Cụ thể, theo hướng dẫn này, ngành giáo dục Thái Bình tiếp tục triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn tại văn bản số 5807/BGDĐT-CNTT của Bộ GDĐT; triển khai giải pháp trường học điện tử, lớp học điện tử (các giải pháp giáo dục thông minh) ở những nơi có điều kiện, đảm bảo tính hiệu quả.
`Cùng với đó,đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học. Triển khai phương thức dạy học trực tuyến (tăng cường đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đường truyền internet, phần mềm, học liệu và tập huấn giáo viên, học sinh áp dụng dạy học trực tuyến hiệu quả). Triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT trong kiểm tra, đánh giá (xây dựng ngân hàng câu hỏi, phần mềm khảo thí và các điều kiện triển khai).
Các cơ sở giáo dục Thái Bình cũng được yêu cầu tích cực xây dựng học liệu dạy học trực tuyến, chú trọng xây dựng bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu 3D, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, sách điện tử tương tác, ... đóng góp vào kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa (tại địa chỉ igiaoduc.vn).
Tăng cường vai trò của các tổ chuyên môn trong nhà trường giúp hiệu trưởng đánh giá nội dung học liệu số trước khi đưa vào sử dụng; rà soát, đánh giá, hoàn thiện các mô hình, giải pháp, phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đặc biệt là dạy học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, phù hợp điều kiện ở từng địa phương.
Lựa chọn các giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến (dạy học trực tuyến đồng bộ, dạy học trực tuyến không đồng bộ), phần mềm kiểm tra đánh giá, phần mềm kho học liệu số, phần mềm thư viện số theo hướng tổng thể, đồng bộ, kết nối trao đổi dữ liệu với phần mềm quản lý trường học theo mã định danh, phục vụ có hiệu quả việc tổ chức và quản lý được các hoạt động dạy học trực tuyến.