Chân dung nàng Mona Lisa. (Ảnh: Jean-Pierre Muleer/AFP/Getty Images)
Báo đưa tin các nhà khảo cổ phát hiện ra dấu tích của ngôi mộ nàng Mona Lisa ở một tu viện tại Florence, Ý, nơi mà bà đã qua đời hồi thế kỷ 16. Họ còn dự định, nếu tìm thấy được bộ xương của nàng, sẽ dựng lại gương mặt nàng qua cấu trúc hộp sọ.
“Nàng Mona Lisa” thực chất là tên gọi quen thuộc của Lisa del Giocondo, người vợ lẽ của một nhà buôn tơ lụa mang tên Francesco del Giocondo của nước Ý. Nhà buôn đã thuê Leonardo da Vinci vĩ đại vẽ chân dung vợ mình, tạo ra một họa phẩm huyền thoại: bức Mona Lisa, bức tranh được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Hình ảnh nàng Mona Lisa trong tranh thì ai cũng biết rồi. Nhưng bây giờ, ngoài mục đích khảo cổ, các nhà khoa học có nghĩa vụ phải khám phá lịch sử, thì không biết ai có nhu cầu biết nhân dạng thực sự của nàng Lisa?
Nàng Lisa trong tranh, mang khuôn mặt đẹp đẽ và viên mãn của người phụ nữ ở trong quãng thanh xuân của mình (tranh được vẽ năm nàng 26-27 tuổi). Ở nàng phảng phất thông điệp về một sự hài lòng hoàn hảo, tự gợi lên đời sống của một gia đình thịnh vượng và một cuộc đời êm ấm. Và nụ cười đầy bí ẩn và quyến rũ nàng mang trên môi, nụ cười không diễn tả lại được bằng lời, bao nhiêu thế kỷ nay đã trở thành cảm hứng của nghệ thuật.
Nhưng thực ra thì chỉ vài năm sau khi tranh được vẽ, cuộc đời nàng đã xuống dốc. Người chồng Francesco rơi vào một cuộc chơi chính trị và lâm vào cảnh tù tội. Rồi khi ông mất, Lisa sống những năm cuối đời trong cảnh đau yếu và cô đơn. Nói chung là còn nhiều giả thiết về cuộc đời nàng Lisa hậu bức tranh, nhưng vấn đề là có ai có nhu cầu biết không, khi mà hình ảnh lưu giữ lại trong ký ức về nàng đã là một hình ảnh hoàn hảo.
Bây giờ dựng lại chân dung thật của nàng qua cấu trúc hộp sọ có khi khối người phải thất vọng vì hóa ra Da Vinci đã “phóng tác” nhiều quá. Bây giờ nghiên cứu xương nàng có khi lại tìm ra một căn bệnh bất hạnh nào đó khiến nụ cười nàng Mona Lisa ở bảo tàng Louvre buồn buồn.
Có những hình ảnh hoàn toàn mang ý nghĩa biểu tượng, được người ta dựng lên để lưu giữ một giai đoạn, một bóng hình, và qua thời gian cái gọi là “thực tế” thật ra lại không quan trọng bằng cái hình ảnh được lưu giữ trong đầu ấy.
Như bóng hình của một mối tình xưa. Nàng đẹp một vẻ đẹp mĩ mãn và đầy tiếc nuối. Nhưng bây giờ gặp lại ngoài phố mới giật mình sau mới đẻ có 2 lứa đã xuống cấp nhanh thế này, biết thế nhắm mắt đi thẳng. Như nhiều kỷ niệm nói chung, những thứ mà đầu óc ta lưu giữ thế nào thì ta trân trọng thế ấy, không nên “đào mộ” để đi tìm những cái thuộc về chân lý làm gì để rồi thất vọng. Đầu óc ta hay có xu hướng lý tưởng hóa mọi thứ mà.
Ai lại đào mộ nàng Mona Lisa làm gì cơ chứ?