Tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản bất ngờ sống lại sau một đêm trăng

GD&TĐ - Cơ quan hàng không và Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 26/2/2024 cho biết, tàu đổ bộ SLIM đã bất ngờ sống lại sau một đêm trăng.

Tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản trên Mặt trăng
Tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản trên Mặt trăng

Theo JAXA, tàu đổ bộ thông minh khảo sát Mặt trăng (SLIM) đã sống lại được sau một đêm trăng (tức là 2 tuần Trái đất) trong điều kiện nhiệt độ đóng băng trên hành tinh này, mặc dù thiết kế của tàu không phù hợp tình huống này, và đã thiết lập lại liên lạc với Trái đất hơn một tháng sau khi tàu vũ trụ thực hiện cú hạ cánh "chính xác" lịch sử trên Mặt trăng.

Theo đó, ngay sau khi hạ cánh cách mục tiêu 55 m ngay phía nam xích đạo của Mặt trăng, tàu SLIM hết điện do các tấm pin không ở đúng góc hướng về phía Mặt trời, điều này khiến con tàu rơi vào trạng thái "bất tỉnh" trong nhiệt độ thấp tới âm 183 độ C.

Hơn một tuần sau đó, các tấm pin Mặt trời có điện trở lại nhờ ánh sáng Mặt trời đổi hướng.

Tối 25/2, JAXA đã liên lạc với tàu SLIM và đã nhận được phản hồi, qua đó xác nhận tàu đã hoạt động trở lại và duy trì được liên lạc với Mặt đất.

Trước đó, JAXA cho biết, tàu SLIM không được thiết kế để sống sót được qua đêm trăng.

Như vậy, với việc con tàu SLIM chạm xuống bề mặt mặt trăng vào tháng trước, đã xác nhận Nhật Bản trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng, sau Liên Xô trước đây, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Được biết, Nga, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đang nỗ lực tiếp cận vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

Tàu vũ trụ Odysseus của công ty Intuitive Machines có trụ sở tại Mỹ tuần trước cũng đã hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng trong hơn nửa thế kỷ, điều này khiến nhà đầu tư của các công ty khởi nghiệp không gian khác háo hức cũng muốn chạy đua lên Mặt trăng để tìm kiếm tài nguyên và khả năng sinh sống của con người.

Sự kiện này đánh dấu chuyến hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng được kiểm soát lần đầu tiên của một phương tiện vũ trụ Mỹ kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972. Đó là sứ mệnh lên Mặt trăng gần nhất của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) với phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ