Thần tượng âm nhạc "chỉm nghỉm"

Sự ra mắt rầm rộ của truyền hình thực tế tại Việt Nam như The Voice, Vietnam Idol hay Vietnam’s Got Talent đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt quán quân, thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, có không ít quán quân đã bị “chìm nghỉm” trong làn sóng thần tượng và bị khán giả lãng quên.

Hương Tràm - Quán quân The Voice 2012 .
Hương Tràm - Quán quân The Voice 2012 .

Từ số 0 đến số 0

Chưa bao giờ, công chúng thấy mật độ dày đặc của các quán quân như thể “ra ngõ gặp quán quân”. Với sự xuất hiện của những thần tượng này, không ít người đã từng hy vọng vào một tương lai rực rỡ của nền âm nhạc Việt Nam, khi quán quân nào cũng có tài năng và phong cách độc đáo, đặc biệt. 

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng quang, nhiều thần tượng vẫn loay hoay tìm hướng đi cho mình, thậm chí có người chỉ tập trung chạy show, dựa vào danh hiệu quân để đẩy giá cát-sê… khiến không ít quán quân các chương trình tìm kiếm thần tượng âm nhạc gần như “bốc hơi” khỏi showbiz.

Yasuy - Người đăng quang ngôi vị cao nhất của Vietnam Idol 2012, sau khi vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, chàng trai dân tộc Chu Ru đã bước lên bục cao nhất nhận danh hiệu “Thần tượng âm nhạc”, bất chấp những hoài nghi và phản ứng từ phía khán giả. 

Nhiều ý kiến còn cho rằng, số phiếu bình chọn cho Yasuy tăng vọt vì theo thị hiếu đám đông chứ không phải bởi giọng hát của anh có giá trị.

Vì thế, khi nhắc tới Yasuy, có lẽ ít người nhớ được những bài hát và màn trình diễn của anh mà chỉ nhắc tới những bê bối phá hủy tương lai của anh thế nào. 

Cho đến thời điểm này, Yasuy gần như chìm nghỉm và chính thần tượng âm nhạc cũng đã cay đắng thừa nhận: “Tôi bơ vơ trong showbiz”.

Trước đó, những quán quân như Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh đều không đạt được vị trí xứng đáng trong showbiz. Phương Vy và Quốc Thiên đều chật vật tìm kiếm lối đi cho mình, cả hai đều thiếu tính đột phá trong dòng nhạc và cách biểu diễn, khiến sự nghiệp của họ còn khá bấp bênh. 

Còn Uyên Linh, mặc dù có nổi tiếng hơn và nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà sản xuất, song con đường đến với trái tim khán giả vẫn còn xa.

Tương tự, Hương Tràm - Quán quân The Voice 2012 cũng đã xây dựng hình ảnh của mình bằng một loạt scandal chấn động showbiz như trách móc huấn luyện viên Thu Minh, nói dối chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, ăn mặc hở hang, phản cảm khi biểu diễn… 

Mặc dù từng là cái tên đầy hứa hẹn của The Voice, được đánh giá cao về kỹ thuật thanh nhạc, song giờ đây, cái tên Hương Tràm cũng chỉ gắn với những scandal nhảm nhí.

Một chương trình âm nhạc khác cũng thu hút được sự quan tâm của khán giả - đó là gameshow Ngôi sao Việt - Lotte VK-Pop Super Star. Có sự đầu tư bài bản của nhà sản xuất Hàn Quốc cộng với giải thưởng “khủng” 7,5 tỉ đồng, quán quân Ngôi sao Việt sẽ được đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp… 

Với những bệ phóng chuyên nghiệp ấy, những tưởng chương trình sẽ kéo dài và cho “ra lò” những thần tượng âm nhạc đủ khả năng sánh vai trong khu vực và vươn tầm quốc tế. 

Tuy nhiên, sau gần 2 năm cuộc thi khép lại với một quán quân duy nhất là Thanh Tùng, khán giả vẫn đang “mỏi mắt” tìm kiếm hình mẫu Ngôi sao Việt được đào tạo bởi nền công nghiệp K-Pop.

Theo sát Hương Tràm là Thảo My là cái tên thứ hai bước lên vị trí cao nhất của chương trình The Voice 2013. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Thảo My không có một sản phẩm âm nhạc nào đáng kể. 

Hiện nay, quán quân này vẫn đang theo học tiếp về âm nhạc và chính thức “Nam tiến” như tìm về miền đất hứa, thế nhưng, tương lai đối với cô còn khá mịt mù. 

Cô chia sẻ: “Việc kỳ vọng vào ngôi vị quán quân và phía nhà sản xuất sẽ chắp cánh cho thí sinh trở thành ngôi sao là điều viển vông. Muốn rõ ràng, chắc chắn trở thành một cái gì đó vẫn phụ thuộc vào nội lực của chính mình. 

Bởi khi bản thân không chấp nhận thỏa hiệp với định hướng, điều kiện từ phía nhà sản xuất đưa ra, thì tự thân mình phải vận động, loay hoay, mò mẫm tìm con đường đi của chính mình”.

Yasuy - người đăng quang ngôi vị cao nhất của Vietnam Idol 2012
Yasuy - người đăng quang ngôi vị cao nhất của Vietnam Idol 2012.

Thả nổi và chìm nghỉm

Cơn bão gameshow không chỉ ảnh hưởng đến người lớn, mà có rất nhiều đứa trẻ vô tình trở thành nạn nhân của showbiz dưới danh nghĩa “thần đồng”. 

Đó là trường hợp cặp đôi nhí Đăng Quân - Bảo Ngọc (Quán quân Vietnam’s Got Talent năm 2012), Phương Mỹ Chi (Á quân The Voice Kids 2013) và mới đây là “thần đồng” Đức Vĩnh (Vietnam"s Got Talent 2015).

Cặp đôi Đăng Quân - Bảo Ngọc, dường như chỉ sau một đêm, các bé lại chìm nghỉm trong mớ hỗn độn của showbiz, gần như như biến mất hoàn toàn khỏi showbiz, nhanh như khi nổi tiếng vậy.

Bước ra từ The Voice Kids, Phương Mỹ Chi được coi là “thần đồng dân ca” với hình ảnh “chị Bảy” mặc áo bà ba và tóc tết đuôi sam dịu dàng, hồn nhiên. 

Hình ảnh này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng cùng giới truyền thông; điều này đã giúp Phương Mỹ Chi vụt sáng và trở thành một hiện tượng lạ của làng giải trí Việt.

Tận dụng cơ hội ấy, dưới trướng một ông bầu quyền lực cùng “sự hỗ trợ” từ phía gia đình, Phương Mỹ Chi tham gia chạy show từ Nam ra Bắc, thậm chí còn ra cả nước ngoài biểu diễn. 

Ban đầu, những người có liên quan “cam kết” chỉ để Phương Mỹ Chi hát vào dịp cuối tuần nhưng người ta vẫn thấy bé miệt mài chạy show cả những ngày trong tuần để… mở quán và đỡ đần kinh tế cho gia đình. 

Mặc dù vẫn hát nhạc dân ca, song sự thay đổi về mặt thời trang cũng như việc chạy show quá nhiểu khiến cái tên Phương Mỹ Chi dần trở nên “nhợt nhạt” và thiếu sức hút đối với khán giả.

Quán quân 9 tuổi của Vietnam’s Got Talent mùa thứ 3 Nguyễn Đức Vĩnh
Quán quân 9 tuổi của Vietnam’s Got Talent mùa thứ 3 Nguyễn Đức Vĩnh .

Chinh phục khán giả với các vai kinh điển của chèo, tuồng và hát chầu văn, quán quân 9 tuổi của Vietnam’s Got Talent mùa thứ 3 Nguyễn Đức Vĩnh trở thành một tài năng nhí được công chúng mến mộ. 

Thế nhưng, ít ai biết mặc dù vẫn là cậu bé ngây thơ đang tuổi ăn, tuổi nghịch nhưng Đức Vĩnh đang bị chính người lớn lôi vào vòng xoáy tiền bạc bởi các chương trình văn nghệ, kể cả đám cưới để kiếm tiền. Khi em giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi, mẹ em lại có thêm "cớ" để mặc cả giá cát-sê với các đơn vị tổ chức sự kiện.

Mặc dù được kỳ vọng sẽ mang giọng ca của mình đến những khán giả yêu âm nhạc truyền thống, đến nay Đức Vĩnh vẫn chưa có một sản phẩm âm nhạc nào nổi bật ngoài những màn trình diễn trong Vietnam"s Got Talent. Sau gần một năm đăng quang chương trình này, tên tuổi của "hiện tượng âm nhạc" Việt Nam đang dần dần chìm xuống.

Có thể nói, sự nổi tiếng quá chóng vánh cộng thêm việc chưa được bồi dưỡng đầy đủ về nền tảng kiến thức cũng như văn hóa ứng xử chính là một trong những lý do lớn nhất khiến các quán quân dễ “chìm nghỉm” trong giới showbiz. 

Không có căn bản, lại thiếu người đỡ đầu định hướng đường đi, đa phần các thần tượng bước ra từ các chương trình tìm kiếm tài năng đều tỏ ra lúng túng và loay hoay trong việc tìm kiếm con đường phát triển sự nghiệp của mình. 

Thực tế cũng đã chứng minh, không có tài năng bền lâu nào mà không phải khổ luyện qua thời gian và cũng chẳng có một thị trường âm nhạc nào mà ca sĩ đã thành danh lại không đầu tư vào chuyên môn.

Bên cạnh đó, việc thiếu đầu tư một cách dài hơi cho các tài năng nghệ thuật trẻ của một số nhà sản xuất đang khiến các show tìm kiếm thần tượng chỉ là nơi kinh doanh và “ăn xổi”. 

Thay vì đào tạo chính quy, kỹ lưỡng, các cuộc thi chỉ việc đánh bóng các tên tuổi qua các chương trình trực tiếp, vừa nhanh, lại vừa thu bộn tiền quảng cáo. 

Đối với họ, “thổi” quán quân là một chuyện, còn quán quân thành danh ở showbiz hay không lại là chuyện khác. Thế nhưng người xưa có câu, những gì dễ dãi thì khó bền lâu và điều này có lẽ đang ứng nghiệm với các “thần tượng” mọc ra như nấm sau mưa - hệ quả của những show truyền hình bóng bẩy nhưng thiếu bền vững.

Theo Năng lượng mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.