Học giả Kevin FF Quigley và Bruce B Svare của ĐH Fulbright (Mỹ) am hiểu về GD Thái Lan đã đưa ra các giải pháp có thể giúp đất nước này thoát khỏi khủng hoảng GD.
Bế tắc
Hệ thống GD bậc cao Thái Lan được xây dựng tràn lan sau khi mở rộng từ 26 lên 310 cơ sở GD trong 4 thập kỷ qua. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu Thái Lan cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, họ nghi ngờ giá trị của hầu hết các trường CĐ và ĐH ở Thái Lan nên tìm cách du học. Trước tình hình này, các trường ĐH Thái Lan khó tránh khỏi việc phải đóng cửa hay sáp nhập. Kèm với đó là cắt giảm đáng kể đội ngũ quản lý, giảng viên và nhân viên, loại bỏ các chương trình tuyển sinh thấp và không thiết yếu.
Những bế tắc trên càng trở nên trầm trọng khi đại dịch Covid-19 ập đến. Nó khiến các trường ĐH càng khó xoay xở, chưa nói đến việc tìm ra cách để phát triển, tăng tính cạnh tranh trong khu vực.
Đứng trước điều này, các trường ĐH Thái Lan tiếp tục tụt dốc trong các bảng xếp hạng thế giới và vì vậy, họ rất cần có các biện pháp hiệu quả, táo bạo và sâu rộng để cải cách hệ thống GD ĐH. Nếu được xử lý một cách chính xác, các biện pháp này sẽ là cơ hội để Thái Lan thoát khỏi sự khủng hoảng và có thể vươn lên.
Cần trở thành trung tâm GD trong khu vực
Hệ thống GD của Thái Lan nên được xây dựng để trở thành một trung tâm GD chất lượng cao cho khu vực ASEAN. Mục tiêu là Thái Lan phải cung cấp một nền GD ĐH đẳng cấp thế giới ở cả cấp độ ĐH và sau ĐH cho chính công dân của mình cũng như những người trong khu vực. Hiện tại Thái Lan vượt trội về du lịch và y tế, do vậy họ có lợi thế trong việc đưa ra một lộ trình sẵn có để hệ thống GD bậc cao bước theo.
Trước tiên, điều Thái Lan có thể làm là nâng cao chất lượng GD ĐH để giữ chân SV trong nước và thu hút thêm SV nước ngoài, cũng như đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cải thiện các quy định về nhập cư đã lạc hậu để cho phép người nước ngoài học tập hoặc giảng dạy trong thời gian dài hơn tại đây.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan khá chậm chạp trong việc thu hút sự hợp tác của các ĐH danh tiếng nước ngoài. Những định kiến và truyền thống của Thái Lan trong một thế giới kết nối toàn cầu cũng cản trở sự hợp tác với nước ngoài. 8 năm trước, Thái Lan có một dự án hợp tác quốc tế giữa ĐH Carnegie Mellon và Học viện Công nghệ Ladkrabang của Vua Mongkut. Các mối quan hệ đối tác này cần phải tăng gấp 5 lần và nên học theo tấm gương hợp tác với nước ngoài như Trường Yale – NUS ở Singapore và ĐH Duke Kunshan ở Trung Quốc.
Phải thăng hạng trên thế giới
Thái Lan phải nâng cao vị thế trong bảng xếp hạng ĐH trên thế giới trên cơ sở cải thiện việc giảng dạy bằng tiếng Anh, đào tạo GV và GD từ xa. Các trường ĐH của Thái Lan có khả năng cạnh tranh với một số trường ĐH tầm cỡ ở châu Á, tuy nhiên họ lại đứng sau các trường danh tiếng hơn ở châu lục này, đồng thời không có tính cạnh tranh bên ngoài châu lục.
Tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính ở tất cả các cấp học của Thái Lan. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu trong lĩnh vực GD, y tế, khoa học, kỹ thuật, tài chính và thương mại, do đó rất cần phối hợp đưa ngoại ngữ này vào giảng dạy cho trẻ em ở lứa tuổi nhỏ.
Thái Lan cũng phải thuê các giảng viên giỏi hơn từ trong và ngoài nước, sở hữu những kỹ năng nghiên cứu thực sự có thể giúp tăng danh mục học bổng của trường. Điều này rất quan trọng bởi vì 70% xếp hạng ĐH của bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) uy tín dựa trên chất lượng và số lượng các bài viết được đăng trên các tạp chí nói tiếng Anh nổi tiếng.
Việc dạy khả năng tư duy phản biện cũng cần được ưu tiên. Các nhà tuyển dụng trên thế giới đang tìm kiếm những cá nhân có thể làm việc theo nhóm, những người có khả năng suy nghĩ sáng tạo và giải quyết được vấn đề khó khăn. Trong khi đó cách giảng dạy của Thái Lan trái ngược với mục tiêu GD này, họ đề cao học vị giáo sư và coi đây là người không thể sai lầm và có nhiều uy quyền. Kết quả là phương thức giảng dạy chủ đạo ở Thái Lan vẫn là cho SV học vẹt. Điều này không giúp thúc đẩy tư duy phản biện, hạn chế hiệu quả học tập và làm suy yếu khả năng tìm việc làm trên thị trường toàn cầu.
Thái Lan cần áp dụng phương pháp lấy người học làm trung tâm kết hợp với lớp học đảo ngược, trong đó GV có nhiều cơ hội hơn để quan sát, tiếp xúc, hướng dẫn, đánh giá từng SV. Phương pháp này ngược lại với cách tiếp cận cũ lấy người dạy là trung tâm và truyền đạt từ trên xuống.
Thái Lan cũng phải tăng cường cam kết với GD từ xa nếu muốn trở thành trung tâm GD bậc cao trong khu vực. Điều này đòi hỏi một sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ 5G và trang bị mạng, phần cứng cho SV ở vùng sâu, vùng xa.
Chảy máu chất xám
Chảy máu chất xám diễn ra phổ biến ở GD bậc cao Thái Lan. SV giỏi từ các gia đình khá giả đều đi du học để có bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người chọn không quay lại Thái Lan vì họ biết có thể làm việc tốt hơn ở nước ngoài – nơi có cơ hội, mức lương và sự thăng tiến lớn hơn. Việc giữ người Thái Lan học tập trong nước hoặc thu hút họ trở về sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài nên là ưu tiên hàng đầu.
Hệ thống GD bậc cao của Thái Lan đang ở một ngã tư lịch sử. Một số cách làm cũ đã ăn sâu vào nền văn hóa Thái Lan, tạo ra nhiều thế hệ SV không như mong đợi và đánh mất nhiều cơ hội. Chính phủ phải quyết tâm cải thiện GD bậc cao bằng cách đầu tư vào những ý tưởng mới táo bạo nhằm nhân lên sự thành công đã có trong lĩnh vực y tế và du lịch. Điều này sẽ mang đến sự thịnh vượng cho người dân và tăng cường vị thế cho đất nước.