Thanh Hóa: Xăng dầu đội giá, nhiều ngư dân “gác thuyền”

GD&TĐ - Giá xăng dầu tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay, khiến nhiều ngư dân ở Thanh Hóa không muốn ra khơi. Theo những ngư dân này, chi phí nhiên liệu quá cao, nên có đi biển cũng không có lãi, thậm chí phải bù lỗ.

Nghề đi biển gặp khó

Xã ven biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc có hơn 325 phương tiện khai thác nghề biển, trong có 160 chiếc tàu, thuyền có chiều dài 15m trở lên. Còn lại là phương tiện dưới 15m, được ngư dân dùng để khai thác vùng ven bờ.

Ông Nguyễn Hải Năm – Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, thời gian qua, do giá xăng dầu tăng cao, nên nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là tàu, thuyền khai thác hải sản xa bờ phải “gác thuyền”.

Cũng theo ông Năm, xã Ngư Lộc có khoảng 2.500 lao động bám vào nghề biển, thế nhưng xăng dầu tăng giá, nên nhiều ngư dân đành “gác thuyền”. “Mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ, có tàu phải đi hơn nửa tháng. Trong khi đó, chi phí xăng dầu ngày càng cao, công lao động cũng không thể giảm, nên nhiều tàu đi khai thác không đủ bù lỗ cho chi phí nhiên liệu.

Bên cạnh đó, những thuyền làm nghề câu giã, đánh lộng trong ngày cũng không có thu nhập, do nguồn lượng hải sản cũng vơi dần. Nhìn chung, cuộc sống của bà con bám theo nghề biển đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Năm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bảo, ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cho biết, gia đình ông có một chiếc tàu đánh cá với công suất hơn 450CV. Trước kia, ông và bạn thuyền thường đi khai thác hải sản xa bờ, nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng cao quá, ông đành “gác thuyền” ở bến. Bởi, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi đối với chiếc tàu của ông không phải là vài triệu, mà phải tính tới hàng trăm triệu đồng.

“Từ trước Tết Nguyên đán đến bây giờ, tôi không thể đưa tàu xuất bến ra khơi, vì chi phí tốn kém quá, mà sản lượng đánh bắt không được nhiều như trước. Trong khi đó, giá tôm, cá... cũng không cao hơn ngày trước là bao, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên người mua cũng giảm. Cuộc sống của những người đi biển như chúng tôi vốn đã khó nhọc, nay lại càng khốn khó hơn”, ông Bảo tâm sự.

Theo cách tính của ngư dân này, chiếc tàu đánh cá xa bờ của gia đình ông mỗi chuyến đi biển ít nhất là nửa tháng hoặc 20 ngày. Mỗi lần đi, chiếc tàu của ông phải “ngốn” khoảng 5.000 đến 6.000 lít dầu. Ngoài ra, chủ tàu phải thuê khoảng 10 bạn thuyền và tiền công của họ là 400.000 đồng/ngày.

“Mỗi chuyến đi 20 ngày, nếu cộng tiền dầu, trả công lao động, thì tàu của gia đình tôi phải chi phí khoảng 200 triệu đồng. Chi phí cao như thế, nhưng thành quả lao động lại không được nhiều, vì vậy mà phải bù lỗ cho mỗi chuyến đi. Do đó, gia đình tôi đành “gác thuyền” ở bến, chờ đợi xem giá xăng dầu có giảm xuống không. Thà ngồi ở nhà còn hơn là cứ cố đi biển, rồi khi về lại bị lỗ vốn nặng quá, không biết lấy gì mà trả”, ông Bảo bộc bạch.

Ngư dân ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) neo đậu tàu thuyền.
Ngư dân ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) neo đậu tàu thuyền.

Ngư dân lâm nợ vì “gác thuyền”

Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 7.200 phương tiện và hơn 25.000 lao động nghề biển ở các huyện, thị, thành phố, như: Huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.

Tuy nhiên, thời gian qua do giá xăng dầu tăng cao, nên có nhiều ngư dân đành tạm “gác thuyền”. Khi ngư dân phải tạm dừng việc vươn khơi, đồng nghĩa với việc họ lâm vào cảnh thiếu thốn, nợ nần do vay vốn ngân hàng để đóng thuyền.

Ông Hoàng Văn Tâm, ở thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc là chủ thuyền khai thác hải sản vùng ven bờ, với công suất 165 CV. Những ngày qua, ông Tâm cũng phải tạm “gác thuyền” vì giá xăng dầu tăng lên ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Tâm cho hay, trước kia, mỗi ngày phương tiện của ông và các bạn thuyền đi đánh giã tàu đôi, sau khi trừ chi phí nhiên liệu, trả công lao động thì cũng còn chút đỉnh phần lời. Thế nhưng, khi giá xăng dầu tăng cao ngất ngưởng, ông Tâm đành tạm “gác thuyền” do thu không đủ bù chi.

“Thuyền của tôi là phương tiện đi lộng và về trong ngày. Dù công suất nhỏ, nhưng khi sắm phương tiện, gia đình tôi cũng phải vay ngân hàng mới đủ tiền đóng thuyền. Bây giờ, gia đình tôi còn nợ tiền ngân hàng, mà phải “gác thuyền” như vậy, quả là đã khó lại càng khó hơn.

Chúng tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân ở thời điểm này, để bà con yên tâm bám biển, kiếm sống và nuôi nấng con cái ăn học”, ông Tâm đề nghị.

Còn ông Nguyễn Văn Bảo, tâm sự: “Làm nghề đi biển, nhà ai có phương tiện to, thì số nợ ngân hàng càng lớn. Trước kia, tôi và em trai đi phương tiện nhỏ, nhưng thấy không hiệu quả nên hai anh em chung sức vay ngân hàng để sắm tàu lớn.

Để có tiền sắm tàu lớn, anh em chúng tôi phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng và bây giờ đang còn nợ. Giờ đây, giá xăng dầu tăng cao, thêm chi phí công lao động cho bạn thuyền trong mỗi chuyến đi, chúng tôi không thể kham nổi, đành phải tạm “gác thuyền” để chờ giá nhiên liệu giảm xuống, mới dám nhổ neo”.

Cũng theo ông Bảo, gia đình ông có tất cả 9 nhân khẩu. Vợ ông làm nghề buôn bán vặt ở chợ, còn ông đi biển để nuôi gia đình và các con ăn học. Con gái thứ 2 của ông đang học đại học, còn con út mới học lớp 3.

“Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đi biển, thì cuộc sống của bà con vô cùng khốn khó. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, nhiều lao động không đi biển được do mắc bệnh, giá xăng dầu thì tăng quá cao, giá tôm, cá lại không nhỉnh hơn ngày trước bao nhiêu, rồi nợ nần chồng chất... càng làm cho ngư dân khó khăn vô cùng”, ông Bảo chia sẻ.

Ông Nguyễn Hải Năm - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết thêm, ở Ngư Lộc hiện có tổng dư nợ của ngư dân vay vốn ngân hàng khoảng 116 tỷ đồng. “Bà con vay vốn để đầu tư, sản xuất nghề cá, chủ yếu ở Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương và Quỹ tín dụng Nhân dân Ngư Lộc.

Khi giá xăng dầu tăng, chi phí đi biển cao quá, nhiều người phải tạm “gác thuyền”, dẫn đến cuộc sống của ngư dân tăng thêm phần khó, bởi bà con đang còn nợ nần khá nhiều.

Mỗi đợt giá xăng dầu tăng lên, Hội nghề cá của xã và chính quyền địa phương đều có kiến nghị lên cấp trên xem xét về việc hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, việc kiến nghị nêu trên cũng chưa có kết quả để giúp ngư dân được điều gì”, ông Năm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ