Qua đó giúp thầy cô tự thân phấn đấu để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, khẳng định vị thế.
Giảm tối đa các quy định không cần thiết
Chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, Thông tư 34/2021 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập có nhiều điểm nổi bật. Thông tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định của cơ sở giáo dục, giúp nhà giáo yên tâm công tác. Đặc biệt, việc xét thăng hạng CDNN giáo viên thời gian tới sẽ khắc phục một số hạn chế, giảm tối đa các quy định không cần thiết. Thông tư 34 cũng không làm phát sinh thêm các quy định mới về tiêu chuẩn CDNN giáo viên, phù hợp với các tiêu chuẩn đã được sửa đổi, bổ sung.
Tại tỉnh Tiền Giang, trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở giáo dục lúng túng, giáo viên lo lắng. Đặc biệt, có nhiều giáo viên tự đầu tư kinh phí đi học chứng chỉ nghề nghiệp nhưng không nắm rõ tiêu chuẩn nên học rồi không được giữ hạng cho chuẩn CDNN mới hay học nhầm loại chứng chỉ. Mặt khác, không ít đơn vị không đủ thẩm quyền cũng mở các lớp học và cấp chứng chỉ nhưng không sử dụng được, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của giáo viên…
“Cần tránh việc gây áp lực không đáng có, nhất là tránh tình trạng giáo viên đổ xô đi học thăng hạng CDNN. Tôi cũng từng tham gia lớp bồi dưỡng CDNN. Đối với chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng và thăng hạng có khoảng 10 chuyên đề (trong đó một số nội dung được lồng vào chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên trong hè cho giáo viên hoặc được học từ khi còn là sinh viên sư phạm)”, một giáo viên cho biết.
Còn theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), giáo viên được thăng hạng CDNN, giáo viên khẳng định được năng lực nghề nghiệp của mình; đồng thời, được xếp lương ở bảng lương có hệ số lương cao hơn. Thông tư số 34 cũng điều chỉnh phụ lục hướng dẫn minh chứng và chấm điểm theo hướng giảm các yêu cầu về thủ tục hồ sơ. Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này để tổ chức thăng hạng CDNN cho những giáo viên đáp ứng yêu cầu năng lực và có nhu cầu thăng hạng…
“Bên cạnh tinh gọn các chứng chỉ CDNN đối với giáo viên cũng cần cập nhật nội dung này trong việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hàng năm để giáo viên nắm rõ…”, thầy Lộc nhấn mạnh.
Thông tin rõ ràng về giữ hạng, thăng hạng
Từ thực tế các cơ sở giáo dục, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết: Các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục cần rà soát cơ cấu, hạng CDNN giáo viên để xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư mới. Các cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng kế hoạch, sắp xếp, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng. Cần xác định trình độ đào tạo, hạng chứng chỉ CDNN và khuyến cáo giáo viên không tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng online do đơn vị không có chức năng bồi dưỡng để tránh lãng phí…
Theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, giáo viên muốn giữ hạng phải đáp ứng tất cả tiêu chuẩn. Đồng thời, Thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 của Bộ GD&ĐT quy định mỗi trường chỉ có 15% giáo viên hạng II, 5% hạng I, còn lại là hạng III, hạng IV (tùy bậc học). Trường hợp giáo viên dạy tiểu học có bằng đại học, cao đẳng sư phạm 1 môn phải chuyển về đúng bậc được đào tạo hoặc gửi đào tạo lại. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tham mưu cho UBND cấp huyện, công bố hộp thư và đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho giáo viên…
Chia sẻ của cán bộ quản lý, giáo viên, đối với vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng CDNN cần chậm mà chắc. Trước hết, cần hành lang pháp lý ổn định, quy định cụ thể và có lộ trình để nhà trường, giáo viên chuẩn bị, thực hiện. Tránh việc gây áp lực không đáng có, nhất là tránh tình trạng giáo viên đổ xô đi học thăng hạng CDNN. Nếu quy định tiêu chuẩn hạng và thăng hạng không tốt, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc xếp lương và tăng lương cho giáo viên cũng như chất lượng giáo dục của nhà trường…
Theo thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ): Theo quy định trước đây, thầy cô cứ đủ điều kiện là thăng hạng, nhà trường có hơn 75% cán bộ, giáo viên có bằng đại học và đang ở hạng II. Chỉ còn một số giáo viên mới và giáo viên sắp nghỉ nên chưa đạt theo yêu cầu thăng hạng.
Còn theo quy định mới (Thông tư 34), hiện chỉ có ban giám hiệu nhà trường đã qua lớp đào tạo về CDNN. Do đó, để tạo sự công bằng chỉ nên áp dụng khi tuyển dụng những giáo viên mới hay thăng hạng. Những giáo viên đang giữ hạng, giáo viên sắp nghỉ hưu đã cống hiến rất nhiều cho giáo dục nên miễn xét CDNN… Vì theo quy định của Luật Giáo dục 2019, giáo viên không đủ tiêu chuẩn bằng cấp sẽ tụt hạng. Muốn thăng hạng phải học nâng chuẩn, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.
Giải tỏa băn khoăn trên, theo ông Nguyễn Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý viên chức (Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang), chứng chỉ về CDNN không phải là yêu cầu chỉ riêng với ngành Giáo dục mà với các ngành khác. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần quán triệt nội dung Thông tư để kịp thời giải thích cho giáo viên khi thắc mắc… Giáo viên xếp theo hạng trong Thông tư mới tuy bị tụt hạng nhưng không bị giảm lương.