Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên

GD&TĐ - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm và công sức trong việc chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ thanh  niên, lực lượng sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông. Người luôn coi đó là vấn đề rất quan trọng và rất cần thiết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, ở phần dành riêng nói về đoàn viên thanh niên, Người đã dành những lời tâm huyết căn dặn Đảng ta: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]. Đây không chỉ là lời nhắn nhủ thiết tha của một vị chủ tịch nước mà còn gửi vào đây niềm tin yêu, hi vọng vào sự đóng góp xứng đáng của thế hệ trẻ đối với tương lai tươi sáng của dân tộc.

Những đóng góp, cống hiến của thanh niên trong những chặng đường lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng.

Thực tiễn cách mạng của dân tộc đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Họ thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Ngày nay, những tấm gương, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác đều thuộc về tuổi trẻ Việt Nam.

Thanh niên hăng hái xung kích, đi đầu trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, nổi bật là hai phong trào lớn: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, được tiến hành cụ thể ở bốn chương trình hành động: “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi trường”. Trong quân đội, các mô hình “Chi đoàn xung kích huấn luyện giỏi”, “Chi đoàn rèn nghiêm, luyện giỏi, không có vi phạm kỷ luật”, “Trận địa thanh niên quyết thắng”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”… đã thu hút hàng triệu thanh niên tham gia, chủ động sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc và rèn luyện chính bản thân mình...

Ngày nay, thanh niên, thế hệ trẻ của chúng ta vẫn đang tiếp tục thể hiện được vai trò là rường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày nay, thanh niên tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh những thành tích to lớn mà thanh niên đã đóng góp cho đất nước thì hiện nay, một bộ phận thanh niên vẫn còn hạn chế về lập trường tư tưởng. chính trị, đạo đức, lối sống. Không ít thanh niên còn lúng túng, mơ hồ trong nhận thức về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn chây lười trong học tập, rèn luyện, ngại tham gia vào hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức xã hội nên đã từng bước bị thoái hoá, hư hỏng, sa vào con đường cờ bạc, nghiện ngập ma tuý, mại dâm, các trò chơi cá độ, đua xe trái phép... gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. Đảng ta nhận định: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên rất đáng lo ngại”[2].

Tình hình trên đòi hỏi Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa tới việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên, xem đây là một việc làm “rất quan trọng và rất cần thiết” như Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc của Người. Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành kỷ luật, sống có văn hoá, có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động, trở thành những công dân tốt của đất nước. Hình thành một lớp thanh niên ưu tú, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, một số giải pháp về thanh niên và công tác thanh niên cần phải được nhận thức và hành động như sau:

Một là,chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên. Trong thời kỳ mới, thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp nối các thế hệ cha anh, nguồn cung cấp nhân lực có chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để thanh niên xứng đáng với vai trò to lớn đó, cần phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hoá, văn hiến, đoàn kết cộng đồng, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, khát vọng chiến thắng nghèo nàn lạc hậu; giáo dục tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước cho thanh niên.

Giáo dục lòng yêu lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng; ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc, dòng họ, gia đình, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước, luân thường đạo lý; nâng cao nhận thức và định hướng hành động của thanh niên trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội; giáo dục tinh thần quốc tế chân chính cho thanh niên, giúp họ hiểu rõ bản chất các sự kiện và các quá trình quốc tế, nhận thức đầy đủ về thời cơ và thách thức của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới cũng như âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch.

Hai là, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng.

Vì vậy, cần tập trung xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh thực hiện tốt chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng chính trị nòng cốt trong các phong trào thanh niên và tổ chức của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ Việt Nam. Cùng với việc xây dựng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, cần phát huy vai trò của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam trong đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các cơ sở, các doanh nghiệp đầu tư với nước ngoài, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, phối hợp với các ngành có liên quan chuẩn bị cho thanh niên về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trước khi đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài; phát triển các tổ chức Đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác thanh niên trong các vùng dân tộc, tôn giáo.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên. Thực hiện Di chúc của Bác về thanh niên và công tác thanh niên, Đảng ta chỉ rõ: Công tác thanh niên không chỉ là việc của Đảng, của Đoàn mà còn là việc của Nhà nước, của mọi tổ chức, của xã hội và từng gia đình. Theo đó cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thanh niên.

Mỗi cấp uỷ đảng cần nhận thức sâu sắc việc chăm lo công tác thanh niên là xây dựng Đảng trước một bước, là quá trình xây dựng và chuẩn bị đội hậu bị tin cậy bổ sung lực lượng cho Đảng. Trong chương trình công tác định kỳ, cấp uỷ đảng cần có chương trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác thanh niên của Đảng.

Đảng lãnh đạo công tác thanh niên không chỉ bằng chủ trương, chính sách; thông qua công tác tổ chức, cán bộ mà bằng chính sự hoạt động sâu sát của tổ chức đảng, sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong phong trào thanh niên. Vì vậy mỗi đảng viên cần coi công tác thanh niên là trách nhiệm của mình.

Cần phải nhìn nhận thanh niên theo quan điểm kế thừa và phát triển, không nên xem thường hoặc có thái độ bảo thủ, thành kiến hẹp hòi trong sử dụng, đánh giá, so sánh công thần thế hệ đối với thanh niên, bởi lẽ thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu lợi ích chính đáng khác với thế hệ cha anh.

Trải qua các thời kì cách mạng, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên vẫn còn nguyên giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn. Đây là một di sản vô giá, một nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam. Di sản tinh thần quý báu đó cần tiếp tục được trân trọng giữ gìn, bảo vệ, tiếp tục được nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực hiện chiến lược con người, một trong những nguồn động lực quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 12.

[2] Đảng Cộng sản việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.