Thái Nguyên khẩn trương triển khai hỗ trợ người lao động gặp khó vì Covid-19

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn do Covid-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chứng kiến đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trao hỗ trợ người lao động tại Trường Mầm non Quốc tế Hoa Trạng Nguyên
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chứng kiến đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trao hỗ trợ người lao động tại Trường Mầm non Quốc tế Hoa Trạng Nguyên

Kịp thời rà soát, nắm bắt thực tế

Để công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai đảm bảo và hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị liên ngành, thống nhất các nội dung, tham mưu trình UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện triển khai ngay việc hỗ trợ.

Đối với việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sở đã lấy ý kiến Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện/ thành về đối tượng, mức hỗ trợ, nguồn kinh phí và cách thức thực hiện; trình UBND tỉnh để áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Việc rà soát tổng hợp được triển khai đến UBND các huyện/thành; các Sở, ban, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên; Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên.

Qua rà soát thực tế, hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 1.300 nguời lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; khoảng 1.000 người lao động bị ngừng việc; hơn 8.500 người lao động tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ phải dừng hoạt động theo yêu cầu.

Số F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly y tế và số đã hoàn thành cách ly là 1.445 người, trong đó có 20 trường hợp F0, 115 trường hợp là trẻ em.

Bên cạnh đó, còn có 287 doanh nghiệp giảm từ 15% trở lên số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, với 780 người lao động bị ảnh hưởng; 585 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách với khoảng 4.500 người bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, có khoảng 2.000 hộ gia đình kinh doanh đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, cũng rất cần sự hỗ trợ.

Người lao động tại các khu công nghiệp Thái Nguyên được tặng quà hỗ trợ, tiếp sức vượt qua khó khăn do Covid-19

Người lao động tại các khu công nghiệp Thái Nguyên được tặng quà hỗ trợ, tiếp sức vượt qua khó khăn do Covid-19

Hỗ trợ người lao động vượt khó thời Covid-19

Đến nay, việc triển khai một cách khẩn trương công tác hỗ trợ của Thái Nguyên đã đem lại những hiệu quả kịp thời, với sự vào cuộc của nhiều sở ngành cũng như các địa phương.

Cụ thể, tính đến ngày 11/8/2021: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (2.970 đơn vị, 162.356 người lao động), tổng số tiền được giảm lũy kế tính đến tháng 8/2021 là gần 10 tỷ đồng, dự kiến số tiền giảm đóng tổng 12 tháng là trên 57 tỷ đồng; Các Sở, ngành, UBND huyện/thành đã tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt danh sách hỗ trợ đối với 336 đối tượng, tổng số kinh phí được hỗ trợ là hơn 823 triệu đồng.

Đối với TP. Thái Nguyên, đến nay đã có hơn 60 người lao động thuộc các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được lập danh sách đề nghị hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 255 triệu đồng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ vay trả lương ngừng việc cho 260 lao động. Đồng thời, hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể với gần 50.000 người đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng hướng dẫn các phường, xã, doanh nghiệp, trường học lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động, giáo viên, nhân viên trong các trường học dân lập khối mầm non, tiểu học phải tạm hoãn hợp đồng lao động và các trường hợp F0, F1 phải điều trị, cách ly y tế tập trung.

Mới nhất, ngày 09/8, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện/thành kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người của tỉnh Thái Nguyên cư trú tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; rà soát, thống kê, lập danh sách, phân nhóm đối tượng, xây dựng phương án hỗ trợ người dân. 

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin tới các đối tượng được thụ hưởng, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để đề nghị hỗ trợ;  Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết; Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc triển khai chính sách đối với cấp huyện/thành, các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan" - ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ