Lan tỏa biểu tượng vương quyền triều Nguyễn

GD&TĐ - 162 mảng hình trên di sản Cửu đỉnh được các nghệ sĩ chuyển thể và sáng tạo một cách trọn vẹn tranh khắc gỗ, gốm sứ và thời trang.

Hình ảnh trên Cửu đỉnh khi đưa lên tranh khắc gỗ.
Hình ảnh trên Cửu đỉnh khi đưa lên tranh khắc gỗ.

Để di sản lan tỏa rộng hơn

Sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu và thực hành, dự án với 81 tác phẩm tranh khắc gỗ cùng các họa tiết trên gốm sứ và thêu thùa được trưng bày trong triển lãm “Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại”, diễn ra đến hết ngày 20/12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Triển lãm do PGS.TS Trang Thanh Hiền, nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan và các nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt, Phạm Tiến Thanh phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức.

Trước đó vào tháng 3/2024, dự án đã ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, ghi dấu nỗ lực tiếp nối và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại.

lan-toa-bieu-tuong-vuong-quyen-trieu-nguyen-1.jpg
Thiết kế thời trang từ các hình ảnh trên Cửu đỉnh.

PGS.TS Trang Thanh Hiền - Chủ nhiệm dự án cho biết, ngoài những bức tranh khắc gỗ, triển lãm “Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” còn có sự tham gia của các nghệ nhân gốm sứ và nhà thiết kế thời trang. Đây là lần đầu tiên, trên chất liệu gốm sứ và sản phẩm thêu tay truyền thống, những hình ảnh từ Cửu đỉnh triều Nguyễn được tôn vinh trong sắc thái và diện mạo mới.

Không dừng lại ở việc chuyển thể các hình mẫu từ Cửu đỉnh, nhóm dự án còn hướng tới sự sáng tạo bằng chất liệu mới với nghệ thuật đương đại. Việc này không chỉ đem đến góc nhìn đa chiều về các họa tiết trên bản đúc đồng Cửu đỉnh, mà còn nhấn mạnh hơi thở đương đại từ các giá trị cổ truyền.

Cửu đỉnh là một di sản văn hóa đặc biệt, không chỉ là biểu tượng vương quyền và sức mạnh, báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm trường tồn triều Nguyễn, mà còn là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của giang sơn Đại Nam, là trọng khí quốc gia.

Mỗi đỉnh được đúc nổi 17 hình ảnh, bao gồm các loại hình như thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè, vũ khí và 2 chữ Hán mang tên đỉnh.

Năm 2012, Cửu đỉnh được Chính phủ xếp hạng Bảo vật quốc gia. Tháng 5/2024, những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh triều Nguyễn chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật làm tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ và thêu thùa, nhóm dự án mong muốn “tiếp thị” Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Từ năm 2022, với mong muốn tôn vinh và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng dự án.

“Nếu chỉ là những hình ảnh tọa lạc trên di sản Cửu đỉnh, thì phải đến Huế mới có cơ hội thưởng ngoạn. Do đó, tôi và các cộng sự đã chuyển thể các hình ảnh, họa tiết thành những bức tranh khắc gỗ, để có thể dễ dàng đem những hình ảnh này đi xa hơn, lan tỏa rộng hơn”, PGS.TS Trang Thanh Hiền cho hay.

Tiếp nối truyền thống trong đương đại

PGS.TS Trang Thanh Hiền là giảng viên Khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cùng với công việc giảng dạy, chị là một nhà nghiên cứu đặc biệt say mê với mỹ thuật cổ truyền. Không những thế, chị còn là một họa sĩ chuyên sáng tác sử dụng chất liệu truyền thống và “thổi hồn” cho truyền thống thêm sức sống đương đại.

Nhiều công trình khoa học của PGS.TS Trang Thanh Hiền có tác động đến nhận thức xã hội về văn hóa và tôn giáo, như: Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam, Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ, Tranh Tết tinh hoa truyền thống Việt, Nghệ thuật tạo tác tượng Phật chùa Việt...

Năm 2023, họa sĩ Trang Thanh Hiền mở triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” gồm 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy dó và điêu khắc gỗ. Triển lãm như dấu son nhìn lại hành trình thực hành nghệ thuật của bản thân với 5 tác phẩm sáng tác năm 2002, 12 tác phẩm sáng tác năm 2022 và 27 tác phẩm sáng tác năm 2023 xoay quanh chủ đề thiền, Phật giáo, tính nữ.

Triển lãm “Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” lần này cũng không nằm ngoài ý niệm “trở về với truyền thống”. Ở đó, những bức tranh khắc gỗ mang đặc trưng của dòng tranh dân gian được thể hiện cách tinh tế và cũng rất đặc biệt.

lan-toa-bieu-tuong-vuong-quyen-trieu-nguyen-3.jpg
Hình ảnh thành cổ Quảng Bình trên Cửu đỉnh được chuyển thể lên đĩa gốm Bát Tràng do nghệ nhân Phạm Tiến Thanh thực hiện.

Những linh vật như hổ, rồng, rắn; những ngọn núi, con sông… từ cảm hứng Cửu đỉnh, khi chuyển thể trên chất liệu mới đã đem đến những sắc thái của dáng hình hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt cổ truyền, tạo nên một cuộc “đối thoại thẩm mỹ” giữa truyền thống và đương đại. Các họa tiết xưa mà vua Minh Mạng cho nghệ nhân đúc nổi trên Cửu đỉnh như một tiếng vọng ngân dài để “in hình” trên gỗ, gốm sứ và vải của thời hiện đại.

Đưa hình ảnh Cửu đỉnh ra khỏi không gian cố định, đến gần hơn với công chúng là việc cần thiết nhưng cũng là ý tưởng mạo hiểm. Nếu “bê nguyên xi” hình ảnh ấy lên tranh thì chỉ là hành động sao chép, nhưng nếu biến hóa quá đà lại dễ sa vào lối sáng tạo xa rời hiện thực. Bởi vậy, dù là cảm hứng chuyển thể nhưng sự nhận diện các giá trị văn hóa Cửu đỉnh vẫn luôn được nhóm dự án bảo lưu trong tinh thần sáng tạo đương đại.

Nghệ nhân gốm sứ Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, mất đi văn hóa chính là mất nước. Bởi vậy khi được tham gia dự án, bản thân như được sống trong dòng chảy văn hóa Việt, được cảm nhận sâu sắc về quê hương thông qua những gì là đặc trưng, là thân thuộc nhất của Việt Nam.

“Sau khi được tiếp cận các tài liệu nghiên cứu của PGS.TS Trang Thanh Hiền, bộ sưu tập “Âm vọng & LanV” đã được hoàn thiện trên chất liệu nhung, lụa tơ tằm truyền thống. Khi thiết kế, theo cảm nhận các hình ảnh trên Cửu đỉnh khá “cứng”, ngay cả trong các mẫu hoa lá, mây, sóng nước, nhưng càng ngắm nghía, tôi càng cảm nhận được sự mềm mại ẩn chứa trong đó, và tất cả ghép vào nhau tạo nên một bức tranh tươi đẹp về đất nước Đại Nam thời bấy giờ”, nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ