(GD&TĐ) - Được người cô từ nước ngoài về tặng cho một chiếc áo và nón thật xinh, vậy là ngay trong chuyến picnic cùng nhóm bạn, Linh Trang diện nóng. Nhưng, ơ kìa, lạ chưa kìa, trái với sự mong đợi được bạn bè nồng nhiệt đón nhận và bàn tán, Linh cảm nhận được những ánh nhìn xa lánh… Nguyên cả buổi đi chơi, hiếm có ai nói chuyện thân mật với Linh! Mãi sau, cô bạn mới biết mình đã bị tẩy chay chỉ vì có chiếc áo và nón đẹp hơn thủ lĩnh nhóm!
Ai tẩy? tẩy ai?
Lớp trưởng là thủ lĩnh của một lớp nhưng chưa chắc quyền hành và có sức ảnh hưởng bằng… thủ lĩnh của một nhóm. Thông thường, trong một lớp, thủ lĩnh nhóm là những người thuộc hàng nhà có điều kiện. Ở lớp 8B, trường K (TPHCM), Quỳnh được xem là đại ca, dưới trướng Quỳnh có quân số hơn ½ lớp. Gia đình Quỳnh thuộc hàng giàu có ở quận, mỗi năm thường ở trong danh sách đỉnh đóng góp cho trường, lớp. Còn Quỳnh, túi rủng rỉnh tiền ba mẹ cho, nên luôn sẵn lòng “bao” cả lớp các bữa ăn; thuê sân tập banh hay làm mạnh thường quân những công trình lớp cần tài chính. Chính vì thế, Quỳnh có quyền “sinh sát” trong lớp, có thể dùng đồng tiền để khống chế mọi người. Gần như tất cả mọi quyết định đi đâu, làm gì, như thế nào, Quỳnh đều là người quyết. Những ai không vừa ý Quỳnh thì có nguy cơ bị tẩy chay không ai được nói chuyện. Cả lớp vẫn nhớ vụ Quỳnh chủ trương tẩy chay bạn H, một bạn nữ mới vào lớp rất xinh đẹp. Bạn đó bị tẩy chay chẳng có lí do nào ngoài việc… xinh đẹp hơn Quỳnh. Hình thức tẩy chay khá… nghiệt: Ngoài việc không cho các bạn trong nhóm kết bạn với H, Quỳnh còn tìm cách làm cho cái hộc bàn của bạn H lâu lâu lại xuất hiện… một con chuột chết!
Nếu không phải là nhà có điều kiện, thì người ra quyết định tẩy chay một ai đó phải là “thứ dữ” của lớp, có thể nổi danh bởi thành tích siêu quậy hay mang dòng máu cộm cán giang hồ. Ở lớp 10A5, trường THPT Q. (TPHCM), Sương xứng đáng là một thủ lĩnh đáng gờm. Bằng sức mạnh vũ lực và võ miệng, Sương lôi kéo một nhóm bạn trong lớp tạo thành một phe có sức khuynh đảo. Cô nàng hay tổ chức các cuộc chơi chung có… thu phí cao. Đồng thời, do cô nàng học yếu nên ra phương châm “teen nào khi kiểm tra mà bạn hỏi không chỉ, sẽ khai trừ”. Bạn nào lăm le từ chối là… a lê hấp, tẩy chay ngay lập tức. Hình thức tẩy chay bình thường là… không thèm giao hảo. Cao hơn là… rình rình lúc vắng bóng người, “cho” một cái cùi chỏ hoặc giật ngược tóc. Phải đến lúc sự việc Sương xử bạn bằng video clip, bị phát hiện và bị kỷ luật thì… nạn tẩy chay trong lớp mới giảm.
Tuy nhiên, cũng không phải tất cả các vụ tẩy chay đều do một cá nhân quá kinh khủng khởi xướng. Ở học đường, nhiều lúc, nạn tẩy chay cũng có thể là do mọi người trong lớp tẩy chay tập thể mà không cần mệnh lệnh của bất kì ai. Những nạn nhân bị tẩy chay thường là những “tội đồ” của lớp, hoặc tính tình quá đáng, hoặc là những teen hay… mách lẻo, quá kiêu căng. Hoài Hương, lớp 9 trường HHT cho biết: “Lớp mình là lớp chọn, bạn bè rất thương yêu nhau và sống có văn hóa. Cả lớp đều ghét những trò gian dối, nói xấu nhau trên mạng. Bữa đó, phát hiện một bạn trong lớp phạm vào tội này, rêu rao chuyện xấu thầy cô, bạn bè trên facebook, cả lớp quyết định nghỉ chơi 1 tháng. Đó là sự trừng phạt để bạn í chừa cái tính xấu ấy đi!”.
Một dạng bạo lực!
Công bằng mà nói, khi mục tiêu tẩy chay có tính giáo dục, ở mức độ vừa phải, nó cũng góp phần điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn của teen. Như trường hợp tẩy chay ở lớp bạn Hương đối với “tội đồ” bêu xấu bạn bè thầy cô trên mạng nói trên là một ví dụ. Hương cho biết, sau đận đấy, “tội đồ” đã xin lỗi cả lớp và… bỏ hẳn chuyện vớ vẩn kia. Tuy nhiên, với người trong cuộc thì không hẳn vậy. Cô bạn bị lớp Hương tẩy chay 1 tháng do đi rêu rao chuyện lớp, chuyện trường trên mạng, chia sẻ: “Mình sai rồi, mình biết rồi. Nhưng nếu các bạn ấy thẳng thẳn công khai trình bày ý kiến, khuyên mình, thì mình sửa ngay thôi. Đằng này lẳng lặng tẩy chay tập thể như thế, thật đáng sợ. Dù sao cũng là bạn cùng lớp mà. Nhớ lại những ngày ấy mình còn muốn khóc. Mình sợ đến lớp học, vì cứ như đến một nơi xa lạ hoàn toàn không quen biết, tất cả mọi người đều coi mình như chưa hề tồn tại. Lầm lũi cắp sách đến trường rồi lầm lũi cắp sách ra về, thật đáng sợ biết bao!”.
Nhiều teen khi bị tẩy chay đã rơi vào tình trạng trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng chuyện học. Và họ đều khẳng định đó là một hình thức bạo lực tinh thần. Bạo lực tinh thần đó ám ảnh họ lâu, rất lâu, cả sau khi đã rời tuổi áo trắng.
Bên cạnh đó, gần đây, xuất hiện các vụ tẩy chay, gây tổn thương đến thân thể người khác. Nỗi đau để lại cho người bị tổn thương không phải là ít. Hân, học sinh lớp 9, trường B (TPHCM) cho biết: “Đầu năm lớp 8 mình chuyển trường. Khi vào lớp mới, mình rất dị ứng với kiểu phe nhóm và hình thành những quy định ngầm kiểu xã hội đen trong lớp. Mình thấy ai cũng sợ, không dám báo cáo cô, nên dũng cảm lên tiếng. Không ngờ việc đấu tranh đơn độc của mình đã bị “xử”. Chuyện bị túm tóc và bị đánh trong góc hành lang tối vì dám tố cáo, Hân còn ám ảnh mãi về sau. Sau vụ việc đó, nhà trường đã xử lí, bạn hành hung bị phạt nặng, lớp không còn nạn đó nữa nhưng Hân vẫn không chịu nổi cảm xúc đau đớn. Sau một học kỳ, không chịu được, cô bạn khóc với ba mẹ xin chuyển trường.
Hoa Cát