Trào lưu gây sốc đang lan rộng: Khỉ Panama bắt cóc con loài khác

GD&TĐ - Khỉ capuchin (khỉ mũ mặt trắng) ở đảo Jicarón (Panama) bất ngờ bắt cóc khỉ con loài khác, tạo ra hành vi chưa từng ghi nhận.

Video từ đảo Jicarón cho thấy một con khỉ đực capuchin đang cõng một con khỉ hú trên lưng. Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu điều gì thúc đẩy hành vi bắt cóc này. Ảnh: Brendan Barrett/Viện nghiên cứu hành vi động vật Max Planck
Video từ đảo Jicarón cho thấy một con khỉ đực capuchin đang cõng một con khỉ hú trên lưng. Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu điều gì thúc đẩy hành vi bắt cóc này. Ảnh: Brendan Barrett/Viện nghiên cứu hành vi động vật Max Planck

Tại đảo Jicarón thuộc Vườn quốc gia Coiba, một hành vi kỳ lạ và gây sốc đang diễn ra trong quần thể khỉ capuchin mặt trắng hoang dã: bắt cóc khỉ con loài khác – cụ thể là khỉ hú (howler monkey).

Ban đầu, đây chỉ được xem là một hiện tượng đơn lẻ, nhưng theo thời gian, hành vi này đã lan rộng và trở thành xu hướng. “Nó kỳ lạ đến mức tôi lập tức chạy đến văn phòng của giáo sư hướng dẫn để hỏi chuyện gì đang xảy ra,” bà Zoë Goldsborough, nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhớ lại.

Bà Goldsborough là người đầu tiên phát hiện hiện tượng này vào năm 2022, khi xem lại đoạn phim từ các camera kích hoạt bằng chuyển động được lắp đặt để nghiên cứu hành vi sử dụng công cụ của loài khỉ capuchin trên đảo.

trao-luu-gay-soc-dang-lan-rong-khi-panama-bat-coc-con-loai-khac0.jpg
Các nhà nghiên cứu cho rằng hành vi bắt cóc của loài khỉ mũ có thể là hành vi tùy tiện do buồn chán. Ảnh: Brendan Barrett/Viện nghiên cứu hành vi động vật Max Planck

Trong hàng ngàn đoạn phim, có một cảnh đáng kinh ngạc: một con khỉ đực capuchin đang cõng một con khỉ hú sơ sinh trên lưng — một tương tác giữa 2 loài chưa từng được ghi nhận trước đó tại khu vực này.

Đào sâu vào kho tư liệu, bà Goldsborough phát hiện thêm 4 trường hợp khỉ hú con bị mang đi, gần như đều do cùng một cá thể khỉ capuchin đực non thực hiện. Bà đặt biệt danh cho con khỉ này là “Joker”.

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó có thể là hành vi nhận nuôi,” bà nói. Tuy nhiên, “việc một con đực là cá thể duy nhất mang theo những con non này là một mảnh ghép quan trọng.”

Ông Brendan Barrett, một nhà nghiên cứu khác, cho biết ban đầu nhóm tin rằng đó chỉ là hành vi mới mẻ của một cá thể đơn lẻ — điều không hiếm ở loài capuchin, vốn nổi tiếng tò mò và ưa khám phá.

Tuy nhiên 5 tháng sau, các đoạn video mới cho thấy không chỉ có Joker: 4 con đực trẻ khác cũng bắt đầu mang theo khỉ hú con.

Trong vòng 15 tháng, nhóm nghiên cứu ghi nhận 11 vụ bắt cóc riêng biệt. Các con khỉ hú sơ sinh — đa số dưới 4 tuần tuổi — bám vào bụng hoặc lưng của khỉ capuchin trong lúc di chuyển khắp rừng, thậm chí cả khi chúng đập vỏ sò hay hạt bằng công cụ.

trao-luu-gay-soc-dang-lan-rong-khi-panama-bat-coc-con-loai-khac2.jpg
Những con khỉ mũ đực dường như ít tương tác với những con khỉ con bị bắt cóc. Ảnh: Brendan Barrett/Viện nghiên cứu hành vi động vật Max Planck

“Các con capuchin không làm hại khỉ con,” bà Goldsborough nhấn mạnh, “nhưng chúng không thể cung cấp sữa mà khỉ hú sơ sinh cần để sống sót.” Bằng chứng cho thấy không có cá thể nào sống sót sau các vụ bắt cóc.

Các nhà khoa học gọi đây là một “truyền thống xã hội” hay “mốt văn hóa” — một hành vi mới do một cá thể khởi xướng rồi lan rộng qua học tập xã hội.

“Chúng tôi không thấy lợi ích rõ ràng nào cho lũ khỉ,” bà Goldsborough nói, “nhưng cũng không có tổn hại rõ rệt, ngoại trừ việc mang thêm khỉ con có thể làm việc sử dụng công cụ khó khăn hơn.”

Theo bà Meg Crofoot, giám đốc điều hành tại Viện Max Planck về hành vi động vật (MPI-AB) và là người đồng sáng lập dự án này, điều kiện sống đặc biệt trên đảo Jicarón có thể là nguyên nhân của hiện tượng trên.

“Việc sinh tồn trên đảo Jicarón có vẻ khá dễ dàng. Không có kẻ săn mồi và ít cạnh tranh, điều đó mang lại cho khỉ capuchin nhiều thời gian rảnh và ít việc phải làm. Cuộc sống ‘sang chảnh’ này dường như tạo điều kiện cho những cá thể thông minh này sáng tạo,” bà nói.

“Truyền thống mới này cho thấy rằng không nhất thiết phải có nhu cầu mới sinh ra sáng kiến. Đối với một loài khỉ thông minh sống trong môi trường an toàn, thậm chí có phần buồn chán, thì sự rảnh rỗi cũng đủ để nảy sinh điều kỳ quặc.” – bà nói thêm.

Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của hành vi này vẫn là dấu hỏi lớn. Với việc loài khỉ hú đã bị đe dọa tại đảo Jicarón, hiện tượng bắt cóc con non có thể trở thành vấn đề bảo tồn nghiêm trọng nếu tiếp tục lan rộng.

Theo IE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ