Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: năm học vừa qua, sở GD&ĐT luôn chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh về các phương án chỉ đạo tổ chức hoạt động dạy học; đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, bảo đảm theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bảo đảm đủ thời lượng cho các môn học, hoạt động giáo dục và kết thúc năm học theo đúng kế hoạch
Với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, sở GD&ĐT đã phối hợp thực hiện dạy học trên truyền hình với nội dung là các chuyên đề, chủ đề ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hay bài mới (tùy theo từng khối, lớp, môn, thời điểm). Tổng số tiết đã thực hiện là 224 tiết.
Đồng thời, sở GD&ĐT cũng phối hợp với sở Thông tin & Truyền thông, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng nguồn học liệu mở trên website: dayhoctructuyen.thaibinh.gov.vn (với tổng số 7.537 tài liệu DPF và 3.035 video bài giảng) để hỗ trợ tài liệu cho giáo viên và giúp học sinh tự học tập tại nhà.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Hiển, năm học vừa qua, chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh giỏi trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 41 giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia (tăng 29,13% so với năm học 2015-2016 và tăng 0,16% so với năm học 2018-2019). Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp toàn quốc, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng có nhiều dự án đạt giải cao.
Đặc biệt, phổ điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Thái Bình xếp thứ 11/60 tỉnh (tăng 5 bậc so với năm 2019 và 8 bậc so với năm 2018). Nhiều học sinh đạt điểm tối đa các môn thi (151 bài thi đạt điểm 10). Học sinh Nguyễn Văn Kiên, THPT Phụ Dực, đạt điểm cao nhất toàn quốc khối A00 (29,75 điểm). Một số môn thi lọt tốp 10 địa phương có điểm trung bình theo môn học cao nhất (Toán xếp thứ 5, Hóa học xếp thứ 6, Lịch sử xếp thứ 10).
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021, ông Nguyễn Viết Hiển cho biết: Giáo dục tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp; đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, yêu nghề, có đạo đức, tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức trách nhiệm công dân đối với gia đình – nhà trường – xã hội cho học sinh phổ thông.
Thái Bình cũng sẽ thực hiện các giải pháo tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục...