Trải nghiệm để hình thành kỹ năng sống

GD&TĐ - Mô hình nhà thiếu nhi với các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm đã góp phần hình thành kỹ năng sống, để thiếu nhi có những hiểu biết về cách ứng xử, hành động, việc làm đúng đắn trong sinh hoạt, học tập.

Sinh hoạt CLB đội, nhóm của Nhà thiếu nhi Khánh Hòa.
Sinh hoạt CLB đội, nhóm của Nhà thiếu nhi Khánh Hòa.

Sân chơi bổ ích từ các hoạt động trại

Ông Nguyễn Phương Doanh – Giám đốc Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: “Mô hình nhà thiếu nhi tại tỉnh Khánh Hòa đã phát triển ở nhiều huyện thị. Từ hoạt động của cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi đã ươm mầm để các em phát triển.

Ở nhà văn hóa thiếu nhi, các em được học các môn yêu thích, năng khiếu thanh nhạc, múa, mỹ thuật… Sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội, nhóm góp phần tích cực vào việc phát triển năng, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi, làm phong phú thêm nội dung, hình thức hoạt động của Đội”.

Chị Trần Thu Phương – phụ huynh em Huỳnh Nhi – học viên lớp múa tại Nhà thiếu nhi Khánh Hòa chia sẻ: “Bên cạnh học múa, cháu còn được giao lưu, có không gian sinh hoạt chung với nhiều bạn cùng trang lứa. Kết thúc khóa học, cháu năng động, linh hoạt hơn, các kỹ năng xã hội tốt hơn thấy rõ”.

Hội thi vẽ tranh Tiến bước lên Đoàn do Nhà thiếu nhi Khánh Hòa tổ chức.
Hội thi vẽ tranh Tiến bước lên Đoàn do Nhà thiếu nhi Khánh Hòa tổ chức.

Ngoài những lớp năng khiếu, Nhà thiếu nhi Khánh Hòa cùng hệ thống các nhà thiếu nhi huyện, thị áp dụng và đã thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Điển hình như mô hình Trại huấn luyện đào tạo cho ban chấp hành các liên đội trên địa bàn toàn tỉnh; trại sáng tác thơ văn tuổi học trò; hội trại kỹ năng sống; trại Phù Đổng; hội trại về nguồn; hội trại Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh; hành trình văn hóa thiên nhiên và trải nghiệm... đã được tổ chức hằng năm thu hút hàng trăm thiếu nhi tham gia mỗi cuộc trại.

Các hoạt động đã thực sự tạo ra nhiều sân chơi thiết thực, có sức lan tỏa, thu hút được sự đồng tình của phụ huynh, của xã hội và sở thích của thiếu nhi nên được đông đảo thiếu nhi tham gia, góp phần giáo dục nhân cách, nâng cao nhận thức, định hướng giá trị cho thiếu nhi.

Với chủ đề “Đi để biết – Học để sống”, các mùa hè qua, Thành đoàn Nha Trang đã tạo được sân chơi bổ ích với những hoạt động trải nghiệm thú vị cho thiếu nhi. Các em được giao lưu sinh hoạt nhóm, tham gia diễn đàn về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và sử dụng mạng xã hội hiệu quả, tập các thế võ tự vệ, chia sẻ về tình cảm gia đình.

Vốn sống của các em cũng được mở rộng thêm từ những hoạt động trải nghiệm với nghề làm muối tại xã Ninh Diêm, thị xã Khánh Hòa; tham quan và dâng hương tại Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng…

Chơi để học

Ông Nguyễn Phương Doanh chia sẻ: “Trong tình hình hiện nay, trẻ em đang bị đóng khung trong các bức tường, học thêm dạy thêm, những tệ nạn xã hội… Do đó, công tác Đội nên tận dụng tất cả các môi trường, trong đó có nhà thiếu nhi, để tạo nguồn lực mạnh mẽ cùng nhau xây dựng Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh”.

Một trong những nguyên tắc trong tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi, theo ông Doanh, là cần tôn trọng sự tự do, quyển lựa chọn của các em và có sự tư vấn, định hướng phù hợp với năng khiếu, sở thích của từng em.

Ông Nguyễn Phương Doanh – Giám đốc Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa trao giải cho các cá nhân đạt giải năng khiếu.
Ông Nguyễn Phương Doanh – Giám đốc Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa trao giải cho các cá nhân đạt giải năng khiếu.

Mô hình hội trại, vì vậy môi trường giáo dục rất tốt cho thiếu nhi thông qua những hoạt động “chơi mà học”. Trong quá trình tham gia trại, không có cha mẹ, người thân xung quanh để giúp đỡ, các em phải vượt qua những thách thức về sự ngại ngùng, sự tự ti, e ngại xấu hổ khi tham gia sinh hoạt cùng những người bạn mới.

Thiếu nhi phải học cách tự chăm sóc bản thân, dưới sự giám sát và hướng dẫn của ban tổ chức. Các em sẽ phải tự ghi nhớ và tuân thủ theo lịch trình, giờ giấc trong ngày từ giờ ngủ, giờ ăn,… Các em tự làm tất cả các sinh hoạt cá nhân như gấp chăn, mặc đồ, tắm,… trong sự phối hợp với đồng đội để không làm ảnh hưởng đến tập thể…

Ông Doanh phân tích: “Quan trọng hơn cả là từ những hoạt động của hội trại, các em sẽ nhận ra bản thân cũng luôn có nội lực có khả năng tiến bộ và phát triển. Các em tự nhận ra bên trong bản thân mình luôn có một nội lực tiềm tàng chờ được kích hoạt, để mạnh mẽ, trưởng thành và vững vàng hơn trước mọi khó khăn, thử thách. Từ đó, mỗi em tự nhiên sẽ có suy nghĩ: “Tôi có thể làm điều đó”. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, các em càng ngày thêm tự tin, tự lập, can đảm để vượt qua, đương đầu với những thách thức….

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Nhà thiếu nhi Khánh Hòa, để có một hội trại đúng nghĩa, mang tính chất giáo dục cao cho thiếu nhi, đòi hỏi kế hoạch phải hết sức khoa học. Người thiết kế phải có kiến thức tổng hợp chuyên môn cao biết vận dụng và phát huy toàn bộ kỹ năng cần có của trẻ em vào đời sống.

“Nếu chúng ta lên kế hoạch hội trại không mang tính tổng hợp, không phát huy hết toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực, tài lực hiện có và các mối quan hệ khác cùng tham gia. Không tận dụng được thời gian, không gian, sự an toàn diễn ra của hội trại để tổ chức các hoạt động giáo dục. Không đáp ứng được hứng thú của thiếu nhi, không có con người điều hành hoạt động với những kỹ năng được rèn luyện và tâm hồn yêu mến trẻ thì chương trình sẽ hết sức tẻ nhạt, buồn chán và tốn kém cả về thời gian và tiền của. Thậm chí không khéo sẽ phát sinh nhiều tình huống phản cảm trong quá trình tổ chức hoạt động của hội trại” – ông Doanh chia sẻ.

Thực hiện Quyết định số 1501-QĐ/TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành TW, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. 
Từ năm 2015 đến nay, nhiều địa phương, cơ sở đào tạo đã tích cực đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất của thanh thiếu niên, nhi đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau (trong đó có thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020). Cơ sở vật chất, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi đa năng đã được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.