Giải mã DNA Leonardo da Vinci: Hé lộ bí ẩn thiên tài sau 500 năm

GD&TĐ - Dự án quốc tế truy dấu dòng họ Da Vinci qua 15 thế hệ, bước đầu tái dựng ADN thiên tài thời Phục Hưng.

Bên trái: Chân dung Leonardo Da Vinci được James R. Osgood and Company khắc và xuất bản năm 1877; Bên phải: Bức tranh Mona Lisa.
Bên trái: Chân dung Leonardo Da Vinci được James R. Osgood and Company khắc và xuất bản năm 1877; Bên phải: Bức tranh Mona Lisa.

Hơn 500 năm sau, vẫn truy tìm gốc rễ thiên tài

Leonardo da Vinci, biểu tượng vĩ đại của thời Phục Hưng, đến nay vẫn là một bí ẩn cuốn hút giới khoa học. Một nỗ lực đột phá từ Dự án ADN Leonardo đang từng bước tiến gần đến việc tái dựng hồ sơ di truyền của ông.

Dự án được ghi lại chi tiết trong cuốn sách mới Genìa Da Vinci: Genealogy and Genetics for Leonardo’s DNA, kết hợp giữa nghiên cứu gia phả, giải mã gen hiện đại và khảo cổ học.

“Chúng tôi muốn phục dựng dòng họ Da Vinci đến hiện tại, đồng thời bảo tồn những nơi gắn liền với Leonardo để phục vụ nghiên cứu khoa học ADN của ông,” ông Alessandro Vezzosi, đồng tác giả cuốn sách, chia sẻ.

Theo ông Vezzosi, việc phục dựng ADN có thể hé lộ nguyên nhân cái chết, sức khỏe, khả năng thị giác phi thường hay sự sáng tạo độc đáo của Leonardo.

15 hậu duệ nam cùng mang gene Da Vinci

Cơ sở cho nghiên cứu là hơn 30 năm truy vết dòng họ Da Vinci của 2 nhà sử học Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato.

Gia phả được dựng từ năm 1331, ghi nhận hơn 400 cá nhân qua 21 thế hệ. Đáng chú ý, họ đã xác định được 15 hậu duệ nam còn sống thuộc dòng cha và anh cùng cha khác mẹ của Leonardo.

Nhờ đó, nhóm di truyền học do ông David Caramelli – Giám đốc Khoa Sinh học, Đại học Florence – dẫn đầu đã tiến hành xét nghiệm nhiễm sắc thể Y ở 6 người thân. Kết quả xác nhận những người này có các đoạn gen Y trùng nhau, chứng minh sự liên tục về huyết thống nam từ thời Leonardo.

“Dựa vào kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thêm các đoạn nhiễm sắc thể Y để so sánh với hậu duệ hiện tại,” ông Caramelli cho biết.

Từ gene tới tranh vẽ: Những hé lộ mới lạ

Dự án ADN Leonardo được khởi động từ năm 2016, hướng đến việc phục dựng hồ sơ gen để tìm hiểu thêm về đời sống sinh học của ông – từ thị lực, việc thuận tay trái cho đến bệnh lý hoặc nguyên nhân tử vong.

“Ngay cả một dấu vân tay nhỏ trên giấy cũng có thể chứa tế bào để giải mã gen,” ông Jesse H. Ausubel, giám đốc dự án, chia sẻ. “Sinh học thế kỷ 21 đang đẩy lùi ranh giới giữa điều không thể biết và điều chưa biết.”

Theo bà Sabato, Leonardo không chỉ tò mò về sự sống theo nghĩa sinh học: “Trong nghiên cứu của ông về sự hình thành, thụ thai là hành động phức tạp, kết hợp giữa tự nhiên, cảm xúc và số phận – điều này đi trước cả những tranh luận ngày nay về di truyền và biểu sinh.”

Một phát hiện gây chú ý khác được nhóm nghiên cứu đưa ra là bức vẽ than phát hiện tại lò sưởi ở thị trấn Vinci – quê hương Leonardo. Tác phẩm mô tả sinh vật kỳ lạ có sừng xoắn, răng móc và cánh màng, được đặt tên là “Rồng kỳ lân.”

Giới chuyên môn cho rằng đây có thể là một tác phẩm thời niên thiếu của Leonardo vì có nhiều nét tương đồng với các phác thảo từ thập niên 1470. Bức vẽ đang được phục dựng và phân tích.

“Chúng ta không chỉ nghiên cứu tác giả của bức tranh nổi tiếng nhất thế giới,” - ông Ausubel nhấn mạnh - “Đây là hành trình mở rộng giới hạn hiểu biết về lịch sử và di sản văn hóa.”

Theo IE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ