Thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Cần cơ chế giám sát

GD&TĐ - Theo các đại biểu Quốc hội, thực hiện tốt các chính sách nhà giáo không chỉ thu hút và giữ chân người giỏi cho ngành Giáo dục, mà còn là minh chứng sinh động về việc chính sách đã đi vào cuộc sống.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Do đó, cần có cơ chế giám sát việc thực thi chính sách tại các địa phương.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh): Để chính sách phát huy hiệu quả

Đại biểu Châu Quỳnh Dao
Đại biểu Châu Quỳnh Dao

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm quan tâm, chăm lo đến đội ngũ nhà giáo. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với ngành Giáo dục nói chung, giáo viên nói riêng. Qua đó tạo động lực để các thầy, cô giáo gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Có thể nói, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được các cấp quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện cho nhà giáo, yên tâm công tác, có tư tưởng vững vàng, yêu ngành, yêu nghề, đem hết sức mình đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều văn bản, chính sách vẫn còn chậm đi vào cuộc sống, chưa nhất quán trong triển khai thực hiện giữa các địa phương. Điều này, vô hình trung khiến nhiều giáo viên bị thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 34, có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022).

Qua nghiên cứu cho thấy, Thông tư số 34 đã cập nhật các quy định mới tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Thông tư cũng quy định hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thống nhất với quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Chẳng hạn như: Cách xác định người trúng tuyển trong chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao…

Nội dung của Thông tư số 34 cũng bảo đảm thống nhất với các quy định mới về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Có thể nói, Thông tư số 34 đã khắc phục một số hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giảm tối đa các quy định không cần thiết để tạo thuận lợi cho giáo viên.

Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần sự vào cuộc đồng bộ cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của ngành Nội vụ. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của ngành Giáo dục, ngành Nội vụ cần tham mưu với cấp có thẩm quyền để tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên theo định kỳ hàng năm, hoặc 2 năm một lần. Đó là cách động viên thiết thực đối với giáo viên, tránh tình trạng chính sách đã có nhưng triển khai thực hiện “không đến nơi, đến chốn”.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang): Giám sát việc thực thi chính sách

Đại biểu Châu Quỳnh Dao.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao.

Thực tế, ở một số địa phương, nhiều giáo viên đủ điều kiện để thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng chưa được thi hoặc xét thăng hạng. Một số nơi viện lý do: Đợi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để làm cơ sở triển khai thực hiện. Nay, Bộ đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Hy vọng, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Qua đó, giải tỏa tâm lý và tháo gỡ “nút thắt” cho địa phương nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Thiết nghĩ, sau khi Thông tư trên có hiệu lực, sở GD&ĐT, sở Nội vụ cần tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh để sớm triển khai chính sách vào thực tiễn. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát việc thực thi các chính sách liên quan đến nhà giáo, trong đó có việc triển khai thực hiện Thông tư số 34. Nên chăng, Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập đoàn giám sát việc thực thi chính sách nhà giáo; từ đó có cơ sở để kiến nghị, phản ánh lên Quốc hội (nếu việc thực thi chính sách còn bất cập hoặc chính sách chưa sát với thực tiễn).

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum): Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”

Đại biểu Nàng Xô Vi
Đại biểu Nàng Xô Vi

Đã có quy định về thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Do đó, các địa phương cần căn cứ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để thực thi chính sách, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Nếu giáo viên đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có đề nghị của nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục thì địa phương nên tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Điều này không chỉ giúp giáo viên có điều kiện tiếp tục hoàn thiện, phát triển năng lực nghề nghiệp, mà còn là nguồn động viên, khích lệ kịp thời để họ yên tâm công tác, gắn bó với công việc dạy học.

Thực tế cho thấy, khi chính sách được thực hiện tốt sẽ là giải pháp nhằm thu hút và giữ chân người giỏi cho ngành Giáo dục. Đó cũng là minh chứng sinh động về việc chính sách đã đi vào cuộc sống và bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Quan tâm tới chính sách của giáo viên cũng chính là tạo động lực cho ngành Giáo dục ổn định, phát triển và kích thích tính sáng tạo và yêu nghề hơn trong mỗi nhà giáo.

“Mỗi nhà giáo cũng nên chủ động giám sát và kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời, không ngừng nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội…”. - Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.