Tết sớm ở Hy vọng
Bữa tiệc tất niên ở Trường Hy vọng (Hope School) năm nào cũng tổ chức sớm, thường là qua rằm tháng Chạp. Như năm nay, chương trình bắt đầu từ ngày 27/1 bằng tiết mục văn nghệ. Mở màn là tiết mục nhạc kịch do học sinh tự chuẩn bị. Các em lên ý tưởng, lựa chọn kể về hành trình trưởng thành tại Trường Hy vọng cho đến khi về nhà đón Tết. Nhiều tiếng cười nhưng cũng đan xen khoảng lặng, có em lén lau nước mắt…
Tại TPHCM, Tết Hy vọng cũng đến với nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn qua các chương trình của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội. Ngày 27/1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức chương trình Cây mùa xuân “Thắp sáng lòng nhân ái” lần thứ 23 mừng Xuân Giáp Thìn, trao tặng quà Tết cho khoảng 1.500 người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt. Trước đó, chương trình “Mang Xuân đến - Tết cho em” do Hội đồng Đội Thành phố phối hợp với các doanh nghiệp tặng 200 phần quà (1 triệu đồng/phần) đến 200 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, trẻ diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không khí những ngày giáp Tết Nguyên đán ở các vùng quê trên mọi miền đất nước còn được tái hiện qua các gian hàng tạp hóa mang tên Hy vọng. Các học sinh Trường Hy vọng mua bán những đặc sản vùng miền được thầy cô và nhà hảo tâm tặng cho nhà trường. Mỗi em được phát tem phiếu để có thể mua hàng thỏa thích.
Sau các tiết mục văn nghệ và tiệc tất niên, học sinh Trường Hy vọng cùng nhau gói bánh chưng, nem… dưới sự hướng dẫn của cô chú đến từ nhiều đơn vị cùng tham gia tổ chức chương trình. Em Nguyễn Linh Anh – học sinh nhà trường cho biết: “Em rất hào hứng khi lần đầu được gói bánh chưng. Khó nhất là xếp lá và buộc bánh chưng sao cho lá không bị bung, bánh vẫn vuông vức và chặt. Tết nay, nếu trong nhà làm bánh em sẽ cùng gói”.
Nhiều học sinh của Trường Hy vọng còn trải nghiệm cảm giác thức đêm canh lửa cho nồi bánh chưng, đi ăn kem, uống trà sữa vào giờ khuya để chờ cho thêm nước. Tết sớm ở Trường Hy vọng càng rộn ràng hơn với màn bắn pháo hoa nhiều màu sắc.
Anh Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc dự án Trường Hy vọng cho biết: “Năm thứ 3 học trò của trường đón Tết sớm ở Đà Nẵng. Mỗi năm sẽ có cảm xúc khác nhau khi các em được đón chào những cô, chú yêu thương mình từ xa trở về và vui chơi, chia sẻ với các bạn hành trình một năm qua với nhiều tình cảm gắn bó”.
Hành trang về quê đón Tết của em Mấu Quốc Sa. Ảnh: NTCC |
Gửi hy vọng về muôn nơi
Mấu Quốc Sa - người Raglai là em út của Trường Hy vọng. Đầu tháng 8/2023, Mấu Quốc Sa một mình ra Đà Nẵng, tự ký tên mình vào hồ sơ nhập học Trường Hy vọng. Hành trang ra Đà Nẵng của Sa do các cô ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn (Khánh Hoà) chăm chút, chuẩn bị. Anh chị của Sa cũng khó khăn, chỉ đủ tiền để tiễn Sa xuống Nha Trang rồi em một mình lên tàu, nhập chung đoàn các anh chị khác cũng là trẻ mồ côi vì Covid-19 đến trường nội trú.
Trước khi lên tàu về quê ăn Tết, Sa nói với thầy Quyền: “Con về nhà chẳng biết ở với ai. Nhà con không còn bố, chẳng còn mẹ. Tết này là Tết đầu tiên của con có gia đình Hy Vọng”. Hành trang về quê đón Tết của Sa, ngoài chiếc bánh chưng còn có con gấu bông và chiếc xe ô tô đồ chơi. Đây là những “người bạn” chơi cùng Sa trong kỳ nghỉ Tết sắp đến. Em không còn thui thủi một mình trong căn nhà gỗ trên núi như 2 năm vừa qua, mỗi lúc nhớ mẹ thì khóc, có khi đi ngủ với cái bụng lép kẹp.
Hơn 200 bạn nhỏ mồ côi trong đại dịch Covid-19 về quê ăn Tết mang theo nhiều yêu thương, cả sự kỷ luật và đoàn kết. Chuyến tàu về TP Hồ Chí Minh luôn rộn ràng và đông vui nhất, chiếm luôn 2 khoang chỉ có màu áo xanh Hy vọng. Những cái ôm, vẫy tay, lời dặn dò của các trung đội. Những “hoper” bé không muốn xa thầy, cô; bịn rịn mãi chẳng muốn về.
Hành trang của 2 anh em Lưu Gia Nghi, Lưu Hữu Nghị trở về nhà ở TPHCM đón Tết còn có thêm 2 chiếc bánh chưng được nhà trường gửi thắp hương bố, mẹ. Bố mất sau cơn tai biến, mẹ mất vì Covid-19, không còn sự bảo bọc của người thân, Nghị nghỉ học giữa chừng, đi làm thuê lấy tiền nuôi em gái tiếp tục hoàn thành chương trình lớp 9. Anh Hoàng Quốc Quyền nhiều lần tìm đến nhà Nghị, thuyết phục người thân để 2 anh em Nghị gia nhập mái ấm Hy vọng, để đường học không bị đứt đoạn, không phải lăn lóc mưu sinh quá sớm. Cuối tháng 8/2022, Nghị và em gái đồng ý ra Đà Nẵng học tập sau khi gửi tro cốt của mẹ cho người thân lo hương khói.
Anh Hoàng Quốc Quyền cho hay: “Tết này, mỗi học sinh của Trường Hy vọng đều lựa chọn cho mình một nơi để về với đủ đầy yêu thương. Có em về với ông bà, cô dì, bác hàng xóm, ba hoặc mẹ, anh, chị… Dù ở Trường Hy vọng, các em nhận được nhiều yêu thương từ thầy cô, cộng đồng, xã hội nhưng vẫn có nơi chốn thuộc về mình. Là quê ba, mẹ, là nhà của ông bà…”.
Những học sinh Trường Hy vọng ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ về nhà ăn Tết sau cùng. Ở gần hơn, các em có thêm nhiệm vụ tổng vệ sinh khu ở, ăn; kiểm tra đồ đạc và sắp đặt mọi thứ ngăn nắp, đúng nơi quy định. Từ thành phố đáng sống, học sinh Trường Hy vọng tỏa đi muôn nơi để đón Tết đoàn viên, mang theo nhiều câu chuyện về sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia.
Anh Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc dự án Hy vọng chia sẻ, Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến các em nhỏ. Dù là F1, F2, F3 hay F4, trên hành trình mang những đứa trẻ ấy về trường, các thầy cô đã quặn thắt lòng với nhiều câu chuyện thương đến xót xa. Có cậu bé 10 tuổi đã bỏ học, ở nhà vùi đầu vào game. Có em tắt hẳn nụ cười, không nói chuyện với ai bởi chứng kiến cảnh cha tự vẫn sau cái chết đột ngột vì Covid-19 của mẹ. Lại có em bỏ ngang chuyện học hành vì sang chấn tâm lý, điều kiện gia đình quá khó khăn… Trường Hy vọng được lập ra để nuôi những đứa trẻ kém may mắn ăn, học. Và hơn thế, đó là gia đình lớn của các em, cùng xoa dịu những nỗi đau và nhân lên hy vọng.