Sạt lở nghiêm trọng
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa (quản lý cầu Hàm Rồng), đơn vị này phát hiện hiện tượng sụt lún khu vực mố cầu Hàm Rồng từ ngày 4/9. Những ngày sau đó, tình trạng sụt lún ở khu vực này càng trở nên nghiêm trọng. Đến ngày 12/10, nhiều vết lún sụt dài tới 25m, vết nứt rộng từ 0,3 đến 1,2m được ghi nhận tại khu vực chân cầu Hàm Rồng.
Ngoài mố cầu Hàm Rồng, khu vực đê kè sông Mã phía hạ lưu cầu (bờ hữu sông Mã) cũng bị sụt lún nghiêm trọng. Sau khi phát hiện sự việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy, đoạn kè bị sạt lở, sụt lún tương ứng với đoạn từ K39+484 - K39+534, đê hữu sông Mã. Cung sụt có chiều sâu từ 0,2 - 2m; điểm sụt gần nhất cách chân đê sông Mã 3,9m; phần cơ đá chân kè sạt lở từ 1 - 2m, chiều dài 27m.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân của sạt lở công trình đê kè sông Mã tại khu vực hạ lưu cầu Hàm Rồng được cho là do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ năm 2017 và 2018. Hiện nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu tính từ chân cầu Hàm Rồng đến ngã ba Trần Hưng Đạo, (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), đoạn đê này có chiều dài gần 1,4 km.
Tìm phương án xử lý
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Xuân Giang – Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - cho biết: Sau khi phát hiện tình trạng sụt lún ở khu vực đê kè bờ hữu sông Mã tại khu vực hạ lưu cầu Hàm Rồng, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa cắm cọc tiêu, lập hàng rào, biển báo và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết khu vực nguy hiểm. Đồng thời, cấm người và tàu thuyền lại gần khu vực sạt lở. Các đơn vị quản lý đê điều tiếp tục tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sụt lún, chuẩn bị vật tư, nhân lực và phương tiện để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.
“Sở NN&PTNT Thanh Hóa đang giao Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tiếp tục khảo sát, để đưa ra hướng điều chỉnh, sửa chữa công trình này”- ông Giang cho hay.
Trước đó, năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng (do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa làm chủ đầu tư) để cải tạo, nâng cấp tuyến kè này. Dự án hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 1 năm, đoạn kè gần khu vực chân cầu Hàm Rồng (liền kề khu vực đang bị sạt lở) đã bị sạt lở, hư hỏng với mức độ ngày càng trầm trọng.
Đến tháng 5/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố sụt lún. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa phê duyệt dự án điều chỉnh, sửa chữa công trình đê hữu sông Mã với số tiền hơn 34 tỷ đồng.