Học sinh mồ côi vì Covid-19: Khắc khoải… đường đời

GD&TĐ - Cơn bão Covid-19 càn quét TPHCM khiến nhiều học sinh rơi vào cảnh bố, mẹ lần lượt ra đi mãi mãi. Thậm chí có em mất luôn cả ông bà, không còn người thân bên cạnh, phải về quê nương tựa bà con…

Lãnh đạo phường Tam Phú và đại diện nhóm các nhà hảo tâm trao quà và tiền hỗ trợ cho hai anh em
Bảo và Ân tại phường Tam Phú, TP Thủ Đức.
Lãnh đạo phường Tam Phú và đại diện nhóm các nhà hảo tâm trao quà và tiền hỗ trợ cho hai anh em Bảo và Ân tại phường Tam Phú, TP Thủ Đức.

14 tuổi, thành trụ cột gia đình

Nguyễn Đức Bảo, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) có cả ba lẫn mẹ lần lượt qua đời vì dịch Covid-19.

Bảo là con trai của thầy Nguyễn Văn Châu (giáo viên dạy Toán đã nghỉ hưu của Trường THCS Linh Đông) và cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên đã nghỉ hưu của Trường Mầm non Hương Sen). Chuyện không thể tin nhưng lại là sự thật, chỉ trong vòng 1 tháng, Bảo mồ côi cả cha lẫn mẹ, trở thành trụ cột, chăm sóc cho người anh trai tên Ân mắc hội chứng Down.

Ba của Bảo ra đi đột ngột vào sáng ngày 7/8 sau 1 tuần vật lộn với sốt cao. Trước đó, thầy Nguyễn Văn Châu đi tiêm vắc-xin nên gia đình nghĩ chỉ là phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, khi cơn sốt lên cao dài ngày, gia đình lo lắng gọi xe cấp cứu tới thì ông đã gục xuống khi vừa mặc xong chiếc áo. Nhân viên y tế test nhanh, cả 3 mẹ con Bảo đều dương tính.

Mẹ Bảo chứng kiến sự ra đi đột ngột của chồng quá sốc, lên cơn khó thở. Sau đó, xe cấp cứu đưa 3 mẹ con Bảo vào Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2. Khi sức khỏe của anh em Bảo chuyển biến tốt và được cho về thì mẹ em phải chuyển lên Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. Đến ngày 22/8, Bảo nhận tin mẹ không qua khỏi.

Ba mẹ mất, nam sinh lớp 11 trở thành trụ cột và chăm lo cho anh trai, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Người anh trai vẫn hay hỏi em trong mỗi bữa cơm: “Mẹ đâu rồi, sao mẹ lâu về vậy?”, khiến Bảo phải kìm nỗi đau, dỗ anh: “Ngoan ăn rồi ngủ giỏi đi, mai mốt mẹ về”.

Đồng cảnh ngộ, nhưng may mắn hơn Bảo là trường hợp em Lê Thị Thủy Tiên - học sinh lớp 2/5 Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo (Quận 8). Gia đình em có 5 thành viên, gồm ba mẹ cùng 3 chị em là Lê Thị Thúy Huỳnh (sinh năm 2012), Lê Thị Thủy Tiên (sinh năm 2014) và Lê Quốc Duy (sinh năm 2017).

Tiên và Huỳnh học cùng trường, còn Duy học tại Trường Mầm non Bé Thông Minh. Mọi chi phí sinh hoạt và tiền học của 3 chị em đều từ tiền lương của ba mẹ. Ba của các em là anh Lê Quốc Phong không may bị nhiễm Covid và qua đời vào ngày 28/7. Từ đó đến nay mọi chi phí học tập và sinh hoạt của 3 chị em, chỉ còn dựa vào đồng lương ít ỏi của mẹ.

Chị Lê Ngọc Thúy - mẹ của 3 em chia sẻ: “Hôm đó, 2 vợ chồng tôi thấy mệt, sau đó đi xét nghiệm thì phát hiện bị nhiễm Covid-19 vào ngày 19/7. 1 tuần sau y tế địa phương xuống test, phát hiện thêm bà ngoại và đứa con trai cũng bị nhiễm. Ngay sau khi hay tin mẹ vợ và con trai bị nhiễm Covid, chiều hôm đó chồng tôi trở nặng, xe cấp cứu chuyển tới cổng Bệnh viện Chợ Rẫy thì anh tắt thở. Hiện do dịch nên công ty cũng tạm ngưng chưa hoạt động trở lại. Trước mắt, tôi tiếp tục ở lại TPHCM lo cho các con ăn học”. 

Khánh Như (ảnh trái) và Đăng Huy đang làm quen cuộc sống mới tại nhà của ông bà ngoại ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Khánh Như (ảnh trái) và Đăng Huy đang làm quen cuộc sống mới tại nhà của ông bà ngoại ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. 

Không nơi nương tựa

Khánh Như, 13 tuổi cũng rơi vào nghịch cảnh khi làn sóng Covid-19 quét qua thành phố, mang đi cả bố, mẹ và ông nội.

Ba và mẹ Như lần lượt nhiễm Covid-19. Sáng 20/7, mẹ Như được ông nội chở đến viện còn ba nằm ở nhà. Mẹ vừa đi khỏi thì ba em trở nặng. Tối đó, khi xe cấp cứu đến, nhân viên y tế kiểm tra và thông báo: “Ba con ngừng tim rồi”. 6 tiếng sau khi ba qua đời, Như nhận tin mẹ đã mất. Người thân gần gũi nhất còn lại của Như là ông nội. Nhưng ba ngày sau, nội cũng trút hơi thở cuối cùng. Không còn ai nương tựa tại Sài Gòn, Khánh Như và em trai Đăng Huy (7 tuổi) về sống, bắt đầu năm học mới với ông bà ngoại tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

Bà Nguyễn Thị Hường, bà ngoại của chị em Như nhận ra những bất ổn của các cháu. Đến giờ, bé Huy vẫn chưa biết cha mẹ đã đi xa. Lúc không chịu chơi, cậu bé sẽ đòi mẹ. Tuy nhiên, ông bà lo cho Như hơn cả. Bởi, em thường ở trong phòng, nhiều lúc hét lên mất kiểm soát. Như thổ lộ, em rất nhớ mọi thứ về ba người thân yêu nhất, nhưng không cho phép mình xả hết cảm xúc vì phải giấu sự thật với em Huy.

Nhẹ hơn trường hợp của Như, nhưng cũng đầy thương cảm là em Nguyễn Quỳnh Anh - học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đông (Quận 8), Nguyễn Tiếng Anh - lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Định… Cha mất ngày 27/7 do mắc Covid-19 còn mẹ đang thất nghiệp, cuộc sống hai em nhiều khó khăn.

Ba của hai em là thầy Nguyễn Văn Tiếng - Hiệu trưởng Trường THCS Dương Bá Trạc, Quận 8. Trước đó, ông có thâm niên 9 năm làm Hiệu trưởng Trường THCS Bình Đông (Quận 8).

Chị Nguyễn Thị Sen - mẹ của hai em xúc động nói: “Đến bây giờ cả nhà cũng không biết anh mắc Covid như thế nào. Trước khi phát bệnh, chồng tôi có đi xét nghiệm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với kết quả âm tính. Nhưng mấy ngày sau anh thấy mệt. Sau đó bệnh trở nặng, gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 115, sau khi bác sĩ kiểm tra phát hiện chồng tôi dương tính. Nằm ngoài hành lang chờ nhập viện đến chiều thì anh tắt tắt thở”.

Trụ cột gia đình mất, chị Sen không biết xoay xở ra sao để lo cuộc sống của 3 mẹ con. “Lâu nay, tôi ở nhà nội trợ lo đón 2 cháu đi học. Giờ ba hai cháu mất, tôi cũng không biết làm gì để mưu sinh. Hiện nhà ở nhờ trong phần đất của ông bà nội, sắp tới nếu má chồng tôi không còn, ba mẹ con không biết tính thế nào, các cháu học hành ra sao…” - chị Nguyễn Thị Sen nghẹn ngào chia sẻ.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng: Trường học cần quan tâm đến học sinh, nhất là trẻ nhạy cảm, yếu thế với những tổn thương tâm lý liên quan đến đại dịch Covid-19. Hơn ai hết, mỗi thầy cô cần tìm hiểu, thấu cảm, đồng hành, sát cánh và nâng đỡ các em. Không chỉ nâng đỡ về học hành, mà còn là cảm xúc, thái độ và nhất là niềm tin của các em vào cuộc sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.