Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh - Học vì nước vì dân

GD&TĐ - Cách mạng tháng 8 năm 1945 thay đổi thân phận người dân Việt Nam, mở ra tương lai cho ước vọng lớn của Hồ Chí Minh và cho nhân dân ta: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội (25/11/1961). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội (25/11/1961). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cơm ăn, áo mặc là quyền sống của con người, dung dị đời thường mà sâu thẳm giá trị nhân văn. Muốn có cơm ăn áo mặc thì phải được lao động, muốn sống có ích trên đời và lao động kiếm sống thì phải có tri thức. Ham muốn của Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chỉ đạo nhân dân phấn đấu suốt 90 năm qua và còn đang tiếp tục không ngừng.

1.

Sinh ra và chứng kiến cảnh áp bức bất công, nên Nguyễn Tất Thành thấu hiểu phải tìm con đường giải phóng dân tộc, thoát khỏi nền giáo dục ngu dân.

Sinh ra trong một gia đình hiếu học, khoa bảng, nhưng lại bất phùng thời, cha đẻ của Nguyễn Tất Thành thì chán cảnh quan trường vì cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cho rằng, khi nước đã mất thì chốn quan trường lại là nơi nô lệ nhất. Điều này hoàn toàn chính xác, bởi ngay cả một số vị vua triều Nguyễn thời đó cũng đã bị thực dân Pháp đày ải sang châu Phi. 

Khi đang theo học tại Trường Quốc học Huế, do làm thông ngôn cho Phong trào Duy Tân nên Nguyễn Tất Thành bị thực dân Pháp đuổi học. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã lên án chế độ thực dân mở nhiều cửa hàng bán rượu, xây nhiều nhà tù hơn trường học. Một cuộc sống yên bình thì tiếng hát, tiếng ru, tiếng trẻ con nô đùa, học bài sẽ là biểu hiện cho hạnh phúc; nhưng cuộc sống người dân An Nam dưới thời Pháp thuộc chỉ còn tiếng trống điểm canh nặng nề, tiếng khóc than ai oán khắp thâm sơn cùng cốc. Vào những đêm trăng thanh, Nguyễn Tất Thành từng được chứng kiến cha mình cùng nhiều bậc chí sĩ yêu nước bàn chuyện cứu dân cứu nước. 

Trong tâm trí Nguyễn Tất Thành chỉ còn một điều nung nấu âm thầm là sẽ đi ra nước ngoài để tìm hiểu xem các nước làm thế nào mà có được bình đẳng, tự do, bác ái, rồi sẽ quay trở về giúp đồng bào mình có được những giá trị sống tốt đẹp như vậy. Việc học của Nguyễn Tất Thành chính là học làm người có trách nhiệm với dân với nước. Nguyễn Tất Thành nộp đơn vào học sư phạm nhưng không được chính quyền thực dân Pháp đồng ý. Trên đường vào Sài Gòn đợi thời cơ xuất bôn tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã dừng lại Trường Dục Thanh làm thầy giáo truyền dạy tư tưởng yêu nước qua những câu chuyện kể về các bậc anh hùng dân tộc dám xả thân vì nước. Những năm tháng làm bồi tàu, bồi bếp, hoạt động ở xứ người, Nguyễn Tất Thành đã tự học thông qua khảo sát thế giới, thâm nhập cuộc sống, lăn xả vào cuộc đấu tranh cách mạng

Việc học của Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh nước mất là học ý chí và khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Trong bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Véc-xây (năm 1919), Nguyễn Ái Quốc đòi thực dân Pháp phải thực thi quyền tự do học hành của người dân. Trong các lớp tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc vừa viết tài liệu, vừa làm người tổ chức, lại vừa làm giảng viên để gieo mầm hạt giống lý luận cách mạng cho những người ưu tú trong phong trào yêu nước Việt Nam, đó là tiền đề quan trọng dẫn tới thành lập chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Về sau, khi nói về sự học, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, học để làm cách mạng, học để làm cán bộ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Như vậy, việc học theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã theo ý nghĩa nhân ái, nhân văn và cách mạng, không bó hẹp học để làm quan, để vinh thân phì gia.

Bác Hồ đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (27/3/1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN
 Bác Hồ đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (27/3/1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN

2.

Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, ngay sau khi nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh đã đặt việc xây dựng nền giáo dục nhân dân thành một nhiệm vụ trọng tâm của chế độ mới.

Trước thềm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã nêu việc mang lại quyền tự do học hành cho người dân là một trong 10 điểm chính sách tiến bộ. Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh một lần nữa lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã làm cho đồng bào ta mù chữ và xã hội bị tàn phá trong các tệ nạn. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng, Hồ Chí Minh đã coi việc diệt dốt như là chống “giặc” nội xâm, một thứ giặc trong trí óc con người. Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã mong mỏi và khích lệ tinh thần học tập của những mầm non cách mạng, Người nhìn thấy tiền đồ của dân tộc Việt Nam sẽ được dựng xây dựa vào thành quả phát triển từ nền giáo dục nhân dân, nền giáo dục dân chủ, phát huy mọi tiềm năng vốn có của người học. 

Phong trào Bình dân học vụ là một phong trào cách mạng yêu nước thu hút và khích lệ được những người lầm than nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ tự thắp sáng tương lai. Nền giáo dục mà Hồ Chí Minh đặt nền tảng là giáo dục cho muôn dân, người dân ý thức tự giác vượt qua chính mình để vừa tăng gia, sản xuất vừa học thoát nạn mù chữ, chiến thắng cái dốt, vượt qua nghèo hèn. Trải qua 75 năm xây dựng nền giáo dục thực học, thực tài, Việt Nam đã qua một số lần cải cách, gần đây nhất là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mỗi lần cải cách, đổi mới có những phương thức mới, tinh thần mới, song quan điểm của Đảng về giáo dục chưa bao giờ rời xa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục nhân văn, nhân ái. Học là quyền con người, là sự chuẩn bị lâu dài nhất nguồn lực con người, tầm vóc trí tuệ và nhân cách người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sự giải phóng con người đích thực nhất chính là sự giải phóng tư tưởng, giải phóng tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người. Nhà trường, gia đình và xã hội là môi trường gieo trồng, vun xới, chăm bẵm cho trí tuệ, tâm hồn trẻ thơ, thiếu niên, thanh niên ngày một tốt đẹp. Xã hội tốt đẹp phải do những con người tốt đẹp làm chủ, muốn làm chủ xã hội được thì mỗi người phải có được vốn tri thức sống vừa căn bản, vừa phổ dụng, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Giáo dục không phải của riêng ai, đó là công việc gắn với mỗi người, với mỗi gia đình, cộng đồng hằng ngày. Nhìn cách học và niềm hạnh phúc của trẻ thơ trong từng nhà trường, sau mỗi giờ tan trường khi được cha mẹ, ông bà đón trở về nhà, ta thấy được tương lai đất nước cùng sự phồn vinh xã hội. Đương thời, Bác Hồ thường dành nhiều tâm trí và tình cảm cho thiếu niên, nhi đồng, Người đọc thư của các cháu, Người viết thư gửi các cháu, đi thăm thực tế, Người đến nhiều nhất với các cháu, với nông dân và công nhân. Trong Di chúc thiêng liêng, Người dành những điều ân cần và tình yêu thương sâu sắc nhất cho các cháu thiếu niên và nhi đồng.

Sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng. Ảnh minh họa
Sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng. Ảnh minh họa

3.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng quan điểm của Đảng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, vì mục tiêu “trồng người” là “trồng hoa” cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vì lợi ích trăm năm thì phải “trồng người”, mỗi con người là một bông hoa của đất nước. Đảng không có lợi ích nào khác là lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp cách mạng của Đảng phải do con người có kiến thức khoa học, có lý tưởng cách mạng, có lòng yêu nước thương nòi, có tinh thần đoàn kết dân tộc, dám hy sinh vì Tổ quốc. Xưa, biết bao anh hùng dân tộc đã xả thân vì tự chủ dân tộc, cứu muôn dân. Bác Hồ cùng biết bao người con ưu tú của Đảng đã nêu cao gương sáng về ý chí cứu nước, cứu dân, nay cần truyền lại, hun đúc tiếp chí khí lẫm liệt đó vào tâm trí mỗi con người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Trước hết phải giáo dục về lý luận cách mạng, đạo đức cách mạng, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; đồng thời phải giáo dục lối sống văn minh, giáo dục lòng nhân văn, nhân ái giữa người với thiên nhiên và với mọi người trong cộng đồng xã hội; hướng đạo con đường đi tìm tri thức mới, làm giàu tri thức không phải chứa đầy khái niệm mà là biết vận dụng nâng cao năng lực thích ứng, làm chủ cuộc sống. Học cần có trường lớp, cần có trang thiết bị và tài liệu, học cần có sự yêu thương, đùm bọc của thầy cô, sự sẻ chia của phụ huynh và xã hội. Môi trường sinh thái tốt đẹp cho người học chính là sự nêu gương đạo đức xã hội, sống với nhau có tình có nghĩa. 

Học là quá trình tự trang bị cho mỗi người cách làm người có ích, tự khẳng định giá trị bản thân trước cộng đồng, xã hội, học để cùng sống với thiên nhiên, con người. Những vòng nguyệt quế, những điểm số trong những cuộc thi rất đáng khích lệ, nhưng đấy chưa phải là tất cả, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chưa từng nhận một văn bằng nào, chưa nhận danh hiệu nào ngoài danh hiệu Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Để được thế giới tôn vinh, được đồng bào ta mãi tự hào biết ơn, noi theo, Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc. Như vậy, việc học tối thượng chính là học để làm rạng danh non sông đất nước mới là chân chính nhất. Khi học vì mục tiêu thánh thiện ấy, tất sẽ thấy được hình ảnh đất nước và nhân dân trong ánh dương soi sáng dẫn lối tri thức, nhen nhóm tình yêu quê hương, đất nước. Nhân dân là thầy dạy uyên bác nhất, cuộc sống là trường học vô biên nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ