Thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Hành trình lắm gian nan

GD&TĐ - Nhiều giáo viên (GV) dù đã trở thành quản lý trường học, có bằng đại học nhiều năm, nhưng vẫn phải hưởng lương hệ trung cấp, cao đẳng. Nguyên nhân do nhiều năm không được xét thăng hạng.

Cô và trò ở điểm lẻ bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).
Cô và trò ở điểm lẻ bản Ón, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Nỗi khổ của người bằng một đằng, lương một nẻo

Cô Hà Thị Lập - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) tốt nghiệp đại học Sư phạm Mầm non năm 2013. Từ năm 2013 đến tháng 11/2019, cô Hà Thị Lập vẫn hưởng mức lương hệ trung cấp. Đến tháng 12/2019, cô Lập mới được hưởng lương hệ cao đẳng, với hệ số 3,03 do thăng hạng GV từ hạng IV lên hạng III. Hiện tại, dù là Phó Hiệu trưởng nhà trường, có đầy đủ bằng cấp theo quy định, nhưng cô Lập vẫn chưa được hưởng lương hệ đại học do chưa được thăng lên hạng II.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh bất cập này lên cấp trên, tuy nhiên, không thấy cơ quan, đơn vị nào quan tâm giải quyết khiến nhiều GV bậc học mầm non như chúng tôi rất thiệt thòi. Trong khi đó, bản thân tôi không học cao đẳng, mà sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường công tác lại hưởng lương hệ trung cấp rồi 7 năm sau mới hưởng lương hệ cao đẳng?”, cô Lập bày tỏ nỗi niềm.

Cũng theo cô Lập, nếu cứ quy định 9 năm mới hưởng lương theo từng hệ như thế, đến năm 2028, cô mới được hưởng lương hệ đại họcsau khi “kinh qua” thời gian hưởng lương hệ cao đẳng.

“Trong 9 năm đó, nếu GV hay quản lý như tôi muốn được xét để thi thăng hạng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Người nào chỉ cần 1 năm hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ không được xem xét để thi thăng hạng”, cô Lập giải thích.

Tháng 6/2004, cô Phạm Thị Loan nhận bằng tốt nghiệp Trung học Sư phạm Thanh Hóa. Tháng 10/2004, cô được tuyển dụng vào ngành GD Quan Hóa hưởng mã ngạch chức danh 15.114 bậc l, hệ số lương 1,86. Tháng 1/2013, cô Loan nhận bằng tốt nghiệp đại học Sư phạm Tiểu học Hồng Đức. Tháng 9/2017, cô tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý Giáo dục nhưng vẫn hưởng mã ngạch 15.114.

Cũng như nhiều GV khác, cô Loan chờ tới 6 năm sau (tháng 12/2019), mới được thăng hạng từ GV tiểu học hạng IV lên hạng III. Và để lên hạng II, hưởng lương như bằng cấp hiện có, cô Loan phải chờ thêm thời gian nữa (khoảng 6 năm) cùng với nỗ lực phấn đấu trong công việc và quan trọng nhất là phụ thuộc vào việc tổ chức xét thăng hạng của cơ quan có thẩm quyền.

“Theo các quy định việc xét thăng hạng là không bắt buộc. Tuy nhiên, lại liên quan đến quyền lợi của GV, đặc biệt là chế độ tiền lương và cơ hội phấn đấu trong sự nghiệp”, cô Loan bày tỏ.

Còn thầy Lang Văn Long, GV Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) vào ngành đã 12 năm. Năm 2016, thầy hoàn thành chương trình đại học và có bằng cử nhân. Đến năm 2018, thầy Long được biên chế viên chức ngành GD, thế nhưng hiện tại vẫn phải hưởng lương hệ trung cấp.

“Chúng tôi rất tủi thân khi nhận lương hàng tháng, vì bằng cấp của mình đã đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng vẫn phải hưởng lương hệ trung cấp. Nếu cứ theo quy định 6 năm mới được thăng hạng để hưởng lương hệ cao đẳng, rồi sau đó phấn đấu 9 năm tiếp theo mới ăn lương hệ đại học, có lẽ lúc đó chúng tôi đã sắp về hưu”, thầy Long chia sẻ.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) cùng học trò tại thư viện xanh của trường.
Thầy giáo Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) 
cùng học trò tại thư viện xanh của trường.

Vận dụng linh hoạt

Trường Tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 28 GV. Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Trong số đó, chỉ có 1 người trình độ trung cấp đang hưởng lương hạng IV; 11 GV hạng III, còn lại hưởng lương hạng II.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cũng cho biết, trên địa bàn không còn nhiều GV hạng IV, kể cả bậc mầm non. Trước đây, nhiều nhà giáo thiệt thòi, thậm chí bị hạ lương sau khi chuyển đổi cách xếp lương theo trình độ sang xếp lương theo hạng, đặc biệt là bậc mầm non. Vì vậy, phòng đã tham mưu huyện xin chủ trương từ tỉnh và tổ chức thi, xét thăng hạng cho GV 2 năm trước. Việc thi thăng hạng được tổ chức cho GV từ bậc mầm non lên THCS.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn, năm 2017, huyện xin chủ trương, được Sở Nội vụ, UBND tỉnh đồng ý và tổ chức thi thăng hạng cho GV tiểu học và THCS. Lần thi này, hơn 120 thầy cô được nâng từ hạng IV lên hạng III và hạng III lên hạng II. Qua đó, đảm bảo quyền lợi, đỡ thiệt thòi cho GV có trình độ cao nhưng hưởng lương thấp nhiều năm liền.

Riêng số GV tuyển mới từ năm 2015 vẫn phải chờ đợt thi tuyển mới, tuy nhiên số lượng không nhiều. Nan giải nhất là hơn 100 GV mầm non đang hợp đồng theo diện 06 sẽ không đủ điều kiện thi thăng hạng. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi nhà giáo sau nhiều năm gắn bó.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT Nghệ An, cho hay: Từ năm 2015, GV được bổ nhiệm xếp lương theo hạng (chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT). Trong đó, mầm non và tiểu học khởi điểm là hạng IV, còn THCS là hạng III. Điều này khiến nhiều GV thiệt thòi khi trình độ, bằng cấp khác nhau nhưng hưởng lương như nhau theo hạng.

Theo chùm thông tư này, GV đang hưởng lương ở hệ số lương nào thì được chuyển sang hệ số lương mới tương đương. Ví dụ, GV mầm non, tiểu học có hệ số lương từ 1,86 - 4,06 chuyển sang hạng IV; hưởng lương 2,1 - 4,89 chuyển sang hạng III; hưởng lương 2,34 - 4,98 chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương;

Đối bậc trung học cơ sở, GV có hệ số lương 2,1 - 4,89 được chuyển sang hạng III; hệ số lương 2,34 - 4,98 chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương. GV trung học phổ thông có hệ số lương 2,34 - 4,98 được chuyển sang hạng III; có hệ số lương 4,0 - 6,38 được chuyển sang hạng II có hệ số lương tương đương.

Điều này khiến nhiều GV tự đi học nâng chuẩn, có trình độ đại học, thạc sĩ từ năm 2012 nhưng chưa được chuyển xếp lương theo trình độ, thì khi chuyển sang xếp lương theo hạng lại hưởng lương ở hạng thấp nhất. Bên cạnh đó, người mới tuyển dụng từ tháng 10/2015, bất cứ có bằng cấp gì, dạy học mầm non và tiểu học đều xếp lương hạng IV với hệ số 1,86. Còn THCS xếp hạng III với hệ số 2,1.

Thực tế, từ năm 2015 đến nay, Nghệ An có ít chỉ tiêu tuyển dụng GV mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Gần đây, yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như quy mô học sinh tăng, 2 bậc mầm non, tiểu học thiếu GV trầm trọng. Vì vậy, nhiều địa phương được giao thêm định biên. Riêng bậc trung học cơ sở lại xảy ra tình trạng thừa GV  cục bộ. Để giải quyết tình trạng trên, không ít huyện, thị đã đưa ra phương án điều hòa tạm thời bằng cách chuyển hoặc biệt phái GV trung học cơ sở sang dạy tiểu học, mầm non.

Giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vệ sinh đồ dùng cho học sinh.
Giáo viên Trường Mầm non Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vệ sinh đồ dùng cho học sinh.

Nơi bắt giáo viên phải chờ

Được biết, năm 2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BNV quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Thông tư này quy định về thay đổi chức danh nghề nghiệp: “Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí, việc làm mới, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp mới”.

Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền không tổ chức xét thăng hạng cho GV theo quy định, vì vậy nhiều GV tiểu học vẫn không được chuyển đổi mã ngạch mới, mà vẫn hưởng theo theo quy định cũ (mã ngạch 15.114).

Đến năm 2015, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV tiểu học công lập. Theo quy định tại Thông tư này, một số GV tiểu học được chuyển sang mã ngạch mới. Những GV còn lại đã đủ điều kiện xét bổ nhiệm mã ngạch mới cao hơn, nhưng vẫn không được tổ chức xét tuyển. Mãi đến năm 2019, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa mới tổ chức thi xét thăng hạng cho GV toàn tỉnh.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập. Thông tư nêu rõ: “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp GV tiểu học hạng III hoặc tương đương đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.

Theo quy định này, GV chỉ được xét thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề của cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ. Trong khi, việc tổ chức xét hoặc thi thăng hạng lại do các cơ quan nội vụ quyết định và ở nhiều nơi, thăng hạng cho nhà giáo bị “lãng quên” trong thời gian dài dẫn tới tình trạng GV được nhà trường khuyến khích học nâng cao trình độ nhưng lương không có sự thay đổi tương ứng.

Trình độ một đằng lương một nẻo cũng là nguyên nhân khiến Đà Nẵng nhiều năm liền không tuyển đủ GV ở bậc học mầm non và tiểu học do mâu thuẫn giữa yêu cầu trình độ và chế độ lương được hưởng. Bởi Sở Nội vụ Đà Nẵng yêu cầu người dự tuyển phải tốt nghiệp đại học, nhưng đến khi trúng tuyển, đi dạy thì lại trả lương theo bậc trung cấp.

Điển hình, kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) năm 2018 phải hủy nhiều kết quả trúng tuyển do người dự tuyển không đến nhận công tác. Các thí sinh này gần như đều trúng tuyển ở vị trí GV mầm non, tiểu học hạng IV dù có trình độ đại học nhưng lại nhận lương trung cấp. Như vậy, so với mục tiêu ban đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ, dạy học, thành phố đều không đạt được, thậm chí khiến nhiều trường rơi vào cảnh thiếu GV.

Thầy giáo Lang Văn Long trong giờ dạy ở điểm lẻ bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung ( Mường Lát, Thanh Hóa).
Thầy giáo Lang Văn Long trong giờ dạy ở điểm lẻ bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung ( Mường Lát, Thanh Hóa).

Mong mỏi của nhà giáo

Gần đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 34, quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng, nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV mầm non, GV phổ thông công lập. Nhiều GV đang mong chờ sự thay đổi các tiêu chuẩn, điều kiện từ việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của GV mầm non và phổ thông.

Bởi theo thầy Long, sau năm 2018, những GV tiểu học vào biên chế viên chức lại được hưởng lương theo bằng cấp. “Những người được tuyển dụng sau tôi (năm 2020), cũng có bằng đại học như nhau được lương bậc đại học (2,34), còn chúng tôi vẫn chỉ được hưởng hệ số lương 1,86 (lương của hệ trung cấp). Chúng tôi mong muốn, Nhà nước điều chỉnh hệ số lương theo Luật Giáo dục mới, để những người có nhiều năm gắn bó với ngành đỡ thiệt thòi”, thầy Long bày tỏ và đề nghị: Việc quy định giữ mã ngạch giáo viên hạng III trong 9 năm chỉ phù hợp GV mới ra trường.

Trở lại trường hợp của cô Loan, so với quy định của Luật Giáo dục 2019, cô đều đáp ứng yêu cầu về bằng cấp còn để là GV tiểu học hạng II vẫn mất vài năm nữa mới đủ thời gian giữ hạng III. Khi đủ thời gian cô lại chờ đến đợt xét hoặc thi thăng hạng. “Chúng tôi mong chờ sự thay đổi các quy định về xét thăng hạng, để GV lâu năm đỡ thiệt thòi và yên tâm công tác”, cô Loan chia sẻ.

Trước mong mỏi của nhà giáo, ông Trịnh Trung Vinh – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Quan Hóa - cho biết: Sau khi Thông tư 34 của Bộ GD&ĐT ra đời, GV bậc học mầm non được hưởng hệ số lương theo bậc cao đẳng. Còn GV tiểu học hưởng lương theo hệ số của lương đại học (2,34). Tuy nhiên, về quy định thăng hạng GV vẫn giữ nguyên như trước.

“Bảo đảm lợi ích cho giáo viên, từ năm 2015 đến nay, ngành vận dụng, áp dụng các thông tư, hướng dẫn để thống kê, rà soát, lập danh sách cho giáo viên thi, xét thăng hạng khi có đợt. Trong đó, thi từ hạng II lên hạng I do Bộ GD&ĐT tổ chức. Còn với giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở giao về cho địa phương chủ trì. Đối tượng là giáo viên tuyển mới từ năm 2015 và những người đã nâng chuẩn từ năm 2012 nhưng chưa được chuyển lương xếp lương theo trình độ. Qua tìm hiểu, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên, nhờ đó nâng cao vị thế cũng như đảm bảo lợi ích xứng đáng với năng lực, trình độ”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.