Tập thơ Vũ Trọng Thái xuất bản ở Hungary

GD&TĐ - Trong Tuần Lễ Sách diễn ra tháng 9/2021 tại Thủ đô Budapest (Hungary), Nhà xuất bản AB ART của Hungary đã giới thiệu 3 đầu sách Việt Nam.

Tập thơ Bông hồng và chiếc bình cổ của nhà thơ Vũ Trọng Thái trưng bày trong Tuần lễ sách đầu tháng 9/2021 tại Budapest - Hungary.
Tập thơ Bông hồng và chiếc bình cổ của nhà thơ Vũ Trọng Thái trưng bày trong Tuần lễ sách đầu tháng 9/2021 tại Budapest - Hungary.

3 đầu sách Việt Nam có mặt trong Tuần Lễ Sách lần này là: Hợp tuyển thơ Việt Nam, Tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” của Bảo Ninh (xuất bản năm 2020) và tập thơ “Bông hồng và chiếc bình cổ” của Vũ Trọng Thái (mới xuất bản tháng 9/2021).

Giới thiệu và quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài luôn là một việc được động viên, khuyến khích từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dường như công việc này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn từ cả hai phía: khách quan và chủ quan, bởi vậy mỗi một cách tiếp cận qua nhiều kênh khác nhau để đưa được các tác phẩm trong nước đến với bạn bè quốc tế đều thật đáng trân trọng.

Nhà thơ Vũ Trọng Thái cũng là một người dám dấn thân vào công việc này. 

Khởi đầu là những bài thơ được chọn in trên các tạp chí và tuyển thơ của Hàn Quốc; Rumani; Ấn Độ trong thời gian qua, cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè văn chương, nhà thơ Vũ Trọng Thái đã chọn lựa 35 bài thơ thành một tập “Bông hồng và chiếc bình cổ”, gửi cho NXB AB ART của Hungary để tiến hành in ấn, giới thiệu với bạn bè văn chương và những người yêu thơ của đất nước xinh đẹp này.

Tập thơ do dịch giả Ji Khanh chuyển ngữ sang tiếng Anh và nhà thơ Bruce Grey hiệu đính, nhà thơ Attila Balazs chuyển ngữ từ tiếng Anh sang ngôn ngữ đích là tiếng Hungary.

Với phong cách viết dung dị và mộc mạc qua cách thể hiện từ thể loại thơ lục bát truyền thống đến thơ tự do hay thơ bốn chữ, năm chữ…, Vũ Trọng Thái đã chuyển tải đến bạn đọc Hungary một thông điệp đa dạng trước cuộc sống hiện nay.

Ta có thể bắt gặp ở đây một tình yêu đất nước, con người Việt Nam, được thể hiện qua những bài thơ giới thiệu về một dòng sông của thành phố quê hương (Sông Tam Bạc) hay là một lời giới thiệu, một lời mời bạn bè đến với mình (Quê hương; Em có về Hải Phòng với anh không?);

Hoặc tình yêu dành cho lứa đôi (Thơ viết những ngày không em; Điều riêng mình ta biết; Trong mơ anh đã tìm thấy em…); Hay trách nhiệm trước cuộc sống (Người gieo mầm sống cho những linh hồn chết), trước môi trường thiên nhiên (Khát; Buổi sớm Thác Bạc; Thuyền cạn; Bông hồng và chiếc bình cổ…) và cả trước thảm họa đại dịch Covid đang bùng phát (Hải Phòng mùa đại dịch);

Là cái nhìn nhân bản của nhà thơ với con người, với xã hội (Tiếng vĩ cầm cô đơn; Những cái ôm); là tiếng nói lên án cái ác (Paris không khuất phục)…; Đặc biệt viết về nhân sinh quan cuộc sống là những bài mang tính triết lý sâu sắc nhưng lại rất mềm mại như: Cỏ thức; Tìm trong thế thái nhân tình; Chạm; Mẹ; Những hạt phù sa…

Với việc đưa thơ của mình đến với bạn đọc ngoài nước trong thời điểm này, nhà thơ Vũ Trọng Thái đã góp phần vào việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới; đây cũng có thể coi như một cú hích cho các tác giả mạnh dạn và chủ động tìm lối đi giới thiệu tác phẩm của mình đến với bạn bè quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ