GD Thái Lan: Hai nửa buồn - vui

GD&TĐ - Hệ thống trường phổ thông quốc tế Thái Lan có tiếng trong khu vực khi có nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu của Mỹ và Anh. Tuy nhiên giáo dục công lập, đặc biệt là nông thôn, vẫn là câu chuyện buồn cho dù quốc gia này không tiếc tiền chi cho giáo dục…

GD Thái Lan: Hai nửa buồn - vui

Tiền chưa đủ mang lại thành công

Tiền không phải là vấn đề với giáo dục Thái Lan. Quốc gia ở Đông Nam Á này chi ngân sách “khủng” cho giáo dục. Ví dụ chi cho giáo dục chiếm 19,35% trong tổng ngân sách 2,58 nghìn tỉ baht năm 2015 – tỉ lệ cao nhất trong các khoản mục chi ngân sách.

Tuy nhiên chi ngân sách lớn không song hành với cải thiện chất lượng giáo dục. Học sinh Thái Lan vẫn có điểm trung bình thấp trong các môn quan trọng tại các kì khảo sát trình độ học sinh quốc tế.

Kết quả thấp nói trên cho thấy học sinh Thái vẫn tụt hậu so với bạn đồng lứa tại các nước láng giềng ở các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh.

Hệ thống giáo dục Thái Lan chỉ xếp thứ 35 trong 40 nước được khảo sát trong báo cáo về xu hướng giáo dục thế giới 2014 do tổ chức Pearson Education biên soạn.

Trong Chương trình khảo sát học sinh quốc tế (PISA) gần đây nhất năm 2016, Thái Lan chỉ xếp thứ 55 trong số 72 quốc gia tham gia đánh giá. Về Toán và Khoa học, Thái Lan chỉ xếp thứ 54; còn ở kĩ năng đọc thì xếp thứ 57.

“Không phải vấn đề là thiếu bao nhiêu tiền mà là tiền được sử dụng hiệu quả như thế nào – đó mới là vấn đề” – theo Tongliamanark, chuyên gia Vụ Ngân sách, Bộ Giáo dục.

Những hố sâu bất bình đẳng

Điều gì dẫn tới sự yếu kém của hệ thống giáo dục Thái Lan? Theo các chuyên gia giáo dục thì nguyên nhân chính là sự bất bình đẳng kéo dài ở mọi cấp học trong hệ thống giáo dục.

Vấn đề bất bình đẳng đang đè nặng lên các trường tiểu học và THCS quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn. Mỗi trường nhỏ có chưa tới 20 học sinh mỗi khối lớp. Tại Thái Lan có 15.224 trường được xếp vào dạng trường này.

Mặc dù số trường nhỏ đã giảm hơn 20% kể từ năm 1993, loại trường này vẫn chiếm đa số trong hệ thống trường học chung.

Các trường học nhỏ thiếu ngân sách cần thiết cũng như giáo viên để tăng chất lượng giáo dục. Thường một giáo viên phải dạy nhiều môn…

Hệ quả là học sinh trường nhỏ đạt điểm thấp hơn so với học sinh trường lớn hơn. Điểm khảo sát PISA 2012 cho thấy có sự tiến bộ lớn hơn về điểm số của học sinh các trường ở thành phố lớn so với các trường nhỏ tại những thành phố nhỏ.

Những trường ở thành phố lớn tiến bộ với tỉ lệ 21,3% trong kì khảo sát mới nhất; trong khi trường nhỏ tụt lại sau với mức độ tiến bộ chỉ đạt 16,1%.

Trong khi kết quả giáo dục ở trường công lập nói chung phủ màu ảm đạm thì khu vực giáo dục quốc tế tại Thái Lan dường như “miễn nhiễm” hoàn toàn. Năm này qua năm khác, những trường quốc tế hàng đầu tiếp tục cho “ra lò” những học sinh xuất sắc trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu tại Anh và Mỹ.

Bất bình đẳng giáo dục vượt qua cả bậc phổ thông để hiện diện ở bậc học cao hơn – đại học. Trong hơn 173 trường đại học, chỉ một số ít trường được những sinh viên hàng đầu Thái Lan khao khát.

Điều này để lại một khoảng trống khổng lồ về chất lượng sinh viên trong các trường đại học khác. Trong khi đó, chính sách quốc gia đối với GD đại học vẫn là tập trung đầu tư cho các trường ĐH tốp đầu.

Sự phân bổ ngân sách đại học dựa vào chất lượng đào tạo của các trường càng khiến hố sâu bất bình đẳng thêm nới rộng.

Thái Lan đang mắc kẹt trong một nghịch lí giáo dục: Nên tập trung đầu tư cho những học sinh xuất sắc nhất thi thố trên trường quốc tế hay quan tâm tới những học sinh bị tụt lại sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...