Kẻ gian đột nhập
Bức tranh nàng Mona Lisa nổi tiếng của họa sĩ thời Phục hưng người Italy Leonardo da Vinci hiện được cất giữ sau lớp kính chống đạn tại Bảo tàng Louvre. Ít ai biết cũng tại bảo tàng này, vào năm 1911, bức tranh đã bị đánh cắp bởi một tên trộm người Italy, Vincenzo Peruggia.
Mona Lisa là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của danh họa người Italy Leonardo da Vinci. Đây là bức tranh được canh giữ và bảo quản nghiêm ngặt nhất thế giới, được mua bảo hiểm hơn 700 triệu USD. Khách tham quan không được sờ, lại gần bức tranh. Họ phải xếp hàng để được chiêm ngưỡng nàng Mona Lisa nhưng không được dừng lại quá lâu. Bức tranh từng nhiều lần bị phá hoại. Gần đây nhất hồi năm 2022, bức tranh bị tạt kem nhưng không bị ảnh hưởng do lớp kính chống đạn.
Câu chuyện có lẽ đã chìm vào quên lãng vì các tác phẩm nghệ thuật hầu như bị đánh cắp mỗi ngày. Tuy nhiên, “Mona Lisa” là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới và trong nhiều thập kỷ, nó đã nằm yên trong căn phòng lớn nhất của Bảo tàng Louvre. Sự biến mất và được tìm thấy chỉ khiến bức tranh càng thêm nổi tiếng.
Được mô tả là vụ trộm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử, sự kiện xảy ra vào 21/8/1911 nhưng các chi tiết còn mơ hồ. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản giới truyền thông và công chúng kịch tính hóa, lãng mạn hóa và mường tượng về cách các sự kiện diễn ra. Nhiều lời kể về thời điểm và cách thức đã được lan truyền, tạo nên câu chuyện hoàn chỉnh về vụ trộm nghệ thuật lớn nhất thế kỷ 20.
Tối Chủ nhật, ngày 20/8/1911, một người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, có ria mép bước vào căn phòng Salon Carré của Bảo tàng Louvre, nơi bức tranh Mona Lisa được trưng bày cùng nhiều kiệt tác khác.
An ninh trong bảo tàng khi đó rất lỏng lẻo nên người đàn ông có thể dễ dàng trốn trong tủ đựng đồ. Sau cả đêm ẩn náu, vào khoảng 7 giờ 15 phút sáng hôm sau, anh ta xuất hiện trong bộ đồng phục tạp dề trắng của nhân viên bảo tàng.
Nhân lúc không có người, người đàn ông nhẹ nhàng tháo chốt sắt bao quanh 4 góc khung và nhấc bức tranh Mona Lisa ra khỏi tường, mang ra cầu thang phụ gần đó. Tại đây, anh ta tháo vỏ kính và khung tranh, lấy đi bức tranh, bọc trong áo khoác và thoát ra ngoài. Bức tranh có kích thước khoảng 53x77 cm nên kẻ trộm có thể dễ dàng giấu nó bên dưới chiếc áo khoác dáng dài.
Tuy nhiên, cửa ra vào gần cầu thang phụ lại bị kẹt. Người đàn ông phải đặt áo khoác xuống sàn để tìm cách mở cửa. Lúc này, người thợ sửa ống nước trong bảo tàng đi qua, tưởng là đồng nghiệp nên nhiệt tình giúp mở cánh cửa. Với một lời cảm ơn thân thiện, người đàn ông dễ dàng tẩu thoát cùng bức tranh trị giá hàng triệu USD.
Tin tức bùng nổ
Trong hơn một ngày sau đó, các nhân viên bảo tàng không hề biết bức tranh đã bị đánh cắp. Các tác phẩm thường được tháo khỏi nơi trưng bày để vệ sinh hoặc chụp ảnh nên họ không mấy để ý đến khoảng trống đặt bức Mona Lisa.
Đến khoảng trưa ngày 22/8, một du khách muốn ngắm nhìn tác phẩm của Leonardo da Vinci nên đã yêu cầu nhân viên bảo tàng mang tranh đến. Lúc này, cả bảo tàng mới bừng tỉnh và phát hiện Mona Lisa bị đánh cắp.
Cảnh sát lập tức có mặt và phát hiện khung tranh bị vứt bỏ ở cầu thang. Ngay trong buổi tối, một quan chức bảo tàng đã thông báo về vụ trộm: “Bức Mona Lisa đã biến mất. Cho đến nay, chúng tôi chưa có manh mối nào”.
Ngày 23/8/1911, tờ New York Times đăng tải tin tức: “Kiệt tác của Leonardo da Vinci – Mona Lisa – đã biến mất khỏi Bảo tàng Louvre. Khung tranh được tìm thấy trên cầu thang. Bức tranh không bị cắt từ khung tranh mà được lấy ra rất cẩn thận. Các thám tử đang điều tra. Người ta ước tính bức tranh được trả giá 5 triệu USD”.
Bất chấp chỉ trích của giới truyền thông, cảnh sát đưa ra được rất ít manh mối khả quan. Nghi phạm lớn nhất là nhà thơ Guillaume Apollinaire, người từng kêu gọi thiêu đốt Bảo tàng Louvre. Ông bị bắt vào tháng 9/1911 sau khi cảnh sát nghi ngờ ông đứng sau vụ trộm 2 bức tượng cổ của bảo tàng từ trước đó. Tuy nhiên, sau này Apollinaire đã được minh oan.
Trong thời gian cảnh sát điều tra vụ án, hàng nghìn người đã kéo đến Bảo tàng Louvre chỉ để nhìn bức tường trống trơn, nơi nàng Mona Lisa từng được treo. Ngày tháng trôi qua, những suy đoán về tung tích của bức tranh xuất hiện tràn lan.
Tờ New York Times đưa tin “một lượng lớn công dân đã trở thành Sherlock Holmes nghiệp dư và đưa ra những giả thuyết phi thường”. Một số người cho rằng ông trùm ngân hàng người Mỹ JP Morgan đã sai người thực hiện vụ trộm để bổ sung cho bộ sưu tập nghệ thuật của mình.
Số khác cho rằng có người cố tình đánh cắp bức tranh để làm mất mặt người Pháp. Hơn 2 năm trôi qua, sự mất tích của nàng Mona Lisa vẫn còn bỏ ngỏ, khiến nhiều người tin rằng kiệt tác 400 năm tuổi của da Vinci đã vĩnh viễn bị đánh cắp.
Cảnh sát không hay biết rằng bức tranh vẫn nằm trên đất Pháp. Thực tế, từ ngày bị đánh cắp, bức tranh đã nằm im trong căn hộ một phòng ngủ ở ngoại ô Paris. Kẻ trộm Vincenzo Peruggia, 30 tuổi, là người nhập cư gốc Italy. Anh ta từng làm thợ sửa chữa tại Bảo tàng Louvre, thậm chí còn giúp dựng khung bảo vệ cho bức tranh Mona Lisa.
Giao dịch bất thành
Sau khi lấy trộm kiệt tác vào tháng 8/1911, người đàn ông đã giấu bức tranh trong một chiếc vali gỗ có đáy bí mật tại nhà riêng. Vì là cựu nhân viên bảo tàng, nên Vincenzo Peruggia bị cảnh sát phỏng vấn 2 lần riêng biệt nhưng đều không thu được manh mối nào và cũng không bị coi là nghi phạm. Vincenzo giấu bức tranh trong 2 năm để chờ vụ lùm xùm lắng xuống.
Sau này, Vincenzo kể lại: “Tôi đã trở thành ‘nạn nhân’ của nụ cười ấy. Tôi ngắm nghía kho báu của mình mỗi tối. Tôi đã yêu cô ấy”.
Vincenzo đã cố gắng bán bức tranh vào tháng 12/1913. Sử dụng bí danh “Leonard”, anh ta gửi một lá thư cho nhà buôn người Italy tên là Alfredo Geri với nội dung thông báo anh đã đánh cắp bức tranh Mona Lisa và muốn trả nó về Italy. Sau khi trao đổi với ông Giovanni Poggi - Giám đốc Phòng trưng bày Uffizi, Geri đã mời Vincenzo đến thành phố Florence, Italy để xem bức tranh.
Vài ngày sau, 3 người đàn ông tập trung tại phòng khách sạn của Vincenzo, nơi anh ta lấy ra một vật thể bí ẩn bọc trong lụa đỏ. Theo lời mô tả của Geri, họ đặt bức tranh lên giường và trước con mắt kinh ngạc của 3 người, nàng Mona Lisa thần thánh xuất hiện.
Bức tranh còn nguyên vẹn, được bảo quản một cách chỉn chu. Họ lập tức sắp xếp để đưa bức tranh đến trưng bày tại Uffizi và trao cho Vincenzo 500 nghìn lire theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, vụ giao dịch chỉ là giả mạo. Hai nhà buôn tranh vốn không có ý định mua Mona Lisa. Thay vào đó, sau khi kiểm chứng bức tranh là thật, họ đã trình báo kẻ trộm với chính quyền.
Chiều ngày 11/12/1912, Vincenzo bị bắt tại khách sạn ở Florence (Italy). Sau chuyến tham quan ngắn ngày đến quê hương của da Vinci, bức tranh Mona Lisa được trao trả cho Bảo tàng Louvre vào tháng 1/1914. Còn Vincenzo bị buộc tội trộm cắp và xét xử tại Italy.
Trong lời khai của mình, Vincenzo nói rằng lòng tự hào dân tộc đã thôi thúc hắn ta đánh cắp bức tranh, mà Vincenzo tin rằng đã bị cướp khỏi quê hương Italy trong thời kỳ Hoàng đế Napoleon. Hắn ta đã nhầm lẫn về lịch sử bức tranh. Trên thực tế, năm 1516, da Vinci đã mang bức tranh đến Pháp và Vua Francois I đã mua lại kiệt tác một cách hợp pháp.
Cơ quan chức năng không tin lời giảo biện của Vincenzo. Họ liên tục đặt câu hỏi về động cơ của vụ án nhưng kẻ trộm không hé một lời.
“Anh hùng” bất đắc dĩ
Tuy nhiên, lời biện hộ của Vincenzo đã giành được vô số ủng hộ. Có thể, từ đầu Vincenzo đã muốn bán bức tranh nhưng khi tin tức về vụ trộm lan truyền trên toàn thế giới và cảnh sát treo thưởng lớn cho người tìm ra bức tranh thì việc này trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Vincenzo đã cất nó trong vali gỗ để đợi thời điểm thích hợp.
Ngay cả khi bên công tố đưa ra bằng chứng Vincenzo đã tìm cách bán bức tranh cho các nhà buôn nghệ thuật, nhiều người Italy vẫn coi hắn ta là anh hùng dân tộc. Họ gọi Vincenzo là “Don Quixote của Italy”.
Nhà văn Ra Scotti viết trong cuốn sách “Vanished Smile: The Mysterious Theft of the Mona Lisa” (tạm dịch: “Nụ cười biệt tích: Vụ trộm bí ẩn bức tranh Mona Lisa”): “Ông sẽ mãi là kẻ phản diện trong mắt một số người nhưng là anh hùng đối với những người khác”.
Cuối cùng, Vincenzo bị kết án 1 năm 15 ngày nhưng chỉ thụ án 7 tháng thì kháng cáo thành công và được trả tự do. Vincenzo qua đời vào năm 1925.
Vincenzo nhanh chóng bị lãng quên nhưng vụ trộm táo bạo của ông đã khiến bức tranh Mona Lisa nổi tiếng hơn. Ít nhất 120 nghìn người đã đến xem bức tranh trong 2 ngày đầu tiên sau khi nó được trả lại cho Bảo tàng Louvre. Nụ cười nửa miệng của người thiếu phụ tiếp tục được các nhà phê bình nghệ thuật đem ra “mổ xẻ”.
Nhà văn Dianne Hales mô tả: “Mona Lisa đã rời Bảo tàng Louvre như một tác phẩm nghệ thuật. Cô ấy trở lại như một kho báu, một biểu tượng nghệ thuật đại chúng cho cả nhân loại”.
Bức tranh Mona Lisa gốc được lồng trong một khung tranh, bao bên ngoài là lớp kính chống đạn và không phản chiếu. Xung quanh tranh lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED đặc biệt để giảm bức xạ tia cực tím lên bức tranh. Căn phòng lưu giữ kiệt tác duy trì độ ẩm ở mức 50% và nhiệt độ 21 độ C. Không khí có thể lưu thông qua khung tranh nhưng không gây ảnh hưởng đến bức tranh.