Thái Nguyên xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Ngày 13/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã xác định một số nhóm nhiệm vụ lớn đối với giáo dục trung học.

Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Năm học 2020 - 2021, Thái Nguyên giữ ổn định quy mô trường lớp, gồm 194 trường THCS với hơn 68.00 học sinh; 32 trường THPT với hơn 35.000 học sinh. Tính đến tháng  6/2021, toàn tỉnh có 82,38% trường THCS và 63,64% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Về đội ngũ cán bộ quản lí, cấp THCS có tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn là 98,18%; cấp THPT có 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Về đội ngũ giáo viên, cấp THCS có 89,65% đạt chuẩn và trên chuẩn; cấp THPT có 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Thái Nguyên đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (năm 2020).

Các trường THCS, THPT đã triển khai và xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông. Các bộ môn  có sự điều chỉnh, sắp xếp lại cấu trúc nội dung dạy học, bổ sung, cập nhật thông tin mới, phù hợp thay thế nội dung, thông tin cũ, lạc hậu. Một số đơn vị đã xây dựng được  chủ đề dạy học tích hợp, giáo dục STEM trong chương trình giáo dục.

Cuộc thi Khoa học kĩ thuật được học sinh hào hứng tham gia.
Cuộc thi Khoa học kĩ thuật được học sinh hào hứng tham gia.

Sở GD&ĐT đã cử giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng các modul tại cơ sở giáo dục; phối hợp với Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) phân công giảng viên chủ chốt phụ trách các đơn vị, phân công cốt cán hỗ trợ triển khai bồi dưỡng đại trà giáo viên phổ thông. Đến thời điểm hiện tại đã tiến hành bồi dưỡng đại trà modul 3. 

“Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, toàn ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2020 - 2021; Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục ở cả 2 cấp học; Công tác chỉ đạo chặt chẽ, bám sát thực tiễn và có định hướng rõ ràng nên chất lượng giáo dục và đào tạo phát triển vững chắc” - ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành còn gặp một số khó khăn cần giải quyết. Sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng lớp, học sinh dẫn đến nhu cầu tăng về số lượng giáo viên, trong điều kiện ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, số biên chế chưa đáp ứng đủ theo định mức, đồng thời thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần bổ sung đội ngũ giáo viên để thực hiện một số môn học mới.

Chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Thái Nguyên xác định nhóm nhiệm vụ lớn đối với giáo dục trung học, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm, như:

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Tăng cường công tác kiểm tra việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh của các cơ sở giáo dục, đảm bảo việc xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, học sinh.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của giáo viên: từ dạy học “trang bị kiến thức” sang dạy học “phát huy năng lực và phẩm chất người học”.

Triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh; chú trọng kỹ năng giao tiếp, đầu tư xây dựng môi trường ngoại ngữ nhằm tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ