôi không dám ra khơi, vì cứ đi là phải bù lỗ. Tuy nhiên, nếu không đi, thì cuộc sống của không chỉ gia đình tôi, mà cả các thuyền viên cũng trở nên nguy khốn. Nếu tàu, thuyền không đi biển, phụ nữ chúng tôi cũng chẳng có tôm, cá đem ra chợ để bán…”, chị Thúy tâm sự.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, số tàu thuyền nằm bờ hiện nay của địa phương này chiếm khoảng 20%, đặc biệt có thời điểm lên tới 50%. Hiện, xã Ngư Lộc có 310 phương tiện và đang nằm bờ khoảng 50 tàu, thuyền.
Ngư dân không muốn ra khơi, vì họ sợ thua lỗ do giá xăng dầu tăng cao mức chưa từng có. Do phải “gác thuyền”, nên ở Ngư Lộc đã có một số lao động muốn chuyển đổi nghề đi xuất khẩu lao động hoặc làm công ty doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng chuyển đổi nghề không được nhiều, vì độ tuổi lao động nghề biển đa số đều cao.
“Trước tình trạng giá xăng dầu tăng mức kỷ lục như hiện nay, ngư dân cũng chỉ biết mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, để bà con có thể đi biển khai thác hải sản. Nếu tình trạng xăng, dầu không giảm và còn tăng lên nữa, thì nguy cơ ngư dân bỏ thuyền, bỏ nghề cá là rất lớn.
Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến Trung ương sớm nghiên cứu phương án hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân sống bằng nghề đi biển, để bà yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Năm đề nghị.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hoà Lộc (huyện Hậu Lộc), Phụ trách Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) cho biết, tình trạng tàu cá của địa phương nằm bờ diễn ra đang ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, có khoảng 30% số tàu (công suất từ 250CV trở lên) của các địa phương ra khơi. Số còn lại, các tàu cá neo đậu lâu dài ở các âu tránh trú, chờ xăng dầu giảm giá.
Đặc biệt các tàu lớn (tàu đóng theo Nghị định 67) với công suất trên 800CV phần lớn là nằm bờ vì chi phí dầu quá cao, các chủ tàu không thể bù lỗ. Hiện nay, chủ yếu chỉ có các tàu công suất nhỏ, hoạt động gần bờ. Theo một số chủ tàu cho biết, để giữ chân người lao động, nên dù phải bù lỗ, các chủ tàu vẫn phải cho tàu ra khơi.