Hạnh phúc trong gia đình nhà giáo

GD&TĐ - Trong những buổi nói chuyện chuyên đề về hạnh phúc gia đình, nhiều người thường hỏi thầy Phan Thúc Xán và cô Trương Thị Thủy Ba (Trung tâm Tư vấn - Hướng nghiệp - Tâm lý - Giáo dục trẻ em TPHCM) rằng: “Là hai nhà tâm lý có tên tuổi, hẳn là cách dạy con của thầy cô cũng rất đặc biệt?”. Cả hai cười và trả lời rất đơn giản: “Chúng tôi dạy con bằng chính nhân cách sống của mình...”.

Thầy Phan Thúc Xán và cô Trương Thị Thủy Ba hạnh phúc bên con hiền, cháu thảo
Thầy Phan Thúc Xán và cô Trương Thị Thủy Ba hạnh phúc bên con hiền, cháu thảo

Mối tình sâu nặng

Đầu tháng 9/2017 vừa qua, thầy Phan Thúc Xán và cô Trương Thị Thủy Ba đã kỷ niệm 53 năm ngày cưới của mình. Nên duyên từ mối tình đầu của nhau, gia đình thầy cô đã có được những ngày tháng hạnh phúc tròn đầy, bên con ngoan và cháu thảo.

Năm mươi ba năm chung sống bên nhau, thầy cô đã xây dựng được một mái ấm rất vững chắc. “Hạnh phúc là phải có đấu tranh, góp phần xây dựng nhau. Khi có những bất đồng, quan trọng nhất là phải biết cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý. Hạnh phúc gia đình phải do chính mình tạo ra và phải biết cách giữ gìn nó.

Quan niệm của chúng tôi là muốn xây dựng xã hội tốt đẹp thì trước hết phải xây dựng gia đình với những chuẩn mực đạo đức nhất định: Trên thuận dưới hoà, con ngoan trò giỏi, kính trên nhường dưới. Có như thế, gia đình mới làm tròn nhiệm vụ và cung cấp cho xã hội những hạt nhân tốt, những chủ nhân tương lai của đất nước…” - thầy cô cho biết như thế.

Xuất thân từ một gia đình gia giáo, là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Khoa Sinh hóa) và tốt nghiệp năm 1958, chàng sinh viên điển trai Phan Thúc Xán trở thành giáo viên dạy môn Sinh tại trường cấp 3 Thọ Xuân, ngay sau khi ra trường ở tuổi 22.

Trong lớp học chỉ có 3 học sinh nữ thì cô bé Trương Thị Thủy Ba (con gái của thầy hiệu trưởng) xinh đẹp, nết na, học giỏi “vô tình” đã chiếm chỗ trong trái tim người thầy giáo trẻ. Một số người tinh ý đã dần nhận ra dấu hiệu cho thấy “thầy để ý Thủy Ba” vì thầy luôn mặc áo số 3 mỗi khi chơi bóng chuyền.

Vào cái thời khó khăn, nữ sinh Thủy Ba phải đi bộ đến trường bằng chân đất, sau mỗi giờ học, thầy vội lấy xe và đạp theo sau học trò. Khi ấy, cô gái nhỏ cũng rất quý yêu người thầy giáo trẻ.

Trong mắt cô, hình ảnh người thầy giáo tận tâm, có giọng nói ấm áp và chuẩn mực từ cách ăn nói đến đầu tóc, trang phục lúc nào cũng lung linh đến khó tả. Lòng kính yêu ấy đã được cô học trò gieo vần thành bài thơ Thầy tôi với lòng ngưỡng mộ vô bờ.

Tuy là “cảm được” tấm lòng dành cho nhau, nhưng thầy và trò vẫn âm thầm không dám để cho người khác biết, vì nếu “thầy yêu trò là phạm vào đạo đức nghề nghiệp”. Nhưng rồi đến khi tình cảm “đủ lớn”, vào ngày 20-6-1960, người thầy trẻ trong một lần trả bài kiểm tra cho trò Thủy Ba đã vội nhét vào cuốn vở của học trò một lá thư tình để bày tỏ tình cảm.

Khi cha của Thủy Ba phát hiện “tình hình” giữa hai người, ông đã ngăn cấm không cho gặp gỡ, với lý do “Nếu con yêu thầy giáo thì làm sao cha dạy được học trò”. Từ đó, hai thầy trò phải gặp gỡ một cách bí mật, thậm chí mỗi lần đọc thư của thầy xong là Thủy Ba phải gửi ở nhà bạn cho an toàn. Có lần đi gặp thầy về, cô đã bị cha đánh đòn vì dám cố ý “trái lệnh”.

Cho đến khi Thủy Ba vào Đại học Sư phạm Hà Nội, tình cảm thầy trò mới được công khai. Bốn năm ròng chờ học trò đi học, khoảng cách xa xôi giữa Hải Phòng - Hà Nội được lấp đầy bởi hơn 2.000 lá thư mà họ viết cho nhau.

Thầy Xán kể, ngày đó “chúng tôi viết thư theo kiểu nhật ký, mọi niềm vui nỗi buồn tôi đều viết trong thư từ thứ Hai đến thứ Bảy thì đem ra bưu điện gửi”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Thủy Ba về nhận nhiệm sở ở Hải Phòng, cũng là lúc họ quyết định về chung một nhà bằng một đám cưới vào đúng ngày khai giảng (5-9-1964).

Trong những năm tháng chiến tranh, từ 1965 đến 1972, kết quả của tình yêu đẹp là sự ra đời của ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Mỗi lần cha mẹ đi làm, ba anh em lại ngoan ngoãn chơi với nhau trong căn nhà được khóa cửa ngoài.

Trong những năm tháng khó khăn đó, đôi vợ chồng luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất và cùng hỗ trợ chuyên môn để cùng nhau tiến bộ. Vì vậy mà trong một cuộc thao giảng toàn miền Bắc, cô Thủy Ba đã được công nhận là giáo viên giỏi.

Không chỉ giỏi chuyên môn, đôi bàn tay của người phụ nữ giàu đức hy sinh còn ôm trọn công việc gia đình để chồng mình yên tâm công tác. Những đêm thầy thức khuya làm việc, người vợ hiền luôn chăm chút cho chồng từng bát cháo, ly sữa.

Tấm gương nhà giáo

Sau thời gian công tác tại trường cấp 3 Thọ Xuân, Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Sở GD-ĐT Hải Phòng, đến năm 1975, gia đình thầy Xán - cô Thủy Ba chuyển vào TPHCM sinh sống và công tác.

Từ năm 1975 - 1991, thầy tiếp tục công tác tại Sở GD-ĐT TPHCM với vị trí Phó phòng chính trị tổng hợp và làm trợ lý giám đốc trong giai đoạn từ năm 1992 - 1995. Sau đó thầy được đề cử làm hiệu Trưởng THPT Hùng Vương cho đến khi về hưu vào năm 1998.

Với mong muốn được tiếp tục đóng góp cho xã hội, từ năm 1998 - 2000, thầy đảm nhiệm trong vị trí Chủ nhiệm văn phòng giáo dục trẻ chưa ngoan.

Cũng nhiệt tâm với công tác giáo dục như chồng, cô Trương Thị Thủy Ba tiếp tục công tác tại Trường THPT Phú Nhuận và Bùi Thị Xuân cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998.

Từ đó cho đến nay, thầy cô luôn cùng chung vai sát cánh cống hiến cho cộng đồng bằng việc thành lập Trung tâm Tư vấn-Hướng nghiệp -Tâm lý-Giáo dục trẻ em. Được biết, trung tâm có khoảng 40 tư vấn viên giàu kinh nghiệm, chuyên tư vấn cho những bạn trẻ đang gặp khúc mắc về tâm lý, hướng nghiệp.

Đây cũng là chiếc cầu nối giữa cha mẹ và con cái nhằm giúp phụ huynh có thể hiểu và đồng hành với con ở tuổi vị thành niên.

Không chỉ nhiệt tâm với nghề, yêu thương học trò như con mình, sống chan hòa với mọi người xung quanh, thầy cô còn là những nhà giáo dục chuẩn mực trong gia đình và dành cho con những gì tốt đẹp nhất.

Cả ba người con của thầy cô, mỗi người đều có một cuốn sổ nhật ký được thầy cô viết từ khi mang thai cho đến khi trưởng thành.

Với phương pháp giáo dục bằng đời sống gương mẫu, dành tình yêu thương, vỗ về mỗi khi dạy dỗ con, nên ba chàng trai nhà họ Phan đều ngoan ngoãn, lễ phép và học giỏi. Vì được rèn tính tự lập từ bé nên cha mẹ không phải bận tâm đưa đón con.

Khi vào trung học, các chàng trai này đều là học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Ngay cả khi vào đại học, các anh cũng được chọn trường, chọn nghề theo ước muốn và sở thích của mình.

Nhờ có sự động viên của cha mẹ và nỗ lực của bản thân, các con của thầy cô nay đều thành đạt và luôn nhiệt tâm với công tác. Trong đó, người con trai cả là kỹ sư hàng hải, người con trai thứ hai là Tổng giám đốc Công ty Phú Khang Phát, với quy mô cả ngàn nhân viên, và người con trai út là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Củ Chi.

Các anh đều đã có gia đình hạnh phúc, ấm êm, con cái học giỏi, ngoan ngoãn, biết yêu kính ông bà, cha mẹ. Cháu trai lớn hiện đang là sinh viên của trường Đại học quốc tế RMIT Việt Nam, cháu trai nhỏ đang là học sinh Trường THPT Quốc tế Việt Úc.

Ông bà cho biết: “Yếu tố dạy dỗ, định hướng tương lai cho các con là rất quan trọng. Ngay từ khi các con còn nhỏ, chúng tôi đã tìm hiểu và hướng theo những nghề nghiệp mà các con yêu thích, cũng như cách sống tự lập, phân định công việc rõ ràng.

Không bao giờ dùng roi vọt cũng như ít khi la rầy, chỉ nhẹ nhàng phân tích khi các con phạm lỗi lầm. Luôn mua nhiều sách báo cho các con đọc chính là mua sự thông minh cho con bằng việc tích luỹ kiến thức trong các quyển sách báo đó.

Ngay cả khi các con muốn thi vào trường đại học nào, chúng tôi cũng đều tôn trọng. Chúng tôi luôn giáo dục các con phải đi lên bằng chính năng lực của bản thân, không vụ lợi cá nhân, biết chia sẻ với nỗi khổ, nỗi đau của người khác”.

Ai cũng nghĩ việc ông bà giáo dục các con tốt là vì cả hai đều là nhà tâm lý. Nếu như chuyện nhà không làm tốt, thì làm sao đi tư vấn hạnh phúc cho người khác tốt cũng như khiến người ta khâm phục được.

Điều này cũng có phần đúng, nhưng quan trọng hơn là từ sự hoàn thiện và học hỏi của chính các con ông bà. Ông bà thường dạy các con rằng hạnh phúc không chỉ là tiền tài, mà nó có cả ngọt, bùi, cay, đắng.

Bất cứ ai cũng phải trải qua những trường đoạn này thì mới đi tới hạnh phúc. Những người con tự hào vì là con của hai nhà tâm lý được nhiều người tin cậy. Cứ nhìn vào tấm gương của ba mẹ, họ tự thấy mình phải sống, phải làm sao cho xứng đáng với công ơn của bậc sinh thành…

Sau 53 năm hạnh phúc bên nhau, bên con hiền cháu thảo, thầy cô đúc kết: “Hạnh phúc gia đình có được là nhờ có tình yêu chân thành keo sơn, tôn trọng lẫn nhau, biết nhường nhịn và hy sinh cho nhau”.

Với cô: “Chồng luôn là người thầy, người anh, người yêu và người chung thủy suốt đời”, và với thầy: “Vợ là người tôi luôn yêu thương và ngưỡng mộ. Người luôn đem lại cho tôi cảm giác bình yên, ấm áp và hạnh phúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ