Tháng 9, cha mẹ "địu" thủ khoa nghèo nhập học

Bất cứ giá nào cũng cho con đi học. Đó là khẳng định của tất cả các cha mẹ khi nghe tin con đỗ.

Trần Văn Cường và mẹ (Ảnh:Vietnamnet.vn)
Trần Văn Cường và mẹ (Ảnh:Vietnamnet.vn)

Trần Văn Cường – Thủ khoa ĐH Bách khoa Tp. HCM và Á khoa ĐH Y Hà Nội

Những người ở xã Trung Lễ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) nói rằng, việc cậu học sinh Trần Văn Cường đỗ 1 lúc 2 trường ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và ĐH Y Hà Nội là cú đúp đẫm nước mắt. 

Bởi lẽ, nếu không học rất giỏi như vậy, Trần Văn Cường có lẽ đã theo anh chị vào Nam làm thuê kiếm sống và bỏ dở giữa chừng sự học dang dở.

Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, bố Cường là ông Trần Văn Như mắc bệnh tim và tâm thân trong nhiều năm liền. Cái ăn cả của nhà chị dựa vào đôi vài gầy của mẹ Cường, bà Nguyễn Thị Trung. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mảnh ruộng 7 sào chẳng đủ để bà Trung vừa thuốc thang cho chồng vừa nuôi con.

Mẹ Cường bảo: “Các anh chị khác của Cường cũng học giỏi lắm, nhưng nhà nghèo không thể nuôi nổi nên học hết cấp 3 chúng vào TP.HCM làm công nhân kiếm sống cả. Chỉ có thằng Cường học giỏi quá, cả xóm ai cũng động viên cố sức cho nó đến trường, bắt nó nghỉ tôi cũng không nỡ”.

Suốt 12 năm học, bằng nghị lực vượt khó tuyệt vời, Trần Văn Cường luôn đạt học sinh giỏi. Cường là học sinh giỏi tỉnh môn Toán suốt 3 năm THPT. Riêng năm lớp 12, em đạt giải ba môn Toán ở kỳ thi HSG toàn quốc.

Và tháng 9 tới đây, để cho con đủ tiền ra Hà Nội nhập học, mẹ của chàng trai học giỏi Hà Tĩnh này sẽ “mang sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền để con tiếp tục học cho thành người”.

Kiều Văn Bắc – Thủ khoa ĐH Giao thông vận tải

Những ngày này, ở thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) câu chuyện về chàng thủ khoa Kiều Văn Bắc vẫn chưa dứt. Bắc trở thành tấm gương cho lũ trẻ con trong xóm.

Những thủ khoa cần được tiếp bước đến trường

Kiều Văn Bắc, chàng thủ khoa chăn lợn (Ảnh: Vnexpress.vn)

Sinh ra trong một gia đình, mà bố ở với mẹ cả, hai mẹ con Bắc thui thủi sống dựa vào nhau trong căn nhà hễ mưa là dột chỉ có rau cháo nuôi ăn qua ngày. Một sào ruộng cấy không đủ thóc ăn, cô Biên (mẹ Bắc) phải bươn chải đủ nghề từ cấy thuê đến gánh gạch, thu mua ve chai. 

Sau nhiều năm, cuối cùng cô mới quay sang nghề nuôi lớn, mỗi lứa cô đi vay nợ tiền cám, tiền giống, đến lúc xuất chuồng thì cũng còn lại một ít để lo việc học, ăn uống của 2 mẹ con.

Gia đình nghèo lại thiếu bố, nhiều khi tới lớp Bắc vẫn bị bạn bè trêu chọc nhưng chưa một lần em kêu than với mẹ. Thay vào đó, em chăm chỉ tới lớp, học bài, thời gian rảnh thì chăm lợn giúp mẹ.

Gạt đi nỗi buồn, cô Biên tự hào khoe về thành tích của con trai như giải Ba thành phố môn Toán, giải Nhì thành phố thi giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Ba môn Toán liên trường.

Khi biết Bắc đỗ thủ khoa ĐH, bố Bắc cũng gọi điện khoe với mọi người trong gia đình và đã hứa sẽ giúp đỡ về kinh tế cho mẹ con em đỡ vất vả. Thế nhưng, nỗi lo về tiền học phí, ăn ở và sách vở vẫn còn cánh cánh trước mắt người mẹ nghèo.

Nguyễn Văn Tuân – thủ khoa ĐHQGHN và á khoa ĐH Y Hà Nội

Biết tin con đỗ ĐH, cùng lúc thủ khoa ĐH Quốc gia Hà Nội và á khoa ĐH Y Hà Nội, bố mẹ của Nguyễn Văn Tuân (HS trường THPT Ứng Hòa, Hà Nội) vừa mừng vừa lo. 

Lâu nay, để lo cho 2 con học hành tới nơi tới chốn (chị gái Tuân đang học HV ngân hàng) đã phải chạy vạy đủ nghề từ phụ hồ cho tới khâu dép. Thu nhập mỗi tháng của cả nhà chỉ 1-2 triệu đồng, chỉ đủ cái ăn, còn tiền học của con phải đi vay hoàn toàn.

Những thủ khoa cần được tiếp bước đến trường

Chàng thủ khoa Nguyễn Văn Tuân nặng 45kg (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Anh Bốn (bố Tuân) bảo rằng: Gia đình khó khăn, bố mẹ không được học đến nơi đến chốn, vì thế nghèo vẫn hoàn nghèo, thế nên bằng bất cứ giá nào cũng phải cho 2 chị em em nó đi học bằng được.

Đợt thi ĐH vừa rồi, để có tiền cho con đi thi, cô Thắm vừa bán đi một đàn gà lại phải vay thêm tiền từ người quen, gom mãi mới đủ hơn 1 triệu đồng cho con mang ra Hà Nội ứng thi.

Đợt tới khi Tuân nhập học tại trường ĐH Y Hà Nội, anh Bốn bàn với vợ (chị Đỗ Thị Thắm) sẽ lên Hà Nội làm thêm, phụ hồ để kiếm thêm tiền nuôi hai con ăn học. Thấu hiếu hoàn cảnh, Tuân cũng nói rằng, sau khi nhập học em sẽ đi gia sư để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ.

Hoàng Nghĩa Bính – Thủ khoa trường Sỹ quan lục quân 1

Hoàng Nghĩa Bính sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghệ An. Bố Bính đau ốm liên miên nên chỉ ở nhà làm việc vặt. Gánh nặng của cả gia đình dồn lên vai mẹ em là chị Trần Thị Thảo (SN 1968). Hiểu những vất vả của bố mẹ và biết rằng học là con đường duy nhất để thoát nghèo, 2 anh em Bính chỉ biết động viên nhau cố gắng học thật tốt.

Những thủ khoa cần được tiếp bước đến trường

Hoàng Nghĩa Bính và bố mẹ bên mái nhà xập xệ (Ảnh: Danviet.vn)

12 năm đi học, Bính chưa từng biết tới lớp học thêm, em chỉ tự học là chính. Mỗi ngày em tập trung nắm chắc lý thuyết trên lớp, rồi về nhà tự làm bài tập, giải các dạng dề khác nhau và tìm ra phương pháp giải mới. Không phụ thuộc vào cách giải của thầy cô là cách tốt nhất để hiểu và nhớ bài. Chỗ nào thấy khó thì hỏi bạn bè để tìm ra cách đúng.

Bính tâm sự: “Cả nhà chỉ dựa vào mẹ, để lo cho chi tiêu hằng ngày và thuốc thang cho bố, mẹ em phải vay mượn nhiều lắm. Đến giờ nhà em đang nợ ngân hàng 30 triệu, nợ các cô bác hàng xóm 10 triệu nữa. Vì thế, để được đi học ĐH em đã chọn trường quân đội, sẽ không mất học phí và đầu ra cũng có quân đội thu xếp. Những trường khác chắc mẹ em sẽ không nuôi nổi”.

Tương lai vẫn còn đang ở phía trước cậu học trò nghèo. Còn rất nhiều khó khăn mà em sẽ tiếp tục phải đối mặt và có lẽ đây sẽ bước đi đầu tiên của em trên con đường thực hiện lời hứa với mẹ rằng “Con phải học thật giỏi, thi đậu đại học thì mới có cơ hội trả tiền nợ cho mẹ và sửa sang căn nhà xập xệ”.

Vẫn biết rằng, Đại học không phải con đường duy nhất để thành công nhưng nó là con đường tốt nhất trong mọi con đường. Thấu hiếu những điều đó, các bậc làm cha làm mẹ dù có oằn lưng mỏi gối vẫn cố gắng hết sức “địu con” đi đến hết con đường học vấn. Bởi “cha mẹ có thể không có nhà cao, cửa rộng” nhưng sẽ cho con “con chữ để vào đời”.

Theo tiin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ