“Có ông xã, tôi có tất cả”
Duyên dáng, đằm thắm, lại là ca sĩ nổi tiếng, không quá ngạc nhiên khi Đông Đào được nhiều người thầm thương trộm nhớ. Chị cứ lơ đi, không để ý, cho đến khi gặp ông xã Đặng Hữu Hòa. Hơn một năm thương nhau, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Khổ nỗi, chị là người trong quân đội, còn anh là Việt kiều Mỹ.
Ngày chị cưới, cũng là ngày chị nhận được quyết định buộc thôi việc. Chẳng những vậy, bạn bè của chị trong ngành cũng không được đến dự.
Phụ nữ, vui nhất là ngày xuất giá theo chồng, mà đám cưới chị, không có bạn bè, nơi chốn công việc gắn bó bấy lâu cũng gãy đổ. Chị buồn, má chị cũng buồn.
Tháng 9 ngập úng theo những trận mưa tơi bời hiu hắt. Ba chị khi ấy nói với chị một câu, chị nhớ mãi đến giờ: “Con sống với chồng con cả đời. Chỉ cần con hạnh phúc là được”.
Đó có lẽ là giai đoạn trầm nhất trong cuộc đời chị. Chị thương anh vì anh thiệt tình thiệt dạ, tuy chị hay nói vui là anh không có đẹp, cũng không phải chị là chuột sa hũ nếp đâu. Cơ ngơi hôm nay là vợ chồng chị cùng nhau tạo dựng.
Chị mừng vì anh hiểu và thương chị, thương cả cái nghề của chị. Vì chị mà hồi hương về hẳn Việt Nam lập nghiệp. Có những khi đi diễn xa, anh thay chị trông nom các cháu. Chị nghĩ, cái gì mình cũng phải nếm trải để đi qua.
Bây giờ nhắc lại vậy thôi chứ không phải nghĩ về chuyện đó để mà buồn, mà trách móc. Hiện tại, chị có một gia đình yên ấm, hạnh phúc với hai cậu con trai, với một người chồng hiểu mình, chị vừa có thể kinh doanh mà vẫn thỏa niềm đam mê ca hát. Chị quá may mắn và mãn nguyện rồi. Chị không mong gì hơn nữa.
Khi chuyển qua kinh doanh, ông xã của chị ủng hộ chị song song một lúc hai việc. “Ông xã tôi rất cởi mở. Mỗi khi tôi đi hát xa, anh ở nhà chăm con từng chút. Nói anh không ghen là tôi nói dối. Vì có những khán giả ái mộ quá mức, anh hơi lo tôi "thả lỏng" mình quá thôi. Nhưng, rồi anh hiểu và tôi cũng giữ chừng mực.
Quan trọng nhất, theo tôi vẫn là niềm tin dành cho nhau. Tôi thương anh vì sự chân thành, chứ không phải vì cái mác Việt kiều của anh. Tôi nghĩ, mình cần chỗ dựa tinh thần nhiều hơn là vật chất.
Trong mắt tôi, anh không đẹp trai so với nhiều người theo đuổi tôi hồi đó nhưng tôi tin tưởng anh. Tôi sợ lỡ cưới người nhiều tiền, rồi về người ta không cho tôi đi hát nữa, buồn chịu sao nổi”, chị tâm sự.
Dạy con bằng tình thương
Đông Đào cùng ông xã và con trai út Hữu Tấn
Đông Đào có hai cậu con trai, Đặng Hữu Tín và Đặng Hữu Tấn. Chị chia sẻ, đặc thù công việc của người nghệ sĩ thường phải đi hát xa, ít có thời gian cạnh con cái nên đôi khi cũng thiệt thòi cho hai đứa nhỏ.
Nhưng may mắn, chị có gia đình hỗ trợ, cũng như các con sớm tự lập nên mỗi lần đi xa, chị cũng phần nào an tâm.
Mỗi khi chị gọi điện cho các con, con trai lớn rất hiểu và tỏ vẻ người lớn nói rằng: “Mẹ ơi! Mẹ yên tâm làm việc và ca hát, tụi con hiểu là mẹ rất bận nên con sẽ tự lo cho mình, không làm phiền mẹ nhiều đâu, nhưng làm gì thì làm, mẹ nhớ phải giữ sức khỏe mẹ nhé, các con yêu mẹ nhiều lắm”. Niềm hạnh phúc đó, không phải người mẹ nào cũng có được.
Đông Đào cho biết, chị chỉ chăm con kỹ thôi, còn cách dạy thì hoàn toàn không quá nghiêm khắc. Chị quan niệm để cho bé phát triển tự nhiên và phát huy hết những khả năng tự có, từ đó mình sẽ giáo dục cho các bé hiểu thế nào là phải, hay và tốt để phát huy. Có một điều chị nghiêm khắc nhất là không để con trai nhõng nhẽo với mẹ.
Đông Đào chỉ mong con sau này sẽ trở thành người hữu ích cho xã hội là được. Chị đã cho con trai lớn Đặng Hữu Tín ra nước ngoài học năm 12 tuổi, chấp nhận nỗi nhớ con da diết.
Trước khi con đi, chị dặn dò con dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ được nền giáo dục gia đình theo truyền thống Á Đông, học những điều hay lẽ phải, không bon chen đua đòi, hãy phấn đấu nâng cao sự hiểu biết và phát huy hết khả năng có thể để tiếp thu kiến thức mà thầy cô giảng dạy, biết quý trọng bạn bè và bản thân... Hằng ngày, chị vẫn mail hoặc điện thoại để con luôn cảm thấy mẹ đồng hành cạnh mình, cùng chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống.
Còn đối với con trai nhỏ Đặng Hữu Tấn ở gần thì ngoài việc học hằng ngày ở trường, khi về nhà thì chị thường cho bé đi theo mẹ, tiếp xúc nhiều người. Chính điều này tạo cho bé tác phong tự tin và tính cách mạnh mẽ, ngoan và rất ga lăng…
Được mẹ nuôi dưỡng bằng âm nhạc từ khi còn trong bụng nên bé trai nhỏ Đặng Hữu Tấn cũng được thừa hưởng tố chất. Đông Đào tiết lộ thêm về con trai:
“Có lẽ do được nghe hát nhiều từ lúc còn trong bụng mẹ, nên mỗi khi không chịu ăn hoặc không chịu ngủ, Tấn cũng đều đòi mẹ mở nhạc cho nghe. Chắc năng khiếu âm nhạc của con đã được hình thành từ đó. Đến năm 2-3 tuổi, mỗi khi nghe mẹ hát, Tấn đều ngọng nghịu hát theo.
Lúc đi học, Tấn cũng tham gia vào nhiều hoạt động văn nghệ ở trường”. Đông Đào cho biết, ban đầu chị không muốn uốn nắn con trai theo con đường nghệ thuật. Nhưng khi Hữu Tấn 7-8 tuổi, em hay đòi theo mẹ những khi mẹ đi hát và tỏ ra thích thú".
Hữu Tấn cũng đã có cơ hội biểu diễn cùng mẹ trong một chương trình ca nhạc trên truyền hình. Vừa qua, em cũng vừa được trường tiểu học tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào văn nghệ của trường.
Hiện, Hữu Tấn tham gia chương trình “Sao nối ngôi” phát sóng trên Đài THVL1, Đông Đào cho biết: “Mặc dù đến với cuộc thi trên tinh thần học tập và giao lưu là chính nhưng tôi cũng cực kỳ nghiêm khắc với các phần thể hiện của con, luôn động viên con làm hết sức khả năng”.
Tuy nhiên, chị cũng không hướng cho bé theo nghệ thuật vì muốn để mọi thứ của bé được phát triển tự nhiên, sau này lớn lên bé sẽ tự chọn cho mình nghề mà bé yêu thích. Chị bảo, môi trường nghệ thuật vốn dĩ quá phức tạp, chị không muốn đầu óc non trẻ của con bị ảnh hưởng sớm, làm chai sạn tâm hồn ngây thơ.
Đông Đào chia sẻ, hơn 20 năm trung thành với dòng nhạc trữ tình sâu lắng, làn điệu êm đềm này đã ăn sâu vào máu thịt của chị, nên không gì có thể diễn đạt được hết ý nghĩa của nó, chỉ biết rằng, mình yêu nó như mẹ yêu con, như biển yêu bờ, như của tất cả tình yêu thương nồng ấm nhất. Đông Đào cũng là giám khảo của nhiều chương trình truyền hình hiện nay
Đông Đào và ca sĩ Ý Lan
Nói về hiện tượng nhà nhà, người người đua nhau hát bolero như hiện nay, Đông Đào cho biết: “Có hai điều cần phân biệt rõ, các bạn hát bằng niềm đam mê và lòng yêu mến, khác các bạn hát theo phong trào. Boléro gốc không phá cách nhiều quá, nó êm đềm, mượt mà và người hát thả hồn trong đó bằng tình cảm.
Tôi chắt lọc ra kinh nghiệm của mình sau từng ấy năm đi hát với các bạn thí sinh tôi hướng dẫn là: Thứ nhất, phải hiểu câu chuyện trong bài hát, tác giả đang muốn nói cái gì. Đó có thể là câu chuyện chờ đợi nơi sân ga, chuyện tiễn người đi, chuyện người yêu đi lấy chồng, nỗi băn khoăn trong tình yêu,… Thứ hai, phải luôn nhớ tình cảm của boléro là thứ tình cảm êm dịu, thiết tha, khắc khoải và sâu lắng chứ không cháy bỏng như các dòng nhạc khác”.