Thanh Hóa cần đánh giá đúng thế mạnh để phát triển

Năm 2013, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%, Thanh Hóa là địa phương phát triển tương đối toàn diện cả về công nghiệp, nông nghiệp, thu hút đầu tư và dịch vụ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm cán bộ và nhân dân xã Bãi Trành, huyện Như Xuân
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm cán bộ và nhân dân xã Bãi Trành, huyện Như Xuân

Trong hai ngày 6 - 7/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại Thanh Hóa - tỉnh đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Trong không khí đầu xuân mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm và trực tiếp tìm hiểu đời sống, mô hình sản xuất của người dân xã Bãi Trành (Như Xuân) và xã Xuân Du (Như Thanh). Bên cánh rừng cao su đại điền tại xã Bãi Trành, hàng trăm người dân đã cùng chia sẻ với Chủ tịch nước về những đổi thay trong cuộc sống.

Từ xuất phát điểm của một nông trường với nhiều khó khăn, sau gần 5 năm, Bãi Trành đã có bước chuyển nhanh chóng với những cánh rừng cao su, mía bạt ngàn, những con đường liên thôn được kiên cố hóa. 

Trong quá trình canh tác, nông dân đã tăng cường thâm canh ứng dụng khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Nhờ vậy, giá trị hàng hóa từ trồng trọt bình quân mỗi năm tăng 30%.

Tiếp tục tìm hiểu về các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả tại nông thôn Thanh Hóa, Chủ tịch nước đã đến thăm cánh đồng trồng ớt chất lượng cao của nông dân xã Xuân Du. 

Là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, Xuân Du là đơn vị dẫn đầu toàn huyện Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp. 

Ngoài cây lúa trọng điểm, xã đã tạo canh tác thêm các loại cây trồng chất lượng cao như ớt, đào, cho giá trị cao gấp 4-5 lần cây lúa. Riêng ớt xuất khẩu, xã trồng được 13 ha, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha.

Nói chuyện với nhân dân các xã Bãi Trành, Xuân Du, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng các địa phương của Thanh Hóa đã nỗ lực đạt được nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tại những vùng đất còn khó khăn về hạ tầng, Chủ tịch nước mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Thanh phát huy thế mạnh trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tạo nên sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống làm thay đổi diện mạo của xã nông thôn miền núi.

Khẳng định trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay, nông nghiệp vững mạnh sẽ là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế, Chủ tịch nước chỉ rõ, để tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương là cần thiết. Để xây dựng nông thôn mới thành công phải do chính những người dân trực tiếp triển khai xây dựng và thực hiện vai trò chủ sở hữu.

Cho rằng xây dựng nông thôn mới là bước đầu của quá trình xây dựng đất nước, Chủ tịch đề nghị, sau khi đạt được 19 tiêu chí, Thanh Hóa cần chăm lo đời sống cho người dân đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Tới thăm Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng - 1 trong 18 dự án làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh sự phối hợp hiệu quả giữa Trung ương Đoàn và tỉnh Thanh Hóa trong việc huy động được lực lượng thanh niên với sức trẻ, trí tuệ, ý chí và khát vọng vươn lên lập nghiệp, chuyển hóa vùng đất vốn trước kia còn hoang vu, nay trở thành vùng đất với màu xanh của hơn 50 ha cao su, mía, sắn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là mô hình tốt cần nhân rộng tại các huyện vùng cao còn khó khăn của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. 

Với vai trò tiên phong, lực lượng thanh niên cần tiếp tục khai phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng thành công mô hình làng thanh niên, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Chủ tịch nước đã đến thăm Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi đang triển khai các dự án trọng điểm có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Thanh Hóa, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Sau 7 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút hàng trăm dự án công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Hàn Quốc với số vốn đăng ký đầu tư gần 20 tỷ USD. 

Chủ tịch nước biểu dương những kết quả bước đầu mà Khu kinh tế đã đạt được; đề nghị các nhà thầu cần tập trung thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh cũng như của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Sau khi thăm và khảo sát tại cơ sở, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh báo cáo Chủ tịch nước về tình hình kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

Năm 2013, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,2%, Thanh Hóa là địa phương phát triển tương đối toàn diện cả về công nghiệp, nông nghiệp, thu hút đầu tư và dịch vụ. 

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 920 triệu, vượt 12% kế hoạch. Cảng hàng không Thọ Xuân hoạt động hiệu quả, tần suất bay tăng từ 5 - 11 chuyến/tuần. Toàn tỉnh có 2.719 doanh nghiệp làm ăn có lãi, chiếm 62%.

Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận cho 60% dự án với tổng vốn đầu tư 21.983 tỉ đồng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh với 136 làng bản, khu phố đăng kí mới xây dựng chuẩn văn hóa. Chương trình nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng, bình quân các xã đạt 9,4 tiêu chí.

Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 11,5% trở lên, giải quyết việc làm cho 61.000 lao động, Thanh Hóa kiến nghị Trung ương tăng cường hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên nạo vét luồng tàu, đảm bảo cho tàu có công suất 50.000 tấn ra vào cảng Nghi Sơn; hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng, nâng cấp 100 công trình hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng.

Khẳng định tốc độ tăng trưởng GDP 11,2% là minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc của Thanh Hóa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn Thanh Hóa đã xây dựng được những cơ sở hạ tầng quan trọng, tạo đà cho bước phát triển nhảy vọt trong tương lai gần.

Chủ tịch nước đề nghị, là một tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế, cùng với thành tựu đã và đang tạo dựng, cũng như kinh nghiệm được tích lũy, Thanh Hóa cần có một tầm nhìn rộng lớn hơn trong quy hoạch, tránh sự chắp vá, lãng phí trong tương lai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Thanh Hóa cần đánh giá đúng thế mạnh của 3 vùng kinh tế để có chính sách phát triển. Cụ thể, đối với vùng duyên hải, tỉnh cần tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày để phát triển kinh tế và gìn giữ quốc phòng an ninh. Vùng trung du cần nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông sản thương phẩm.

Với miền Tây rộng lớn, tỉnh cần tập trung khai thác lợi thế đất đai phát triển nghề rừng để nâng cao đời sống cho bà con, vừa góp phần đưa dân sinh sống phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Đặc biệt với Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cần khai thác các thế mạnh lọc hóa dầu, vận tải biển, tham khảo kinh nghiệm hợp tác của các khu kinh tế khác trong nước như Dung Quất, Vũng Áng để kết hợp phát triển công nghiệp với xây dựng đô thị hiện đại; chú trọng gìn giữ môi trường.

Đánh giá cao phong trào phát triển nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực cho diện mạo nông thôn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh đến kiến nghị của bà con về vấn đề vốn cho sản xuất.

Chủ nước cho rằng, sắp tới Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn cho sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo tỉnh cần chỉ đạo cần rà soát lại dư nợ của các ngân hàng để lý giải tại sao tỷ lệ dư nợ cho phát triển nông nghiệp thấp, nhưng nông dân vẫn thiếu vốn sản xuất; đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn không đến được với đối tượng được thụ hưởng.

Chủ tịch lưu ý, nếu làm tốt điều này, cộng với sự đoàn kết đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân Thanh Hóa sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trở thành vùng trọng điểm kinh tế Bắc Trung Bộ.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.