Tập trung phân luồng học sinh sau THCS giải bài toán quá tải trường lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS sẽ góp phần giải bài toán quá tải trường lớp mà ngành GD-ĐT Hà Nội đang đối mặt.

Học sinh Trường THCS Khương Thượng trong giờ hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Khương Thượng trong giờ hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Mong muốn học trường công lập

Hà Nội hiện có hơn 2,3 triệu học sinh với hơn 2.800 trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó 79% là trường công lập. Mỗi năm thành phố có thêm 35 - 40 trường học. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều trường tư thục, trường nghề, Trung tâm GDNN-GDTX, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.

Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh THCS chưa thực sự hiệu quả khiến áp lực quá tải rơi vào một số trường học, nhất là trường khu vực nội thành. Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh THCS ở Hà Nội còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh có con học lớp 9 đều mong muốn học tiếp lên cấp THPT chứ không theo học trường nghề.

Chị Phạm Thanh Thủy ở quận Đống Đa cho biết rất lo lắng khi năm nay con trải qua kỳ thi vào lớp 10. Dù biết có nhiều áp lực nhưng gia đình luôn mong muốn con đỗ vào trường THPT công lập đúng tuyến, không phải đi học quá xa và không phải học hệ GDTX hoặc trường nghề.

Cô Bùi Thị Hồng Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) cho rằng, sau khi tốt nghiệp THCS, hầu hết bố mẹ mong con tiếp tục học lớp 10. Đây là nguyện vọng chính đáng, nhà trường ủng hộ và luôn lưu ý phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn để biết mức độ của trẻ ở đâu, đánh giá đúng thực lực, đồng hành để xác định loại hình trường phù hợp và hỗ trợ đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm thực hiện công tác phân luồng. Học sinh được chia thành 4 nhóm theo năng lực, nguyện vọng và nhà trường có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm lớp cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh lớp 10 của các loại hình trường như chuyên, công lập, tư thục, trường nghề... để phụ huynh nắm bắt, tìm hiểu.

Giáo dục hướng nghiệp còn được lồng ghép vào nhiều môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa suốt thời gian học sinh học tập tại trường. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh gặp gỡ trực tiếp với đại diện các trường tư thục, trường nghề.

Tại Trường THCS Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), chia sẻ của cô Hiệu trưởng Khuất Thị Hồng Điệp, trường hiện có 4 lớp 9 với gần 200 học sinh. Chủ trương của nhà trường là bảo đảm 100% học sinh có nguyện vọng, đủ điều kiện được tham gia kỳ thi vào trường công lập, tránh tuyệt đối việc vận động học sinh yếu không tham gia kỳ thi.

Đồng thời, nhà trường tăng cường tuyên truyền để phụ huynh biết rõ các loại hình trường có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp THCS. Với học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, bên cạnh phụ đạo không thu phí, nhà trường tăng cường gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ, tư vấn lựa chọn nguyện vọng học tập phù hợp.

Học viên Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình. Ảnh: NTCC

Học viên Trung tâm GDNN - GDTX quận Ba Đình. Ảnh: NTCC

Tăng cường tư vấn hướng nghiệp

Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh theo nguyện vọng, năng lực và phù hợp với điều kiện thực tế, dù nhiều khó khăn, song những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nguyện vọng học tập cho học sinh tốt nghiệp THCS theo năng lực, hoàn cảnh và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dự báo số lượng học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội năm học 2023 - 2024 tăng khoảng 5 nghìn em so với năm học trước. Nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người học, sở đã chỉ đạo các trường rà soát, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, đồng thời tăng cường tư vấn hướng nghiệp, phân luồng phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh học sinh.

Lựa chọn loại hình trường nào theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường có thể đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở nghiêm cấm các nhà trường vận động, ép buộc học sinh lựa chọn nguyện vọng học tập.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, với đặc thù thành phố Hà Nội, vận động học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề rất khó. Và mong muốn con tiếp tục học THPT sau khi tốt nghiệp THCS là nguyện vọng chính đáng.

Để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh THCS, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, ngoài tiết học trên lớp, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, thực hiện thường xuyên theo hướng gắn kết chặt chẽ với địa phương trong sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ, các trường ở địa bàn có làng nghề truyền thống, khu công nghiệp có thể tổ chức đưa học sinh đến tận nơi để hiểu về truyền thống văn hoá, nghề nghiệp địa phương, đồng thời tạo cơ hội để các em biết rõ kiến thức, kỹ năng cần có của từng loại nghề nghiệp.

Thành phố cần khuyến khích các địa phương có làng nghề tạo điều kiện cho học sinh tham gia tìm hiểu, tiếp cận. Nếu không theo học trường nghề mà chọn học đại học thì những kiến thức về nghề nghiệp được trang bị ở phổ thông cũng hữu ích.

Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đang thực hiện Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Thực hiện tốt việc đổi mới Chương trình GDPT sẽ góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.