72 năm đã trôi qua nhưng chúng ta vẫn cứ ngỡ như đang được sống lại những ngày tưng bừng ấy. Những ngày mà nhà thơ Tố Hữu – một thi sĩ, chiến sĩ đã say đắm trong niềm vui bất tuyệt: “Ta đi dưới 4000 năm lịch sử/ Hôm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/ Ta đi đây với thế kỷ 20/ Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch”.
Cảm hứng cách mạng đã thành cảm xúc thi ca, cộng hưởng với muôn con tim cùng chung nhịp đập. Một niềm tự hào về lịch sử quá khứ, một niềm hân hoan, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Tất cả đã hòa chung tạo nên bản giao hưởng với muôn cung bậc hội tụ lòng người. Cách mạng tháng 8 là đỉnh cao của cao trào cách mạng qua hai cuộc diễn tập là Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) và Phong trào cách mạng dân chủ (1936-1939).
Phải trải qua một chặng đường lịch sử biết bao gian khó, hy sinh; và thời cơ đã đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Và kỳ diệu thay chỉ sau 15 ngày, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ với 15 năm tuổi đời cùng với lực lượng nhỏ bé của mình- khoảng 5000 Đảng viên lại tổ chức cách mạng thành công trên khắp đất nước Việt Nam. Thắng lợi không thể đến nếu chỉ dựa vào số lượng Đảng viên ít ỏi này mà đến từ sự chuẩn bị kiên trì 15 năm của Việt Minh: các Đảng viên cộng sản gắn bó sâu rộng với quần chúng cùng đồng cam cộng khổ hiểu được tâm tư của nhân dân. Khi thời cơ đến Đảng đã kêu gọi hàng triệu người dân nổi dậy đoàn kết ủng hộ Việt Minh.
Âm vang dòng người cuộn chảy vùng lên cướp chính quyền của Cách mạng tháng 8 đó là sự cuộn chảy từ tâm thức dân tộc, từ đồng bào ta con Lạc cháu Hồng cùng chung bọc trứng mẹ Âu Cơ. Từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược miền xuôi cùng chung ước nguyện: Độc lập, tự do.
Âm hưởng của bài ca “19/8” của nhạc sỹ Xuân Oanh đắm say lòng người: “19/8 khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hò mau diệt tan hết quân thù chung/ 19/8 ánh sáng tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng”. Trong ký ức của mình nhạc sĩ Xuân Oanh nhớ lại khi ông viết bài hát này là khi cùng hòa cuộn với dòng người trong khí thế sục sôi bừng bừng. Ông vừa đi vừa âm vang cuộn chảy những dòng nhạc đầu tiên viết trên tờ bào cũ. Viết đến đâu ông hát vang đến đó và cả dòng người hát theo ông. Cho đến khi nốt nhạc cuối cùng kết thúc mới có tên ca khúc ra đời “19/8” lấy tên ngày cách mạng cướp chính quyền ở Hà Nội.
Cũng như nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Huế tháng 8” – Một khúc ca trữ tình, lãng mạn độc đáo là khi ông đang đảm nhiệm chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Khúc cuối của bài thơ Tố Hữu đã mượn một thoáng siêu thực để diễn tả một cảnh thực siêu niềm vui bất tuyệt dẫn đến cơn say không còn hình ảnh thực nữa mà bay bổng tượng trưng: “Gió ơi gió hãy làm giông, làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi / vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt nam ! Việt Nam ! Việt Nam muôn năm!”.
Có một bộ phim truyện khá nổi tiếng tái hiện lại không khí những ngày lịch sử này là “Sao tháng 8”. Hình ảnh ngôi sao vàng không chỉ phấp phới tung bay trên lá cờ quốc kỳ đỏ tươi. Mà sao tháng 8 còn là những ngôi sao lấp lánh giữa bầu trời trong xanh mùa thu. Những ngôi sao như thân phận những con người từ “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Có thể nói cảm hứng cách mạng tháng 8 là cảm hứng của thời đại nhân lên ấp bội. Ở đây không phải ngẫu nhiên mà có sự giao hòa kỳ diệu của sông núi đất trời, của thắm tươi rạo rực muôn người. Sao tháng 8 là ngôi sao chỉ đường, sáng đường và xòe ra 5 cánh như biểu tượng cho những tầng lớp công nông liên minh
Những ngày này khi trở lại thủ đô Hà Nội, đứng trước quảng trường nhà hát lớn trong nắng thu vàng ngọt mật ong dưới những tán cây xanh xòe rộng chấp chới bao mắt lá, tôi hồi tưởng lại cách đây 72 năm sáng ngày 19/8 hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường về đây. Và 10 giờ rưỡi cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của thanh niên tự vệ của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu đã diễn ra.
Đại diện Việt Nam tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Những tấm ảnh đen trắng ngày ấy đã lưu danh vào ký ức lịch sử, ký ức của mọi người. Bắc bộ phủ vẫn còn nguyên lớp sơn, cánh cửa vào ra khép mở hằng ngày. Những dấu ấn thời gian ngày nào không thể nào phai được. Lưu giữ ký ức chính là lưu giũ tâm hồn. Lưu giữ tâm hồn chính là lưu giữ sức mạnh tinh thần sức mạnh văn hóa.
Tất cả rồi sẽ qua đi nhưng ký ức lịch sử của tâm hồn thì vẫn còn sống mãi. Tôi có dịp trở lại Tân Trào, đứng dưới gốc đa xòe tán nắng xanh cổ thụ vẫn ngỡ còn nghe vọng lại những trang hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp về những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở chiến khu Việt Bắc. Đại tướng viết: “Trước mặt toàn thể đại biểu tham dự đại hội, trước mặt toàn thể bộ đội tập hợp dưới cờ tôi thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên đọc bản quân lệnh số 1 cho giải phóng quân”.
Từ những chiến sĩ vũ khí thô sơ cho đến những binh đoàn chủ lực hiện đại ngày nay vẫn nguyên vẹn hình ảnh “anh bộ đội cụ Hồ”. Nguyên vẹn người chiến sĩ “từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu” đã góp phần làm nên thành công cuộc cách mạng tháng 8 thần kỳ rung trời chuyển đất. Một cuộc khỏi nghĩa như trào dâng sóng đổ cuốn phăng đi tất cả tàn dư của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước” được ông viết từ năm 1946-1954 là cả một sự nghiền ngẫm thấu đáo về sức lớn mạnh nội lực của đất nước. Đó là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử.
Với giọng thơ đằm sâu giàu suy tưởng nhà thơ vẫn không thể nén được tiếng reo vui hồ hởi đắm say của một thi nhân mang tâm hồn nhạc sĩ: “Rừng xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Sau 72 năm Cách mạng tháng 8 thành công, con sông Hồng, sông Mẹ, sông cái như thanh gươm cài bên hông thành phố Hà Nội vẫn đỏ nặng phù sa. Phù sa của đất, phù sa của tình người quyện chặt, trữ lượng phù sa của quá khứ truyền thống lịch sử. Sông Hồng như một biểu tượng của ăm ắp đầy và tinh khiết thắm đỏ. Đỏ như cả dòng máu bao người con thân yêu ngã xuống để giành độc lập tự do cho dân tộc. Đỏ như sự hồng hào tươi mới của các công trình xây dựng hôm nay. Và đây, một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang thay đổi diện mạo, lớn mạnh hằng ngày từ hào khí âm vang mùa thu cách mạng tháng 8 lịch sử…