LHQ và 120 quốc gia ủng hộ kiểm soát ‘robot sát thủ’ trước khi quá muộn

GD&TĐ - LHQ và hơn 120 quốc gia kêu gọi cấm và kiểm soát vũ khí sát thương tự động vì đe dọa nhân quyền toàn cầu.

Ảnh minh họa: Robot sát thủ.
Ảnh minh họa: Robot sát thủ.

Thế giới cảnh báo về “robot sát thủ”

Cuộc đua vũ khí công nghệ cao đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc, khi những hệ thống vũ khí tự động – thường được gọi là “robot sát thủ” – ngày càng phát triển và có khả năng tấn công mà không cần sự can thiệp của con người.

Ngày 12–13/5/2025, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên về vấn đề này tại New York, với sự tham gia của đại diện từ 96 quốc gia, các cơ quan LHQ, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cùng nhiều tổ chức phi chính phủ.

Tại đây, hàng chục quốc gia đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc loại bỏ sự kiểm soát của con người khỏi hệ thống vũ khí.

Bà Mary Wareham, Phó Giám đốc Khủng hoảng, Xung đột và Vũ khí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phát biểu: “Các quốc gia cần cam kết mở đàm phán ngay trong năm nay về một hiệp ước cấm robot sát thủ.”, theo Human Rights Watch.

Hệ thống vũ khí tự động hoạt động độc lập sau khi được kích hoạt, sử dụng phần mềm và các cảm biến như camera, radar, tín hiệu nhiệt để xác định và tấn công mục tiêu mà không cần đánh giá của con người. Điều này đặt ra hàng loạt nguy cơ về đạo đức, pháp lý và nhân quyền.

Áp lực toàn cầu cho một hiệp ước cấm vũ khí tự động

Tổng Thư ký LHQ ông Antonio Guterres và Chủ tịch ICRC bà Mirjana Spoljaric Egger đã kêu gọi xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý nhằm cấm hoàn toàn loại vũ khí “không thể chấp nhận về chính trị và đạo đức” này trước năm 2026.

Hiện đã có hơn 120 quốc gia ủng hộ việc đàm phán hiệp ước, trong đó nhiều nước nhấn mạnh yêu cầu phải duy trì sự kiểm soát có ý nghĩa của con người đối với mọi hệ thống vũ khí tự động.

Báo cáo “A Hazard to Human Rights” do HRW và Trường Luật Harvard công bố tại hội nghị nêu rõ: Vũ khí tự động vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản như quyền sống, quyền riêng tư, quyền hội họp và quyền được khắc phục.

Đại diện các quốc gia như Algeria, El Salvador, Ireland cảnh báo rằng việc giao quyền quyết định sống chết cho máy móc “gây tổn hại trực tiếp đến quyền sống con người”.

Nhiều nước như Áo, Costa Rica, Guatemala lo ngại hệ thống này sẽ tạo ra khoảng trống trách nhiệm pháp lý khi không thể quy trách nhiệm hình sự hoặc dân sự rõ ràng cho người lập trình hoặc vận hành.

Trước đó, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Công ước Vũ khí Thông thường (CCW) tại Geneva đã không đạt được kết quả do vấp phải quy định đồng thuận, khiến một vài cường quốc như Nga, Mỹ, Israel và Ấn Độ có thể phủ quyết mọi đề xuất.

Trong khi đó, Đại hội đồng LHQ được đánh giá là diễn đàn toàn diện hơn, tạo điều kiện để các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cùng tham gia định hình quy tắc điều chỉnh loại công nghệ sát thương nguy hiểm bậc nhất này.

Theo Eurasia review

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ