“Công tử Bạc Liêu” là một trong những dự án được chờ đợi của điện ảnh Việt dịp cuối năm. Trước thời điểm khởi chiếu, phim đã có buổi ra mắt hoành tráng, náo nhiệt, đúng như tinh thần phóng khoáng từ các giai thoại dân gian về vị công tử này.
Dù nhà sản xuất không tiết lộ kinh phí cụ thể, song giới làm phim đều biết đây là một dự án ngốn tiền, ngốn công sức. Cần phải phục dựng bối cảnh Sài Gòn và Nam Bộ của một trăm năm trước. Cần rất nhiều trang phục, đạo cụ để tái hiện cuộc sống các nhân vật.
Chỉ riêng kinh phí để chế tác chiếc máy bay của vị công tử này đã mất hơn nửa tỉ đồng. Rồi còn các màn trình diễn ăn chơi tốn kém. Thế nên, nói “Công tử Bạc Liêu” là một bộ phim hào nhoáng quả không ngoa.
Sự hào nhoáng được khán giả cảm nhận rõ qua khung hình được đầu tư chăm chút tỉ mỉ từng góc quay, từng màu sắc, thanh âm. Tất cả làm nổi bật vị công tử đẹp trai nổi tiếng với thú chơi ngông ném tiền qua cửa sổ.
Về mặt hình ảnh, như thế là mãn nhãn, là thành công.
Nhưng về nội dung, “hời hợt” là nhận xét chung của nhiều người khi xem bộ phim này. Ngoài các màn ăn chơi từng được biết đến qua giai thoại, nhân vật không đem tới cho người xem những cảm nhận sâu sắc nào về đời sống tâm lý, sự phát triển tính cách, những mâu thuẫn giằng xé…, thậm chí là cả khát vọng.
“Hời hợt” cũng là từ khóa chung dành cho nhiều phim truyện điện ảnh Việt.
Khoảng hơn chục năm trước, khi tiếp cận công nghệ mới, điện ảnh nước ta còn loay hoay với những lỗ hổng về mặt kỹ thuật như quay phim, dựng phim, làm hậu kỳ thì nay phần lớn phim ra rạp đều chỉn chu phần nhìn. Có phim còn được khen đẹp long lanh từng khung hình. Phần dựng phim, chỉnh màu cho phim đều được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, các yếu tố mang đến chiều sâu như kịch bản, diễn xuất của diễn viên thì vẫn giẫm chân tại chỗ.
Đó là lý do vì sao nhiều bộ phim được đầu tư về mặt hình ảnh, kỹ xảo như “Người mặt trời”, “Móng vuốt”, hay các phim của nhà sản xuất Mai Thu Huyền (Kiều, Đóa hoa mong manh) đều thất bại nặng nề về doanh thu.
Ngay như phim “Người vợ cuối cùng” (Đạo diễn Victor Vũ) dù đạt hơn trăm tỷ đồng nhưng lại cũ kỹ và đơn giản về nội dung. Gần đây nhất là phim “Ngày xưa có một chuyện tình” với những khung hình đẹp như quảng bá du lịch mà ấn tượng để lại không có nhiều.
Dù là một sản phẩm hay tác phẩm, dù chỉ để phục vụ thương mại hay vì nghệ thuật lâu dài thì khán giả vẫn luôn đánh giá cao thông điệp, ý nghĩa chuyển tải của bộ phim. Hình ảnh, âm thanh rất quan trọng với nghệ thuật thị giác. Nhưng kịch bản vẫn là yếu tố đầu tiên và cuối cùng níu người xem ở lại, để cùng bàn luận, tranh luận, để quên và để nhớ.