Tham gia làm phim, trẻ vùng cao có cái nhìn tích cực về tương lai

GD&TĐ - Dự án Kết nối Tiềm năng lãnh đạo do ChildFund Việt Nam triển khai tại 3 tỉnh vùng núi cao: Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng đã đem lại sân chơi bổ ích cho trẻ em vùng cao. Đó là những cơ hội được làm quen với công việc làm phim và trực tiếp làm phim.

Tham gia làm phim, trẻ vùng cao có cái nhìn tích cực về tương lai

Sân chơi thu hút học sinh

Theo báo cáo của tổ chức ChildFund cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Dự án Kết nối Tiềm năng lãnh đạo đã tạo cơ hội cho khoảng 300 trẻ em và thanh thiếu niên từ 8 tuổi đến 24 tuổi của 12 xã thuộc các huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) tham gia các hoạt động làm phim.

Từ những ngày đầu hết sức bỡ ngỡ, chưa biết đến những công việc phải làm ra một bộ phim như thế nào thì đến nay các em đã biết được các quy trình, công việc làm ra một bộ phim. Hơn nữa các em còn có thể tự viết kịch bản, quay phim, các công đoạn khác... để làm ra một bộ phim.

Các bộ phim do các em làm đã nói lên được những suy nghĩ của các em về các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày với những góc nhìn đa dạng: Phản ánh đúng tâm lý lứa tuổi học trò; Nói lên những khó khăn, vất vả trong học tập và cuộc sống sinh hoạt ở vùng cao; Phản ảnh được tình hình văn hóa, xã hội tại địa phương mình...

Nhiều bộ phim còn được ban giám khảo và người xem đánh giá cao về nội dung, về cách tiếp cận, phản ánh và nhân vật diễn xuất trong phim... Để làm được những bộ phim hay như thế, các em đều được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng làm phim như: xây dựng kịch bản, quay phim và dựng phim... Ngoài ra, các em cũng được trang bị các kiến thức về sự tham gia và kỹ năng ra quyết định.

Năm 2017, các bộ phim của các em đã làm về những vấn đề có liên quan tới trẻ em như: Thiếu sân chơi, thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản, thiếu sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ ... đã được thảo luận và đánh giá cao. Đến năm 2018 này, các bộ phim các em làm lại đề cập đến những hỗ trợ tích cực của cha mẹ, thầy cô giáo và chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề: thiếu sân chơi, thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản, thiếu sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ...

Cơ hội cất lên tiếng nói

12 bộ phim do các em thực hiện đã được trình chiếu tại tại liên hoan phim trẻ em tại Hòa Bình năm 2017 và Cao Bằng trong tháng 3 vừa qua, được ban giám khảo và các thầy cô giáo đánh giá cao. Các bộ phim và phóng sự ngắn (khoảng 3-5 phút) đã nói lên tiếng nói của các em về các đề tài: Tình cảm gia đình, tình bạn và những vấn đề xã hội như bình đẳng giới, ô nhiễm môi trường, nạn buôn bán người, tảo hôn, v.v...

Bên cạnh đó cũng có các bộ phim đề cập đến những hỗ trợ tích cực của cha mẹ, thầy cô giáo và chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề trên.

Cùng với đó là hoạt động như tổ chức truyền thông nâng cao nhân thức về giáo dục; Về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Xây dựng kênh mương, hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường xá đi lại; Hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được phản ánh, thể hiện những thay đổi tích cực trong cuộc sống của trẻ em và người dân.

Bày tỏ sự vui mừng trước những bước tiến của các em học sinh vùng cao, ông Quách Đình Hạnh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Tôi rất bất ngờ vì nỗ lực tuyệt vời của các em! Với việc tiếp cận thiết bị công nghệ hiện đại, các em đã biết lựa chọn và khai thác những đề tài gần gũi về gia đình và cộng đồng, thể hiện một cách cô đọng, súc tích và chân thực với nhiều khuôn hình đẹp. Những bộ phim thực sự rất xúc động!”

Bày tỏ cảm xúc trước những quan tâm, tạo điều kiện cho các em có được sân chơi bổ ích, em em Nông Thị Quế, 14 tuổi, học sinh THCS Tự Do, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Em đã học hỏi được nhiều điều bổ ích thông qua hoạt động làm phim. Chúng em không chỉ được học các kỹ năng làm phim, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo mà còn được giao lưu với bạn bè và chia sẻ những vấn đề của trẻ em. Qua đó, em cảm thấy tiếng nói của mình được người lớn tôn trọng và lắng nghe.

Đại diện cho Child Fund Việt Nam, ông Mai Thế Long, Quản lý Vùng của Child Fund tại Hòa Bình chia sẻ: Dự án Kết nối tiềm năng lãnh đạo của Child Fund Việt Nam kéo dài từ năm 2016 đến năm 2019. Mục tiêu của dự án là nhằm “tăng cường sự tham gia, tiếng nói, tính tự đại diện của trẻ em và thanh thiếu niên để các em có cái nhìn tích cực vào tương lai và truyền cảm hứng cho các trẻ em khác trong cộng đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.