Tây Ban Nha: Giáo viên phản đối chương trình song ngữ

GD&TĐ - Gần 90 trường tiểu học, trung học tại Tây Ban Nha đã dừng các chương trình học bằng tiếng Anh vì phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với thanh thiếu niên.

Trẻ em Tây Ban Nha học song ngữ từ 6 tuổi.
Trẻ em Tây Ban Nha học song ngữ từ 6 tuổi.

Rubén García, 39 tuổi, giáo viên sống tại thành phố Valladolid, vùng Castilla y León đánh giá chương trình giáo dục song ngữ của Tây Ban Nha có nhiều thiếu sót đáng kể.

Một trong những vấn đề lớn mà ông chỉ ra là từ vựng, ngữ pháp trong sách giáo khoa đều nâng cao hơn so với trình độ tiếng Anh của học sinh. Như vậy, các em sẽ không thể hiểu rõ những kiến thức đang đọc, chỉ ghi nhớ từ mà không nắm được nội dung.

Trường Tiểu học Antonio Allúe Morer, nơi thầy García làm việc là một trong 7 trường trong khu vực đã huỷ bỏ chương trình song ngữ. Hiện, trong vùng Castilla y León có khoảng 370 trường vẫn đào tạo chương trình này.

Ở Castilla-La Mancha, một khu vực rộng lớn khác tại Tây Ban Nha, 80 trong số 271 trường đã dừng giảng dạy song ngữ khi chương trình này bắt đầu được áp dụng từ năm học 2005 - 2006. Trong khi đó, tại thủ đô Madrid, các trường học được yêu cầu phải giảng dạy song ngữ nhưng các trung tâm tư nhân được phép dừng. Vì vậy, nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi tìm kiếm trung tâm dạy thêm cho con cái.

Theo quy định của Bộ Giáo dục Tây Ban Nha, một trường học có thể dừng tổ chức dạy song ngữ nếu ban giám hiệu trường, đại diện hội giáo viên, hội phụ huynh và học sinh đồng ý về vấn đề này. Hiện nay, việc giảng dạy song ngữ đã trở thành đề tài nóng trong các trường học.

Antonio Cabrales, nhà nghiên cứu làm việc tại Trường Đại học Carlos III, giải thích rằng, chương trình tiếng Tây Ban Nha trong trường học đã tương đối nặng về nội dung. Trong khi nhiều chương trình tiếng Anh không sử dụng giáo viên người bản ngữ.

Nhiều trường chỉ yêu cầu giáo viên tiếng Anh có chứng chỉ B2 theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ châu Âu. Nhưng các chuyên gia cho rằng, giáo viên phải có chứng chỉ C1, chứng minh khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, để đứng lớp.

Tại Tây Ban Nha, học sinh trong chương trình song ngữ sẽ dành trung bình 5 tiếng/tuần để học các môn dạy bằng tiếng Anh, không tính môn Tiếng Anh. Trong khi tại Mỹ, trong chương trình song ngữ, học sinh phải dành 5 giờ/ngày để học bằng tiếng Tây Ban Nha. Sự chênh lệch giữa cách thiết kế giờ học trong hai mô hình được cho là khiến giáo dục song ngữ tại Tây Ban Nha kém hiệu quả so với các nước khác.

Manuel Quevedo, giáo viên tại Trường Trung học Doctor Alarcón Santón, cho biết: “Chúng tôi đã mắc sai lầm khi áp dụng chương trình giảng dạy này. Chúng tôi muốn giúp học sinh tăng vốn ngoại ngữ nhưng thực tế, các trường còn thiếu năng lực, thiếu giáo viên”.

Chương trình song ngữ được đưa vào từ bậc tiểu học. Song nhiều phụ huynh cũng cho rằng con cái phải vật lộn làm quen hai ngôn ngữ cùng lúc. Các em vừa phải học cách viết đúng chính tả tiếng Tây Ban Nha lại vừa phải ghi nhớ cách phát âm tiếng Anh.

Vì chương trình tiếng Anh không được đưa vào sớm hơn nên khả năng thích nghi và nghe hiểu ngôn ngữ này của học sinh tiểu học chưa tốt.

Thực tế, khảo sát cho thấy, học sinh chương trình song ngữ học tiếng Anh tốt hơn bạn bè chỉ học chương trình truyền thống nhưng trình độ các môn học khác là như nhau. Dù chương trình song ngữ được kì vọng giúp học sinh không chỉ phát huy khả năng tiếng Anh mà còn kiến thức, trình độ ở các môn khoa học.

Tuy nhiên, Ismael Sanz, giảng viên tại Trường Đại học Rey Juan Carlos đã bày tỏ ủng hộ chương trình song ngữ. Ông lập luận rằng, ngôn ngữ của khoa học là tiếng Anh trong khi khoa học đang là một trong những công cụ để đất nước phát triển.

Khi học sinh thành thạo tiếng Anh và quen tư duy khoa học bằng ngôn ngữ này, các em sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng, trau dồi kiến thức ở lĩnh vực này để cạnh tranh quốc tế.

Theo El Pais

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ