Thanh Hóa: Dân tái định cư dài cổ chờ “sổ đỏ”

GD&TĐ - Gần chục năm qua, người dân phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn đồng loạt nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cho dự án Đại lộ Nam sông Mã. Thế nhưng, đến nay, những hộ dân thuộc diện tái định cư (TĐC) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mặc dù đã nộp tiền cho chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hà, ở phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) bên mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ của gia đình
Bà Nguyễn Thị Hà, ở phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) bên mảnh đất chưa được cấp sổ đỏ của gia đình

Nộp tiền vẫn không có “sổ đỏ”

Gần 10 năm qua, hàng chục hộ dân ở phường Quảng Châu, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) đã nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cho dự án Đại lộ Nam sông Mã, nối TP Thanh Hóa đi TP Sầm Sơn. Được Nhà nước bố trí đất ở theo diện TĐC, nên mỗi hộ dân phải nộp hàng chục triệu đồng để làm thủ tục nhận “sổ đỏ”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân nơi đây vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.

Ông Trần Văn Hoạt (68 tuổi), bức xúc: “Gia đình được Nhà nước bố trí đất ở theo diện TĐC với tổng số 4 lô đất. Theo quy định, mỗi suất đất (lô 1) chúng tôi phải nộp 75 triệu đồng cho chính quyền địa phương để làm thủ tục cấp sổ đỏ. Còn đất lô 2, mỗi suất chúng tôi phải nộp 52 triệu đồng, có phiếu thu hẳn hoi. Vậy mà đến giờ, chúng tôi vẫn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Thanh Hóa: Dân tái định cư dài cổ chờ “sổ đỏ” ảnh 1
  • Gần 10 năm nộp tiền cho UBND xã (nay là phường), nhưng người dân Quảng Châu vẫn không được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà (48 tuổi) cũng thuộc diện TĐC và được 2 suất đất. Bà Hà mua thêm một suất thuộc mặt bằng TĐC của dự án Đại lộ Nam sông Mã. “Nhà tôi cũng phải bỏ ra số tiền tương tự như những gia đình khác để nộp về cho UBND xã từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Chúng tôi muốn xây nhà trên mảnh đất của mình cũng không được, vì chưa có sổ đỏ thì không được cấp phép xây dựng. Nhiều gia đình muốn mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất cũng không được”.

Một trường hợp khác là bà Đỗ Thị Thúy (49 tuổi), cũng bỏ ra 300 triệu đồng để mua 2 lô đất TĐC của dự án này. Dù đã nộp đủ tiền cho UBND xã Quảng Châu (nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn)?từ tháng 8/2011, nhưng đến nay bà Thúy vẫn chưa được bàn giao đất. Gần chục năm qua, bà Thúy đi “gõ cửa” rất nhiều cơ quan, nhưng không đâu giải quyết.

Loay hoay tìm cách giải quyết

Trao đổi vấn đề này với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Huy Thoại - Chủ tịch UBND phường Quảng Châu - cho biết: Trên địa bàn có 53 hộ dân mua đất ở mặt bằng xen cư và khu TĐC đã nộp tiền nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. (Trong đó khu TĐC Đại lộ Nam sông Mã là 27 lô; 1 lô ở khu TĐC QL47 và 25 lô đất xen cư). Người dân đóng tiền đầy đủ và có biên lai thu nhưng UBND xã lúc bấy giờ lại không nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, mà lại dùng để chi tiêu vào việc khác.

Đây là hệ lụy từ nhiệm kỳ trước để lại. Việc này Thanh tra huyện Quảng Xương đã có kết luận xử lý cụ thể. “Chúng tôi là người kế nhiệm và cũng đã gửi văn bản về UBND TP Sầm Sơn xem xét có hướng giải quyết phù hợp cho dân. Tuy nhiên, cần phải có khoảng 4 tỷ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước, thì mới cấp được sổ đỏ cho người dân. Ngân sách phường hạn hẹp, nên chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo lên TP. Đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi”- ông Thoại nói.

Thanh Hóa: Dân tái định cư dài cổ chờ “sổ đỏ” ảnh 2
  • Phiếu nộp tiền làm sổ đỏ của người dân Quảng Châu

Ông Thoại cũng cho biết thêm năm 2014, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã có Kết luận số 28/KL-UBND thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý tài chính, ngân sách tại xã Quảng Châu từ năm 2010 đến ngày 30/6/2014. Kết luận nêu: Việc Chủ tịch UBND xã Quảng Châu tự ý chỉ đạo thủ quỹ cho các nhà thầu đang hợp đồng thực hiện các dự án công trình xây dựng, cung cấp thiết bị trường học trên địa bàn xã tạm vay trên 3,2 tỷ đồng từ tiền cấp quyền sử dụng đất là sai.

Trách nhiệm này thuộc về ông Nguyễn Huy Thành – Chủ tịch UBND xã và bà Nguyễn Thị Anh – Thủ quỹ. UBND huyện Quảng Xương yêu cầu xã Quảng Châu có biện pháp thu hồi số tiền trên... Ngoài ra cũng xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan đến các sai phạm… Ông Nguyễn Huy Thành đã bị kỷ luật với hình thức Cảnh cáo. Đồng thời, UBND huyện Quảng Xương cũng đã cho ông Thành thôi chức vụ Chủ tịch UBND xã, về hưu trước tuổi vào năm 2015 .

Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn - cho biết: Thời điểm xảy ra sự việc, Quảng Châu đang là một xã thuộc huyện Quảng Xương. Thành phố Sầm Sơn cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu UBND phường Quảng Châu báo cáo cụ thể số tiền đã thu của người dân trước đây được chi vào những việc gì.

Khi phường Quảng Châu giải trình được số tiền ấy đã chi tiêu có đúng quy định hay không, lúc đó TP Sầm Sơn mới có căn cứ để xử lý. “TP Sầm Sơn cũng đang đề nghị UBND tỉnh cho vận dụng phương án: Nếu hộ dân nào đã có đất, có biên lai thu tiền, TP sẽ cấp phép xây dựng nhà cửa để ở. Sau khi giải quyết xong các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TP sẽ cấp ngay cho người dân” - ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.