Sáng 14/12, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang khai mạc Hội thi “Em thuyết trình tiếng Việt” dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học năm học 2024 – 2025. Hội thi thu hút 63 thí sinh là học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được tuyển chọn từ các trường học có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 7 đơn vị huyện, thị xã gồm: các huyện Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn và TX Tịnh Biên, TX Tân Châu cùng tham gia tranh tài.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Võ Văn Quới – Trưởng phòng GDMN-GDTH, Sở GD&ĐT An Giang, Phó ban tổ chức Hội thi cho biết: “Một trong những nội dung của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” được Bộ GD&ĐT triển khai đối với các cơ sở giáo dục tiểu học có học sinh người DTTS đó là hoạt động giao lưu tiếng Việt nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học người DTTS.
Bên cạnh việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, đề án còn bảo đảm cho các em có các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS vì sự tiến bộ, phát triển của địa phương và đất nước.
Với ý nghĩa đó, Hội thi “Em thuyết trình tiếng Việt” dành cho học sinh DTTS cấp tiểu học trên địa bàn An Giang là một sân chơi giúp các em có cơ hội giao lưu, tạo niềm hứng thú đam mê học tiếng Việt và giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với cộng đồng”.
Đến với hội thi, mỗi thí sinh dự thi trực tiếp trải qua 2 phần thi gồm: Thuyết trình giới thiệu về văn hoá địa phương phù hợp với lứa tuổi học sinh trong thời gian từ 3 đến 7 phút và bốc thăm đọc thành tiếng một câu chuyện có sẵn trên Thư viện Mây Room to Read theo trình độ đọc mỗi cấp lớp và nêu ý kiến hoặc cảm nghĩ về câu chuyện vừa đọc.
Hội thi "Em thuyết trình tiếng Việt” không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích mà còn có ý nghĩa tạo ra sự đoàn kết, giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm học tập giữa học sinh các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua đó, hình thành và phát triển văn hóa đọc thông qua bài thuyết trình, các câu chuyện phù hợp, đề cao nét đẹp văn hoá và các giá trị đạo đức cho học sinh đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học.