Hà Tĩnh: Dạy kỹ năng sống cho học sinh bằng video trong mùa dịch

GD&TĐ - Không để những tiết học diễn ra nhàm chán, các giáo viên tại Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ) đã sáng tạo nhưng clip vô cùng thú vị truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới học sinh.

Dạy kỹ năng sống cho học sinh bằng video trong mùa dịch.
Dạy kỹ năng sống cho học sinh bằng video trong mùa dịch.

Dựng phòng thu làm clip

Đã thành lệ, cứ đến thứ 2 hàng tuần, học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ  háo hức trông chờ Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”.

Chương trình vừa được triển khai vào đầu năm học 2021-2022, theo hình thức làm video và trình chiếu tại các lớp học và đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Youtube... Đặc biệt, video có sự đóng góp của các bạn học sinh trong việc lên ý tưởng, thực hiện và ghi hình, phát sóng.

“Những năm trước đây, phong trào đọc sách của nhà trường rất phát triển thông qua nhiều hình thức như giới thiệu về sách, sinh hoạt dưới cờ hoặc là các hoạt động ngoại khóa. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh nên học sinh đến trường vẫn phải phân luồng và hoạt động trong lớp để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Vì vậy chúng tôi đã xây dựng mô hình Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” nhằm duy trì việc đọc sách và rèn luyện kỹ năng sống cho các em”, cô giáo Trần Thị Hương Giang, phó Hiệu trường nhà trường chia sẻ.

Khu vực phòng thu do nhà trường tự thiết kế và thực hiện.
Khu vực phòng thu do nhà trường tự thiết kế và thực hiện.
“Mỗi tuần nhà trường thực hiện một chuyên mục, ví dụ tuần này cuốn sách hay, tuần sau sẽ là 1 câu chuyện đẹp hoặc giới thiệu 1 tấm gương sáng. Mỗi chuyên mục, giáo viên các khối sẽ cắt cử học sinh luân phiên nhau làm MC. Việc để học sinh tham gia đã tạo tâm lý gần gũi và thú vị cho các em học sinh”, cô Giang cho biết.

Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp ban giám hiệu, tổng phụ trách đội định hướng xây dựng khung chương trình trong một học kỳ chuyển về giáo viên các khối. Tại đây, giáo viên sẽ lên ý tưởng, thực hiện chương trình với sự tham gia, hỗ trợ của học sinh.

Để thực hiện các clip một cách bài bản, hấp dẫn, BGH nhà trường đã tận dụng từ căn phòng cũ mua thảm xốp tạo thành phòng cách âm, mua sắm thêm các công cụ hỗ trợ lọc âm, quay phim…

Để chương trình thực sự có hiệu quả, phần nội dung phát sóng luôn được nhà trường và giáo viên lựa chọn kỹ càng. Đối với giới thiệu sách sẽ ưu tiên các đầu sách về Hạt giống tâm hồn,  rèn luyện kỹ năng hoặc những câu chuyện đẹp về các học sinh  ngay chính trong nhà trường…

Chương trình do chính học sinh luân phiên làm MC.
Chương trình do chính học sinh luân phiên làm MC.

Chú trọng sự tương tác

Sau gần 9 tuần học,  nhà trường đã thực hiện được 5 số với nhiều nội dung phong phú như: Giới thiệu cuốn sách “Câu chuyện nhỏ, cuộc sống lớn”; Câu chuyện đẹp “Tình mẹ”; Tấm gương về nghị lực phi thường của “Cô gái xương thủy tinh - Nguyễn Phương Anh”…

Mỗi clip có độ dài vừa phải, với hình ảnh sinh động, gần gũi, nội dung truyền tải là những câu chuyện, bài học nhẹ nhàng, ý nghĩa đã tạo nên sự thích thú tới các em.

Không dừng lại ở việc phát sóng, sau khi trình chiếu chương trình, giáo viên sẽ mượn thêm một số sách về tủ sách của lớp để các em có điều kiện tìm đọc. Hoặc hướng dẫn các phụ huynh có điều kiện có thể mua thêm sách để cho con em tìm hiểu.

BGH nhà trường đã tự thiết kế phòng thu, mua sắm thiết bị để dựng các clip, video.
BGH nhà trường đã tự thiết kế phòng thu, mua sắm thiết bị để dựng các clip, video.

Ngoài phát sóng trên lớp sẽ được giáo viên chủ nhiệm còn gửi Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” đến từng nhóm Zalo, Facebook, Youtube… để phụ huynh nắm bắt và có sự phối hợp trong việc rèn luyện cho con em tại gia đình.

Giáo viên cũng tăng cường tương tác với học sinh sau một chuyên mục bằng việc đưa ra các thảo luận để học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình…

“Để việc giáo dục kỹ năng cho học sinh thông qua trực tuyến có hiệu quả chúng tôi luôn chú trọng đến sự tương tác sau mỗi chương trình.

Đó không chỉ là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh mà còn là sự tương tác giữa nhà trường và phụ huynh để tham gia vào việc rèn luyện, giáo dục các kỹ năng sống cho con em mình”, cô giáo Phạm Thị Phương Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ nhấn mạnh.

Học sinh thích thú với Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”.
Học sinh thích thú với Chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”.

Nhờ cách làm hay, sáng tạo, những tiết học Kỹ năng sống của trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ đã tạo thích thú cho các em học sinh. Những câu chuyện đẹp đã rung động những trái tim nhạy cảm, giàu thương yêu, từ đó các em biết nâng niu và lan tỏa những nét đẹp của cuộc đời.

Em Nguyễn Hồng Bảo Chi (lớp 4D) chia sẻ: “Em ấn tượng nhất với câu chuyện về tấm gương của chị Phương Anh. Dù bệnh tật nhưng chị đã vươn lên trong cuộc sống với tinh thần rất lạc quan. Qua câu chuyện của chị, em cảm thấy bản thân cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống và học tập. Em hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được duy trì vì em thấy rất hay và bổ ích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ